Bản báo cáo cáo buộc mạnh mẽ và gay gắt liên quan tới việc 4 đại gia công nghệ (Big Tech): Google, Amazon, Apple và Facebook quá độc quyền và lạm dụng quá nhiều quyền lực trên thị trường hàng thập kỷ qua.
Những cáo buộc trong bản báo cáo của Hạ viện Mỹ chủ yếu được nêu ra bởi các thành viên của Đảng dân chủ, thu thập từ hơn 1,3 triệu tài liệu và là kết quả cuộc điều tra kéo dài 16 tháng, nhắm vào các ông lớn công nghệ đình đám nhất của Mỹ. Đáng chú ý, những cáo buộc này không phải lần đầu xuất hiện.
Apple
Theo báo cáo, vị thế độc quyền của Apple dựa trên Appstore là "cánh cửa" duy nhất để nhà phát triển đưa ứng dụng lên hệ điều hành iOS. Hiện ngày càng có nhiều tên tuổi như: Netflix, Tinder, Facebook hay mới nhất là Epic Games, đã công khai chỉ trích việc Táo khuyết thu phí 30% với các giao dịch trong ứng dụng.
"Chúng tôi cảm thấy đó là một khoản thuế đánh thẳng vào doanh thu của mình, nhưng lại rơi vào túi một trong những công ty quyền lực nhất thế giới", ông Austin Benson, chuyên gia phát triển ứng dụng, cho biết.
Một số nhà phát triển khác cáo buộc rằng, Apple "vừa đá bóng vừa thổi còi", ưu tiên cho ứng dụng riêng của mình như Apple Music, hạn chế các nhà phát triển ứng dụng cạnh tranh như Spotify.
Google
Cáo buộc độc quyền với Google chủ yếu nằm trong các lĩnh vực công cụ tìm kiếm và quảng cáo. Nhờ vào vị thế thống trị thị trường tìm kiếm và kho dữ liệu người dùng khổng lồ, Google có thể thiết lập thuật toán đưa những kết quả ưu tiên của mình lên trước các đối thủ cạnh tranh, đồng thời khiến họ phải dựa vào dịch vụ của mình.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra về hành vi độc quyền nhằm vào Amazon, Apple, Google và Facebook từ tháng 6/2019. (Ảnh: Reuters)
Nhờ vào những chiến thuật này, Google đang "hút" lượng truy cập từ các trang web khác, đồng thời lại buộc họ phải trả tiền quảng cáo. Nhiều công ty đã ví Google là "người gác cổng" chuyên ăn chặn tiền của họ.
Facebook
Ông lớn mạng xã hội số 1 hành tinh nhận chỉ trích nhiều nhất về vị thế thống trị trên thị trường mạng xã hội. Theo báo cáo, Facebook dùng chiến lược sao chép tính năng của các đối thủ, hay thâu tóm những tên tuổi nhỏ hơn như Instagram hay Whatsapp, nhằm ngăn không cho các ứng dụng này cạnh tranh với mình. Do thiếu sự cạnh tranh, Facebook được cho là đã để chất lượng sụt giảm, dẫn đến nhiều bê bối như rò rỉ dữ liệu khách hàng và tin giả tràn lan.
Amazon
Với Amazon, hãng bị cáo buộc coi các đối tác bán lẻ trên nền tảng của mình là "đối thủ nội bộ", sử dụng nhiều chiến lược gây sức ép lên họ như hạn chế việc hợp tác với các nền tảng khác, buộc trả phí nếu muốn tăng cường dịch vụ hỗ trợ khách hàng.
Hãng cũng tự bán hàng cạnh tranh với các đối tác này và có thể nắm lợi thế khi nắm được hoạt động và thông tin từ những "đối tác nội bộ" kể trên.
Chỉ riêng 4 công ty công nghệ Google, Apple, Amazon và Facebook ước tính có tổng giá trị thị trường trên 5.000 tỷ USD, chiếm 50% giá trị vốn hóa của toàn ngành công nghệ tại Mỹ (9,1 nghìn tỷ USD).
Do vậy, sau những cáo buộc này, Tiểu ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó có một đề xuất táo bạo, đó là chia nhỏ các công ty. Hiểu đơn giản, Google sẽ bị yêu cầu phải thoái vốn và tách ra khỏi YouTube; hay Facebook cũng không thể chung nhà với Instagram hay Whatsapp.
Đề xuất này được phía Đảng Cộng hòa ví von là có sức mạnh tầm cỡ "hạt nhân" phá hủy tất cả, nếu áp dụng. Vậy trong những cái tên được nhắc tới trong bản báo cáo này, công ty nào sẽ lọt vào tầm ngắm đầu tiên của các nhà lập pháp Mỹ? Và hiện họ đã đưa ra lý lẽ gì để bảo vệ bản thân?
Trong tổng số 449 trang của bản báo cáo, Google bị nhắc tới nhiều nhất và đến Amazon, Apple và Facebook. Không chỉ Hạ viện, 4 công ty này cũng đang đứng trước một cuộc điều tra tương tự của Bộ Tư pháp Mỹ. Dường như các công ty nhỏ, các đối thủ của họ đang quyết tâm gây sức ép từ mọi phía.
Ngay lập tức, 4 hãng không đồng ý với các cáo buộc. Google tự nhận thấy họ đang cạnh tranh công bằng. Apple gọi sự cạnh tranh của họ là động lực đổi mới, sáng tạo. Facebook ví sự thành công của mình là thành công của nước Mỹ. Còn Amazon cho rằng những cáo buộc đi ngược lại sự cạnh tranh và các công ty sẽ không thể thành công được.
Về cơ bản, 4 công ty này mới dừng lại ở mức độ phản ứng là đưa ra các tuyên bố, chưa có hành động nào cụ thể.
Nhiều chuyên gia cho rằng các nhà lập pháp Mỹ đã được giao một nhiệm vụ khó khăn, đó là viết lại luật chống độc quyền, điều mà chưa được thực hiện trong nhiều năm qua.
Hiện nước Mỹ có 3 luật chống độc quyền quan trọng nhất, nhưng đều ra đời từ những năm 1890 hay 1914. Mặc dù những luật này đã được ban hành, thế nhưng trên thực tế, để xác định một doanh nghiệp có độc quyền, thao túng thị trường hay không lại phụ thuộc vào phán quyết của tòa án và chứng minh được điều này trước tòa chưa bao giờ là dễ dàng.
Liệu rằng báo cáo lần này về chống độc quyền của Hạ viện Mỹ có thể tạo ra được đột phá trong điều luật, giúp bẻ gãy được sự độc tôn trên thị trường của các ông lớn công nghệ hay không?
Để từ bản báo cáo thành luật, nó phải được Thượng viện duyệt và được Tổng thống Mỹ ký. Trong khi, bản báo cáo lại do Hạ viện, nơi đảng Dân chủ chiếm đa số, khởi xướng. Còn Thượng viện lại đang do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Từ trái sang: CEO Amazon - Jeff Bezos, CEO Apple - Tim Cook, CEO Alphabet - Sundar Pichai và CEO Facebook - Mark Zuckerberg. (Ảnh: Telegraph)
Về cơ bản, phe Cộng hòa đồng ý là cả 4 công ty lớn đã lạm dụng sự độc tôn của mình để "canh cửa" thị trường, gây sức ép và bào mòn năng lực của các công ty có tiềm năng là đối thủ, tuy nhiên, lại không tán thành với ý tưởng chia tách các công ty vì cho rằng như thế là "chặt ngọn".
Họ cho rằng, để giải quyết gốc rễ thì phải tăng cường năng lực của những người thực thi luật pháp, phải sửa đổi luật chống độc quyền để dễ dàng ngăn chặn các vụ thâu tóm, sáp nhập; đồng thời tạo điều kiện để các công ty nhỏ hơn dễ khiếu kiện và thắng kiện nếu các công ty lớn làm sai.
Những kết luận cuối cùng sẽ không thể có sớm hơn cuộc bầu cử 3/11 tới, bởi cuộc bầu cử sẽ quyết định tới việc đảng nào kiểm soát viện nào trong Quốc hội Mỹ, từ đó cũng sẽ ảnh hưởng tới những phán quyết cuối cùng.
Bản báo cáo lần này thể hiện rất rõ quan điểm của các đảng viên Dân chủ của Mỹ và được xem là một cơ hội để đảng Dân chủ nâng cao uy tín của họ trong cuộc chiến chống lại sự độc quyền của các công ty công nghệ lớn.
Tuy nhiên có một nghịch lý ở đây, đó là dữ liệu từ OpenSecrets, một trang web theo dõi tài trợ chính trị và hồ sơ tài chính chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, cho thấy rằng, Amazon, Alphabet, công ty mẹ của Google và Microsoft là 1 trong 5 nhà tài trợ hàng đầu cho Ủy ban vận động tranh cử tổng thống của ứng cử viên Đảng Dân chủ - Joe Biden vào năm 2020.
Theo các chuyên gia, các công ty công nghệ đang cố gắng củng cố mối quan hệ của họ với ông Joe Biden để đảm bảo rằng nếu ông Biden thắng trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, họ sẽ có tiếng nói hơn trong các cuộc điều tra quyết liệt của liên bang và tiểu bang về hoạt động kinh doanh của họ sau này. Đó là một bước đi khôn ngoan.
Chỉ còn vài tuần nữa, cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Theo các chuyên gia với nhiều kinh nghiệm trong quá khứ, kết quả của sự kiện này có thể thay đổi triển vọng cải cách lập pháp về chống độc quyền trong tương lai.
Điều gì sẽ xảy ra với các hãng công nghệ sau cuộc bầu cử tổng thống?
Mặc dù 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ có nhiều quan điểm khác nhau về việc chèo lái đầu tàu kinh tế của thế giới, nhưng vấn đề chống độc quyền từ các gã khổng lồ công nghệ có lẽ là điểm chung hiếm hoi. Cả ông Trump và ông Biden đều nhất trí cần thực thi chặt chẽ hơn luật chống độc quyền với các công ty công nghệ. Các chuyên gia đã đưa ra một số nhận định về các kịch bản sẽ xảy ra với các hãng công nghệ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Điều quyết định số phận của các ông lớn công nghệ Mỹ không phải ai lên nắm quyền Tổng thống, mà là việc thực thi sẽ diễn ra vào lúc nào và dưới hình thức nào.
"Nếu ông Biden đắc cử, điều đầu tiên Đảng Dân chủ nghĩ tới sẽ là điều chỉnh lại đất nước. Có rất nhiều ưu tiên được đặt lên trên việc xử lý các gã khổng lồ công nghệ. Ví dụ như việc vực dậy nền kinh tế, giúp người dân có việc làm trở lại và mang lại hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt. Trong trường hợp Tổng thống Trump tái đắc cử, mọi việc cũng diễn biến tương tự, sau bầu cử sẽ chưa có quá nhiều điều chỉnh", ông Alex Kantrowitz, CNBC Contributor, nhận định.
Thay vì vội vã viết những đạo luật mới, Chính quyền mới được cho là sẽ bước đầu gây sức ép buộc các tập đoàn công nghệ lớn phải ra hầu tòa cùng với các bên khởi kiện, như nhà cung cấp của Amazon hay các nhà xuất bản.
Một quan điểm chung của 2 đảng là cần tăng thêm nguồn lực tài chính cho các cơ quan quản lý. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) hay Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) chỉ có khoản ngân sách trị giá 500 triệu USD mỗi năm, trong khi mình gã khổng lồ xanh Facebook kiếm được số tiền đó chỉ trong 3 ngày.
"Làm sao có thể đòi hỏi các nhà làm luật bước vào cuộc chiến cân sức với các ông lớn công nghệ trong khi tiềm lực tài chính chênh lệch như vậy? Các cơ quan quản lý đều rất quan tâm đến vấn đề chống độc quyền, chỉ là họ giống như bị trói 2 tay sau lưng khi đứng trước các tập đoàn công nghệ khổng lồ", ông Alex Kantrowitz, CNBC Contributor, cho biết.
Đối với đề xuất chia tách các công ty công nghệ, đa số các nghị sĩ đều cho rằng không cần thiết, mà thay vào đó là điều chỉnh các chính sách khác, như mua bán và sáp nhập M&A.
Đề xuất của đảng Cộng Hòa là hạ mức xem xét mức độ thống trị thị trường sau thương vụ sáp nhập từ 60% - 70% như hiện nay xuống còn 25%.
Nhiều đề xuất chống độc quyền liên tục được các nghị sĩ Mỹ đưa ra, tuy nhiên, việc cái tên nào trong Big Four bị gọi đầu tiên sẽ là vấn đề ở tầm của tòa án tối cao quyết định.
VTV.vn - Chính phủ Australia kêu gọi các công ty công nghệ toàn cầu tham gia trả tiền cho việc sử dụng nội dung tin tức của tổ chức truyền thông Australia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Xem thêm: mth.26262112101010202-neyuq-mal-hcet-gib-ot-ym-neiv-ah/et-hnik/nv.vtv