Đây là một thực tế gây thắc mắc trên thị trường. Đặc biệt, kết phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần ngày 9.10, VN-Index đã phá mốc 920 và lập định mới 924 điểm.
Khối ngoại vẫn bán ròng mạnh…
Kết thúc phiên ngày 9.10, VN-Index dù đã thiết lập đỉnh mới 924 điểm nhưng khối ngoại vẫn bán ròng nhẹ hơn 40 tỉ đồng. Đây là phiên bán ròng thấp nhất tuần của khối này, giảm khoảng 55% về lượng và 59% về giá trị so với phiên liền trước.
Tuy nhiên, nếu xét cả tuần từ ngày 5-9.10, khối ngoại vẫn bán ròng khá mạnh, với tổng giá trị trên toàn thị trường hơn 720 tỉ đồng. Còn tuần trước đó, giá trị bán ròng của khối này còn cao hơn nhiều, hơn 1.850 tỉ đồng. Tuần từ ngày 14-18.9, giá trị bán ròng của khối này cũng hơn 1.236 tỉ đồng.
Trong vòng 4 tuần trở lại đây, chỉ duy nhất tuần từ ngày 21-25.9 là khối ngoại mua ròng về giá trị, nhưng ở mức nhỏ, chỉ hơn 19 tỉ đồng. Song chính ở phiên mua ròng này, khối lượng vẫn bán ròng về khối lượng với 1,83 triệu cổ phiếu.
Nhìn chung trong 4 tuần qua, khối ngoại bán ròng với giá trị lên đến gần 3.800 tỉ đồng. Đây là giá trị bán ròng được xem là khá mạnh của khối ngoại ngay trong giai đoạn thị trường phục hồi khá tốt từ mức trên 894 điểm lên mức 924 điểm.
Trong hành trình hồi phục tăng khoảng 30 điểm này tương ứng mức tăng khoảng 3,3%, VN-Index đã vượt qua các mốc cản đầy khó khăn là 900-905-910-915-920 điểm. Trong đó, đỉnh 910 điểm gây khó khăn nhất, và đỉnh 920 điểm bị vượt qua bất ngờ nhất.
Vì sao bán ròng?
Tình hình bán ròng của khối ngoại hiện tại có nhiều nét tương đồng với giai đoạn từ tháng 4-6.2020 khi thị trường chứng khoán hồi phục nhưng khối ngoại vẫn “xuống tàu” mạnh mẽ rút tiền ra khỏi thị trường.
Tuy nhiên, cũng tương tự giai đoạn trên với dòng tiền từ các nhà đầu tư F0 vào thị trường ào ạt, nay lại tái diễn trong tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay, bất chấp khối ngoại bán ròng, dòng tiền từ nhà đầu tư F0 trong nước vẫn mạnh mẽ chảy vào thị trường, đặc biệt là trong các phiên bắt đáy.
Theo một phân tích từ Công ty chứng khoán Rồng Việt, chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu) của VN-Index đến cuối tháng 9 là 15,1 lần, đã cao hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát. P/E của VN-Index đã vượt mức P/E của chỉ số JCI của Indonesia và chỉ số Hang Seng của Hong Kong, ảnh hưởng đến độ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tài chính nước ngoài.
Trước đó, theo bảng xếp hạng của StockQ đến cuối tháng 8.2020, chứng khoán Việt Nam (VN-Index) tăng mạnh nhất thế giới với mức tăng 11,69%. Giá tăng nhưng mức lợi nhuận chung của doanh nghiệp niêm yết giảm vì ảnh hưởng dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp tới chỉ số P/E.
Nhưng đó chỉ là những phân tích, so sánh trên các con số. Về mặt nào đó, thị trường chứng khoán luôn phải sống chung với các thông tin không theo lôgic của những con số hay phép tính.
Thị trường chứng khoán Việt Nam càng có đặt trưng riêng của một thị trường chuẩn mực chưa cao, nhiều khi tăng theo tin đồn, hoặc các chiêu trò rò rỉ thông tin, cấu kết thao túng giá…
Đây lại chính là môi trường mà các nhà đầu cơ trong nước nhanh nhạy hơn, thậm chí thích ứng nhanh hơn, và cũng đủ tính mạo hiểm để lao vào hơn là các nhà đầu tư ngoại.
Nhưng hơn hết, việc khối ngoại vẫn bán ròng cho thấy niềm tin của họ về xu hướng tăng của thị trường là không chắc chắn, hoàn toàn có thể xảy ra các phiên đột ngột đảo chiều và điều chỉnh mạnh.
Tuy nhiên hiện dòng tiền mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước hoàn toàn đủ lực để cân và kích thị trường bùng nổ.
Xem thêm: odl.818348-gnor-nab-nav-iaogn-iohk-oas-iv-hnid-ahp-cut-neil-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal