vĐồng tin tức tài chính 365

Nghĩa tình trong cơn lũ dữ

2020-10-11 10:05
Nghĩa tình trong cơn lũ dữ - Ảnh 1.

Nhóm thanh niên của thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) xung phong bơi vào vùng ngập lũ đưa những người ở tình thế nguy hiểm ra vùng an toàn - Ảnh: PHƯƠNG THÚY

Những câu chuyện tình người đó như tiếp thêm năng lượng cho mọi người chống chọi với cơn lũ còn diễn biến rất phức tạp này.

Thôn An Mỹ (thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) nằm ven sông Hiếu cũng vừa trải qua trận lũ nước dâng cao và chưa từng thấy trong 20 năm qua. Xóm Cồn Nậy là nơi bị cô lập sớm nhất và cũng là nơi ngập sâu nhất của thôn.

Tiếp sức cho dân làng chống lũ

Theo những người ở làng này, nước lũ sông Hiếu tràn vào lúc trời chưa sáng. Cả xóm Cồn Nậy đã biết đợt này lũ sẽ vào nhưng không ai nghĩ nước vào nhanh và ngập sâu đến thế. Chị Đào Phương Thúy, một người dân xóm Cồn Nậy, kể mới chạng vạng tối nước còn ngoài sông, đến 3h sáng đã vào tới nhà. 

Trèo lên chiếc bàn kê trên giường được hơn tiếng thì nước lũ đã sắp dâng đến gót chân. Cả nhà phải leo tiếp lên gác xép sát mái nhà. Đến gần trưa, nước uống không có, đồ ăn không nấu được thì phía ngoài sân có mấy bóng thanh niên mặc áo phao bơi đến.

"Nhìn ra mới biết là nhóm thanh niên trong làng. Lúc đó ngoài sân nước lũ đã dâng ngập trắng cả xóm" - chị Thúy kể lại.

Nhóm này bơi đến sát ô cửa trên mái tôn thì leo lên đưa nước và mì tôm vào. Nguyễn Thành Trung, một thành viên trong xóm, còn dặn vài điều cần thiết để an toàn trong lũ rồi cả nhóm lại nhảy ùm xuống nước bơi qua nhà khác.

Nhóm này thực chất là một tổ thanh niên tình nguyện của làng. Trước cơn lũ, không ai nghĩ lũ dâng cao đến thế nên không ai kịp chuẩn bị thuyền bè cứu hộ đành quyết định "bơi bộ" đi tiếp tế cho cả xóm. 

"Gấp quá rồi. Không đi thì có thể nhiều người đang thiếu đồ ăn và nước uống để cầm cự trong lũ" - Thành Trung nói. Ai cũng biết bơi giữa nước lũ dù có áo phao cũng có thể gặp nguy hiểm, cũng chẳng ai chờ được trả công. Trung nói đơn giản anh em trong nhóm đi vì tình làng nghĩa xóm.

Anh Hoàng Thanh Lâm, trưởng thôn An Mỹ, kể thời điểm đó xóm Cồn Nậy có 6 người đang ở tình thế vô cùng nguy hiểm vì nước dâng nhanh. Canô cứu hộ chuyên dụng của huyện không đủ để đi chở hết dân cùng lúc. 

Nhóm thanh niên này xung phong mặc áo phao kéo bè phao cứu hộ lao xuống nước. Nhiệm vụ của nhóm này là bơi vào tiếp cận những nhà dân có người mắc kẹt trên đỉnh lũ rồi đưa xuống bè phao kéo ra vùng an toàn. Quần quật giữa nước lũ từ sáng đến quá trưa, nhóm này cũng hoàn thành nhiệm vụ.

Đến buổi chiều, nhóm này lao vào nhiệm vụ mới là tiếp tế nước uống và mì gói cho những nhà dân ở nơi ngập sâu, tối mịt mới về tới nhà trong trạng thái mệt lả nhưng ai trong nhóm cũng vui vì mình đã giúp được nhiều người lúc khó khăn nguy hiểm nhất.

Nghĩa tình trong cơn lũ dữ - Ảnh 2.

100 hộp cơm của chị Ngọc Ánh nấu được xếp gọn gàng lên xe để đưa vào cho dân vùng ngập nặng ở Lao Bảo trưa 9-10 - Ảnh: NGỌC ÁNH

Những phần cơm ấm tình người

Lao Bảo nằm sát sông Sê Pôn (giáp biên giới Việt - Lào), nước mưa từ dãy Trường Sơn đổ về theo sông cuồn cuộn nên ngay từ ngày đầu của đợt lũ, cả thị trấn vùng cao này đã ngập. 

Từ rạng sáng 8-10, nước lũ đã tràn vào khu dân cư và lên nhanh từng phút, người dân không kịp trở tay. Ông Lê Văn Thành - 48 tuổi, nhà cách sông chưa đến trăm mét, ở khóm phố Duy Tân - nói cả ngày 8-10 cả nhà tập trung sức dọn dẹp đồ đạc lên cao tránh lũ. 

Cuối ngày lũ có xuống đôi chút nhưng đêm và sáng 9-10 lại lên. Mất điện, ướt bếp không thể nấu nướng suốt hai ngày nên ông tính đến trưa sẽ liều bơi ra vùng ít ngập mua đồ khô cho cả nhà.

Điện thoại còn ít pin, ông vô mạng xem tin tức quanh vùng thì có một dòng tin khiến ông chú ý: "100 hộp cơm cho người dân Lao Bảo. Hai tiếng nữa có cơm em đi phát. Của ít lòng nhiều, mong bà con qua cơn lũ". Ông chỉ đọc rồi lại quay qua dọn nhà.

Gần trưa, ông Thành nghe tiếng một chiếc thuyền nhỏ với một nhóm người mặc áo mưa đi ngang rồi đến sát nhà ông. Ông ngạc nhiên khi trên thuyền có rất nhiều hộp cơm xếp ngay ngắn. Một thanh niên trên thuyền vẫy tay gọi ông ra nhận cơm. 

Người này nói cơm do một cô gái ở ngoài khóm Đông Chín nấu tặng dân vùng lũ. "Tui không ngờ luôn. Tự nhiên thấy rưng rưng. Mấy hộp cơm thôi nhưng khi nớ như cả một món quà lớn, nhất là từ người không quen biết thì càng đáng quý hơn" - ông Thành kể lại.

Phát cơm cho nhà ông Thành xong, thuyền tiếp tục đi qua những nhà cùng xóm. Thật khó để nói hết niềm vui của xóm này với bữa trưa trên đỉnh lũ hôm đó. Người nấu những phần cơm này là chị Lê Thị Ngọc Ánh, 25 tuổi, ở khóm Đông Chín cao ráo hơn.

Chị Ánh kể chị thấy vùng ven sông Sê Pôn ở thị trấn Lao Bảo ngập lụt nặng từ sáng 8-10. Đến sáng 9-10, chị quyết định chạy từ nhà chồng ở Khe Sanh lên nhà ba mẹ ở Lao Bảo để nấu cơm cho những gia đình ở nơi ngập nặng. 

"Bị lũ ngâm ngày thứ hai rồi và lũ lên bất ngờ nữa thì chắc nhiều người chưa kịp chuẩn bị lương thực" - chị Ánh nói. Chị Ánh và chị của mình loay hoay đến 10h sáng mới được 100 hộp cơm dành cho xóm Duy Tân vì ở đó gần sông và ngập lũ nặng nhất.

Một người anh của chị Ánh mượn giúp được một chiếc thuyền nhỏ và giúp luôn việc đưa các phần cơm đến tận người dân vùng ngập. Đến sáng 10-10, nước lũ lại dâng ngập những khu dân cư ven sông, chị Ánh lại tiếp tục nấu 200 hộp xôi đưa lên thuyền vào vùng lũ.

"Bà con vùng lũ đã cùng cực lắm rồi. Mình may mắn ở chỗ không lụt thì bỏ công giúp họ bữa cơm, không đáng kể chi" - chị Ánh nói.

Những ngày qua, chi hội phụ nữ thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong cũng đã nấu cơm rồi chèo đi quanh làng đưa cơm cho người dân đang tránh lũ trên tra (một dạng gác xép). Họ nói giúp nhau một bữa cơm qua cơn lũ dữ không phải là chuyện đáng kể. Điều đáng kể hơn là sự trân quý tình cảm xóm làng.

Anh Ái và chiếc ghe nhỏ giúp người làng ven sông trong nước lũAnh Ái và chiếc ghe nhỏ giúp người làng ven sông trong nước lũ

TTO - Chiếc ghe của anh Nguyễn Văn Ái đã giúp những người dân khu phố Vĩnh Phước (phường Đông Lương, Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) tránh khỏi dòng lũ dữ sông Thạch Hãn.

Xem thêm: mth.57074209011010202-ud-ul-noc-gnort-hnit-aihgn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nghĩa tình trong cơn lũ dữ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools