Soichiro Honda sinh năm 1906, trong một gia đình rất bình thường ở tỉnh nhỏ Shizuoka, Nhật Bản. Thế kỷ XX chỉ mới bắt đầu. Lần đầu tiên có một chiếc ô tô đến thị trấn, khi ấy Soichiro vẫn còn rất trẻ. Ðó là một chiếc Ford. Nó khiến Soichiro mê mẩn. Với anh, thật không thể tin được những gì cỗ máy này có thể làm được. Ðó là ngày anh bắt đầu mơ về việc tạo ra chiếc xe hơi của riêng mình.
Năm 15 tuổi, Soichiro Honda chuyển đến Tokyo và làm việc trong một nhà máy linh kiện máy bay. Anh đam mê công việc ngay từ ngày đầu tiên. Vì vậy, một ngày, giám đốc nhà máy đề nghị Soichiro lấy một số bộ phận máy bay và cố gắng chế tạo một chiếc xe đua.
Sự khởi đầu của huyền thoại
Chế tạo một chiếc ô tô là ước mơ lớn nhất của Soichiro Honda. Ðó chính xác là lý do tại sao, khi sếp của anh đề xuất ý tưởng, anh đã không do dự dù chỉ một giây. Kết hợp kỹ thuật thủ công và công nghiệp, anh đã tạo ra được mô hình đầu tiên. Anh cũng tự làm hầu hết các bộ phận. Anh tự tay khắc các nan hoa trong bánh xe bằng gỗ.
Ðây là cách mô hình "Curtiss" ra đời. Ðó là một chiếc xe phi thường. Họ ngay lập tức gửi chiếc xe này đến các cuộc đua. Sau đó, vào năm 1924, chiếc xe giật giải vô địch Nhật Bản. Khi đó, Soichiro Honda chỉ mới 18 tuổi.
Soichiro không chỉ tỏa sáng với tư cách là một người thợ máy nhiệt huyết, kiên trì. Anh cũng trở thành một tay đua xe hơi. Ðây là một lĩnh vực khác mà anh thực sự nổi bật. Anh đã lập kỷ lục về tốc độ khi cho chiếc xe của mình tăng tốc tới 120 km/giờ và kỷ lục này tồn tại ở Nhật Bản trong 20 năm.
Khi Soichiro Honda 21 tuổi, anh quyết định trở về quê hương. Anh đã làm việc ở một nhà máy trong 6 năm. Năm tiếp theo, anh thành lập công ty riêng mang tên Công ty máy chính xác Toukai. Chức năng chính của nó là sản xuất các bộ phận xe hơi, đặc biệt là xéc- măng (vòng pít - tông).
Con đường kiên trì
Vừa học thêm ở trường, Soichiro vừa làm việc miệt mài với thiết kế của mình, đến nỗi khuỷu tay lúc nào cũng dính đầy dầu mỡ. Ông đã tiêu cạn tiền vào dự án, và nó vẫn chưa hoàn thành. Soichiro phải cầm cố đồ trang sức của vợ để tiếp tục.
Sau nhiều năm nỗ lực, cuối cùng ông đã thiết kế được vòng pít - tông mà anh chắc chắn rằng hãng Toyota sẽ mua. Khi ông mang sản phẩm đến, họ đã từ chối. Ông phải trở lại trường học, chịu đựng sự sỉ nhục của giáo viên và bạn bè. Họ bảo ông là một thằng ngốc vì “thiết kế một thứ lố bịch như thế”.
Soichiro dành hai năm tiếp theo để tiếp tục tìm cách chế tạo xéc-măng tốt hơn. Ông tin mình sẽ thành công.
Cuối cùng, sau hai năm, Soichiro Honda đã hoàn thiện thiết kế xéc-măng và hãng Toyota đã mua chúng.
Ðể xây dựng nhà máy sản xuất pít-tông của mình, Honda cần bê tông, nhưng chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị cho Thế chiến 2 nên vật liệu này không có sẵn. Một lần nữa, có vẻ như giấc mơ của Soichiro sẽ chết. Nhưng không, ông đã quyết định xây dựng nhà máy. Vì từ bỏ không phải là một lựa chọn, Soichiro đã tập hợp một nhóm bạn, và trong nhiều tuần, họ làm việc suốt ngày đêm để thử nghiệm cho đến khi họ tìm ra một phương pháp mới để sản xuất bê tông. Ông xây dựng nhà máy và cuối cùng đã có thể sản xuất xéc-măng ô tô.
Không bao giờ bỏ cuộc
Câu chuyện không kết thúc có hậu ở đây. Trong chiến tranh, Mỹ đã ném bom nhà máy của Soichiro, phá hủy gần hết. Thay vì cảm thấy thất bại, ông đã tập hợp tất cả nhân viên của mình lại. Ông nói: “Nhanh lên! Chạy ra ngoài và quan sát những chiếc máy bay đó. Chúng sẽ thả những thùng dầu phụ. Chúng ta cần tìm ra nơi các thùng dầu rơi xuống, vì chúng là nguyên liệu thô chúng ta cần cho sản xuất”.
Ðó là những vật liệu mà họ không thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên đất Nhật Bản. Ông Honda sử dụng bất cứ điều gì cuộc sống ban cho ông. Cuối cùng, một trận động đất san bằng nhà máy của ông và Honda buộc phải bán dây chuyền sản xuất pít - tông của mình cho Toyota. Nhưng Chúa không bao giờ đóng một cánh cửa mà không mở một cánh cửa khác.
Khi chiến tranh kết thúc, Nhật Bản hoàn toàn hỗn loạn. Nguồn tài nguyên khan hiếm - xăng bị hạn chế sử dụng và trong một số trường hợp, gần như không thể tìm thấy. Ông Honda thậm chí không thể có đủ xăng lái xe đến chợ mua thực phẩm cho gia đình. Nhưng thay vì cảm thấy thất bại hoặc bất lực, ông đưa ra một quyết định mới. Ông có một chiếc mô tơ nhỏ tương đương động cơ một máy cắt cỏ và nảy ra ý tưởng gắn nó vào chiếc xe đạp của mình. Ngay lúc đó, chiếc xe đạp có động cơ đầu tiên đã được tạo ra. Ông dùng nó đi chợ, và khá nhanh chóng, bạn bè cũng yêu cầu Honda làm vài chiếc cho họ. Ngay sau đó, ông đã sản xuất nhiều "mô tô" đến nỗi hết động cơ, vì vậy ông quyết định xây dựng một nhà máy mới để tự sản xuất. Nhưng ông không có tiền, và Nhật Bản đã tan hoang.
Thay vì bỏ cuộc và nói: "Không có cách nào", Honda nảy ra một ý tưởng tuyệt vời. Ông viết một lá thư cho từng chủ cửa hàng xe đạp ở Nhật Bản, nói với họ rằng ông có giải pháp cho việc đi lại ở Nhật Bản, rằng xe máy của ông rẻ và sẽ giúp mọi người có phương tiện. Sau đó, ông yêu cầu họ đầu tư.
Trong số 18.000 chủ cửa hàng bán xe đạp nhận được thư, 3.000 người đã đưa tiền cho Honda và ông đã sản xuất lô hàng đầu tiên của mình. Nhưng chiếc xe máy quá to và cồng kềnh, rất ít người Nhật mua. Vì vậy, một lần nữa, ông nhận thấy những gì không hiệu quả, và thay vì từ bỏ, lại thay đổi cách tiếp cận. Ông quyết định lột bỏ chiếc xe máy của mình để làm cho nó nhẹ và nhỏ hơn nhiều. Ông gọi nó là The Cub, và nó “thành công chỉ sau một đêm”, giành được Giải thưởng Nhật Hoàng.
Năm 1946, Soichiro Honda thành lập một doanh nghiệp mới, được gọi là Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Honda. Ông tập trung sản xuất xe máy, loại xe rẻ hơn và có thể hữu ích trong hoàn cảnh mới của đất nước. Ông đã lựa chọn đúng. Ông tạo ra một động cơ nhẹ ít ồn hơn nhiều so với những động cơ khác, đưa ông đến thành công.
Năm 1973, Soichiro Honda ngừng làm việc tại công ty riêng. Ông đã tạo ra quỹ “Honda Foundation” để bảo vệ môi trường. Ông mất vào tháng 8/1991, nhưng trước đó đã được công nhận là nhà sản xuất mô tô và ô tô vĩ đại nhất thế giới.
Anh Minh
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.21460809011010202-adnoh-gnah-ed-ahc-auc-gnouht-ihp-neyuhc/nv.zibefac