Vườn mì của một hộ dân tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai bị nhiễm bệnh khảm lá - Ảnh: Mai Anh
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đồng Nai, toàn tỉnh hiện trồng gần 14.000 ha khoai mì. Trong đó, có gần 9.500ha nhiễm bệnh khảm lá, chiếm 67% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019 (16% diện tích nhiễm bệnh).
Hai huyện Xuân Lộc (5.050ha) và Long Thành (2.796ha) là địa phương có diện tích nhiễm bệnh khảm lá khoai mì cao nhất. Còn huyện Nhơn Trạch và TP Long Khánh có tỉ lệ nhiễm bệnh khoảng 80% diện tích gieo trồng.
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, có nhiều nguyên nhân khiến bệnh khảm lá khoai mì đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trong đó, người dân trồng giống HLS-11 rất mẫn cảm với bệnh khảm lá mặc dù đã được cảnh báo không nên trồng; người dân sử dụng thân cây vụ trước (bao gồm cây đã nhiễm bệnh) làm hom giống vụ sau để tiết kiệm chi phí; nhiều người từ địa phương khác đến thuê đất trồng mì chưa quan tâm đến phòng, chống dịch bệnh…
Thực tế, ghi nhận tại nhiều địa phương, sau khi bệnh khảm lá khoai mì xuất hiện, người dân thường bỏ vườn không chăm sóc, không thu gom tiêu hủy cây nhiễm bệnh theo hướng dẫn hoặc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật để trừ bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh). Từ đó, bệnh càng lây lan rộng hơn.
Bà Lê Thị Bằng (xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cho biết do thiếu giống, bà đã mua thêm một ít hom từ nơi khác về trồng. Thời gian đầu cây phát triển tốt nhưng sau 20 ngày tuổi thì cây bắt đầu xuất hiện bệnh. Gia đình bà mua thuốc về phun xịt nhưng không hiệu quả nên đã bỏ vườn không chăm sóc, chờ cuối vụ thu hoạch được bao nhiêu ăn bấy nhiêu.
Tương tự, khi vườn khoai mì của gia đình bị nhiễm bệnh khảm lá, gia đình bà Ký (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) cũng chọn giải pháp ngưng chăm sóc cây nhằm giảm bớt chi phí.
Bà Võ Thị Hồng Thúy - trưởng phòng Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN-PTNT Đồng Nai) - cho biết có khoảng 80% diện tích khoai mì trên địa bàn là giống HL-S11 và 80-90% trong đó đã nhiễm bệnh khảm lá.
"Đây là giống có độ bột và năng suất cao, được người dân ưa trồng. Song, giống HL-S11 rất dễ nhiễm bệnh khảm lá, cây bị bệnh có thể làm giảm năng suất đến 80%. Trong thời gian tới, nếu không kiểm soát được thì dịch sẽ lan rộng hơn nữa, năng suất cũng sẽ giảm mạnh" - bà Thúy nhận định.
Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người sử dụng các giống ít nhiễm bệnh như KM 94, KM 505 thay thế giống HL-S11; vận động người dân thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện bệnh thì khẩn trương thu gom, tiêu hủy hoặc sử dụng thuốc trừ bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh); tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi trao đổi, mua bán giống mì nhiễm bệnh khảm lá hoặc không rõ nguồn gốc từ các vùng khác…
Ngoài ra, Sở kiến nghị Bộ NN-PTNT đề xuất với Chính Phủ có chính sách hỗ trợ người dân có khoai mì nhiễm bệnh khảm lá đã thực hiện xử lý bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhằm hỗ trợ một phần chi phí sản xuất đối với các tỉnh tại chưa đủ điều kiện công bố dịch.
TTO - Sáng 4-9, một cây xanh trước cổng dinh Độc Lập (quận 1, TP.HCM) bị đốn hạ khiến nhiều người thắc mắc tại sao lại đốn cây trước địa điểm di tích lịch sử?
Xem thêm: mth.92211731111010202-ian-gnod-o-gnoc-nat-al-mahk-hneb-ib-im-iaohk-ah005-9-nag/nv.ertiout