Thị trường tăng tuần thứ tư liên tiếp trên VN-Index và tuần thứ mười trên HNX-Index, thanh khoản tiếp tục gia tăng so với tuần trước. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 924 điểm, tương ứng tăng 14,09 điểm (1,5%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 2 điểm (1,5%) lên 136,91 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 1,66 điểm (2,7%) lên 64,01 điểm.
Thanh khoản gia tăng so với tuần trước và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 8.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn niêm yết. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 5,4% lên 38.883 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 12,4% lên 2,3 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 19,4% lên 5.334 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 20,5% lên 390 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu bất động sản không nằm ngoài xu thế của thị trường chung khi diễn biến tích cực trong tuần qua. Thống kê 112 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường thì có đến 70 mã tăng giá trong khi chỉ có 27 mã giảm.
Đứng đầu danh sách tăng giá trong nhóm ngành này ở tuần giao dịch vừa qua là VRG của CTCP Phát triển Đô thị và KCN Cao su Việt Nam với mức tăng 20,4%. Trong tuần, VRG đã công bố thông tin về quyết định phê duyệt phương án thoái vốn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR). Theo đó, GVR và các đơn vị thành viên quyết định bán hết phần vốn tại VRG. Thống kê cho thấy, Công ty mẹ - Tập đoàn và các công ty thành viên đang sở hữu hơn 15,38 triệu cổ phiếu VRG tương ứng 59,41% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của đơn vị này. Giá khởi điểm chào bán được lấy theo chứng thư thẩm định giá. Trường hợp mức giá khởi điểm chào bán do Tập đoàn lựa chọn thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp thì giá khởi điểm thực hiện chuyển nhượng vốn là mức giá tham chiếu bình quân này. Thời gian thực hiện trong năm 2020.
Cổ phiếu PTL của Petroland cũng có mức tăng giá 20,2% từ 6.400 đồng/cp lên thành 7.690 đồng/cp. Trong tuần, PTL có 3 phiên tăng trần liên tiếp và 2 phiên điều chỉnh giảm trở lại. Thanh khoản của cổ phiếu này duy trì ở mức khá thấp so với tuần trước đó.
Cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo cũng gây được sự chú ý khi tăng 17,5% sau một tuần giao dịch. Thanh khoản của ITA trong tuần qua có sự đột biến khi ghi nhận đến 3 phiên có khối lượng khớp lệnh trên 20 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu V11 của VINACONEX No11 giảm giá mạnh nhất với 33,3%. Thị giá của V11 hiện tại chỉ là 200 đồng/cp và cổ phiếu này vẫn trong diện bị hạn chế giao dịch.
Cổ phiếu TLD của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long cũng giảm 16,4% trong tuần qua. Như vậy, TLD vẫn đang trong quá trình điều chỉnh sau chuỗi tăng “sốc” trước đó. Đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp cổ phiếu này giảm sâu.
Cổ phiếu BII của CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư và STL của Sông Đà - Thăng Long cũng là 2 cổ phiếu có mức giảm giá trên 10%. BII giảm 14,3% với thanh khoản khá cao. BII thời gian gần đây diễn biến khá khó chịu khi có những phiên tăng trần và giảm sàn đan xen nhau. Còn đối với STL, cổ phiếu này vẫn nằm trong diện bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch duy nhất trong phiên cuối tuần.
Một số cái tên đáng chú ý nằm trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản có BCM của Becamex IDC, NVL của Novaland, TDH của Thủ Đức House, VCR của Vinaconex – ITC… Tuy nhiên, mức giảm đều không đáng kể.
Đối với 3 cổ phiếu họ “Vin” là VIC của Vingroup, VHM của Vinhomes và VRE của Vincom Retail thì chỉ có VIC giảm nhẹ 0,4% trong khi VHM tăng 1,4% còn VRE tăng 1,3%./.
Xem thêm: lmth.8958422432061-oad-pa-hnax-cas-01-9-5-naut-nas-gnod-tab-ueihp-oc-ial-nihn/nv.semitaer