Nhân (Lê Nguyên Bảo đóng - ngồi) - con tên cướp được tráo vào nhà thầy đồ - trở nên lương thiện, học hành giỏi giang, còn Đức (Thế Hải đóng - bìa phải) - con thầy đồ - trở nên hư hỏng khi ở nhà tên cướp - Ảnh: LINH ĐOAN
Vở mở màn với giấc mơ của tướng cướp Tư Chớp khi trời mờ sáng. Gã nghe thấy tiếng chuông thúc giục từng hồi, vang vang lời cảnh báo của Lê Quý Đôn từ 300 năm trước về 5 nguy cơ là mầm mống gây đại loạn: "Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt".
Toát mồ hôi tỉnh giấc, Tư Chớp chợt lóe lên giấc mơ có con đỗ đạt trạng nguyên. Và rồi đêm đó vợ Tư Chớp chuyển dạ, cùng lúc vợ thầy đồ trong làng cũng sắp sinh.
Tên cướp nghĩ ra cách tráo con qua nhà thầy đồ để nương nhờ người hay chữ, nuôi lớn giấc mơ quan quyền… "Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan", ông muốn con trai nhỏ của mình sẽ làm quan để kế nghiệp nhà (cướp) trên một tầng cao mới.
Tư Chớp đã chọn lối tắt để sớm mong được "đổi đời". Và cách gã chọn là bất chấp luân lý, gạt bỏ bao mạng người. Ai dung túng cho một gã Tư Chớp tối bịt mặt làm cướp, sáng xênh xang là bá hộ giàu sang?
Đó là một xã hội mà đồng tiền thống trị, người thiện lương như thầy đồ thì nghèo kiết xác, bị khinh rẻ. Quan lại trơ trẽn mặc cả mua quan bán chức, thiên hạ bợ đỡ tung hô người có tiền, rẻ rúng trí thức nghèo.
Khi cầm đồng tiền trong tay, họ tự cho mình cái quyền làm loạn, tung tiền mua phú quý, tung tiền mua giá trị ảo. Bao nhiêu cặn bã cứ thế phơi bày trong câu chuyện tráo con suốt 17 năm trời. Kẻ sĩ sống trong thời đảo điên đó cũng thấy lòng hoang mang...
Bàn tay của trời (tên kịch bản gốc của tác giả Doãn Hoàng Giang là Những đứa con oan nghiệt) từng được Ái Như dàn dựng trên sân khấu nhà hát 5B năm 2007. Năm năm sau, nghệ sĩ Ái Như tiếp tục dàn dựng lại một phiên bản khác tại sân khấu Hoàng Thái Thanh và trụ được tại đây đến vài năm.
Bản dựng 2020 là bản thứ ba và lần trở lại này, sức nặng của tiếng chuông cảnh báo càng thêm ấn tượng. Màu sắc dân gian thấm đẫm vở diễn từ cảnh trí, những bức tranh Đông Hồ, những trò chơi dân gian, đặc biệt là khoảng 40 bộ trang phục được nhà thiết kế Sĩ Hoàng chăm chút và may mới hoàn toàn.
Vở diễn lần này cũng chính là thử thách của riêng đạo diễn Ái Như và hơn 20 diễn viên của vở. Trở lại sau hơn 2 tháng dưỡng bệnh vì cú té dẫn đến chấn thương cột sống, Ái Như đã lao vào 3 tuần tập luyện căng thẳng với êkip.
Lần này, chị vào vai bà đồ được viết mới, khắc họa thành công nhân vật bà mẹ đau đớn, bất lực vì không thể kéo con ra khỏi vũng bùn. Các nghệ sĩ trẻ như Hoàng Vân Anh, Quốc Thịnh gây bất ngờ khi thủ diễn các vai khác hẳn với vai trong phiên bản cũ.
Phơi bày những vấn nạn trong xã hội khi đồng tiền làm chủ nhưng Bàn tay của trời vẫn không khiến người ta mất niềm tin vào cuộc sống. Ở đó, còn có những lời gan ruột của thầy đồ: "Quyền cao chức trọng mà ngu dốt càng làm khổ cho đời/ Quan ngu sao dân sướng nổi…".
Những câu trích chọn lọc từ quyển Tam Tự Kinh được nhạc sĩ Duy Thoán viết như lời trẻ ê a đọc cứ như vướng víu tâm can người xem: "...Nhỏ chẳng học, già làm gì/ Ngọc chẳng đẽo, chẳng nên đồ/ Người chẳng học, chẳng biết lẽ…".
Vậy đó, con người không được giáo dục, uốn nắn từ nhỏ sẽ khó thành nhân. Một gia đình, xã hội xem nhẹ việc giáo dục ắt sẽ loạn. Vì ngu dốt nên cứ nghĩ một tay sẽ che được trời, nhưng lách được luật đời, mấy ai lách được luật trời?
Cái kết của vở kịch cũng gây ra những ý kiến trái chiều. Khán giả Quỳnh Hương (H.Nhà Bè, TP.HCM) đặt câu hỏi: "Nhân vật lương thiện trong sáng vô tội nhất của vở kịch lại phải nhận cái chết tức tưởi khiến người xem hụt hẫng.
Bàn tay của trời chắc sẽ không nghiệt ngã như vậy, chỉ là do con người. Con người ác đến mức nào, xã hội đã ô trọc đến mức nào để cái đẹp, cái thiện đến mức toàn mỹ thì không thể tồn tại được?".
TTO - Sau hơn 1 tháng nghỉ dưỡng do bị té khi đang diễn dẫn đến chấn thương cột sống, nghệ sĩ Ái Như bắt đầu trở lại sân khấu với những buổi làm việc chuẩn bị cho sự ra mắt của vở kịch Bàn tay của trời vào ngày 20-9, tại sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Xem thêm: mth.36341249011010202-iort-taul-coud-hcal-ia-yam-iod-taul-coud-hcal-iort-auc-yat-nab/nv.ertiout