Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị Trung ương 13 - Ảnh: TTXVN
Đánh giá về công tác tổ chức cán bộ, quy hoạch và chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp, đặc biệt chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới, ông Thưởng nhận định:
- Nhiệm kỳ vừa qua các cơ quan có trách nhiệm của Đảng, đặc biệt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức trung ương đã làm nhiều việc mang lại kết quả tích cực đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ, đồng thời với việc chỉnh đốn, xử lý những cán bộ sai phạm, vi phạm pháp luật.
Đây cũng là nhiệm kỳ trung ương đã ban hành nhiều văn bản, quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình nhân sự, đặc biệt với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Tuy nhiên, nhìn toàn diện những kết quả đạt được vẫn chưa được như mong đợi, nếu chúng ta nhìn thẳng vào những tồn tại, bất cập, yếu kém ở chỗ này chỗ kia, nơi này nơi khác, trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt những vụ việc, những vấn đề nhân dân bức xúc, công việc còn trì trệ, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu.
* Việc kỷ luật nhiều cán bộ, một mặt cho thấy quyết tâm cao của Đảng trong chống tiêu cực, chỉnh đốn đội ngũ, mặt khác cũng có ý kiến cho rằng do công tác tuyển chọn, bổ nhiệm còn có vấn đề nên mới để "lọt" vào những "hạt giống lép", ông nghĩ sao?
- Không có cơ chế tuyển chọn nào hoàn hảo tuyệt đối. Công tác cán bộ phải toàn diện từ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, quy hoạch, bổ nhiệm, phát huy năng lực, kiểm soát quyền lực đối với quá trình phát triển của một cán bộ, đối với toàn bộ đội ngũ.
Qua công tác xử lý kỷ luật, chỉnh đốn Đảng vừa qua có tình trạng để "lọt" một số "hạt giống lép". Nhưng cũng có những trường hợp trước khi "dính chàm" họ đã có quá trình phấn đấu, trưởng thành, thậm chí có cống hiến, có trường hợp là anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, từng kinh qua các chức vụ khác nhau.
Tôi phân tích như vậy để thấy rằng trong cơ chế thị trường, trong môi trường xã hội mới này, lợi ích, đồng tiền tác động mạnh lắm, có ma lực mãnh liệt lắm, không phải ai cũng vượt qua được cám dỗ.
Ở đây, tôi muốn đề cập đến trách nhiệm giải trình của cán bộ, đảng viên, đặc biệt cán bộ lãnh đạo cấp cao trước nhân dân, trước những vấn đề dư luận, nhân dân đặt ra, những vấn đề nhân dân chất vấn.
Bây giờ có bộ trưởng, có bí thư tỉnh ủy nào nghèo không? Không có. Tôi dám khẳng định như vậy.
Dân lại đặt ra câu hỏi: Với đồng lương như vậy, thu nhập như vậy, sao đời sống cán bộ lại sung túc thế? Tại sao nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn, vất vả thế mà vợ, con của một số lãnh đạo lại kinh doanh, làm ăn dễ dàng thế?
Tất nhiên đất nước phát triển thì dân phải giàu, đời sống phải được nâng cao, trong đó có đời sống của đội ngũ cán bộ. Vì vậy phải đề cao cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, vừa để bảo vệ cán bộ tốt, cán bộ đàng hoàng, loại bỏ những cán bộ vụ lợi.
Tóm lại, chúng ta không thể trông đợi hoàn toàn vào đạo đức của đội ngũ cán bộ, mà phải hoàn thiện cơ chế đánh giá, sàng lọc, kiểm soát, bắt buộc giải trình mới khắc phục được những tồn tại, bất cập.
* Như vậy, công tác cán bộ không chỉ là đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bổ nhiệm...
- Đúng như vậy. Cán bộ là khâu then chốt, rất quan trọng nhưng không phải tất cả. Nếu thể chế kinh tế chưa hoàn thiện, kiểm soát thiếu chặt chẽ và không thường xuyên thì ngay cả khi có cán bộ tốt rồi vẫn có thể bị mất cán bộ.
Trong công tác phòng chống tham nhũng, người ta thường nói phải làm như thế nào để không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng.
Muốn như vậy, pháp luật phải nghiêm minh, xử lý phải mạnh tay, kiểm soát quyền lực phải tốt, cơ chế về quản lý kinh tế, đặc biệt quản lý chi tiêu công phải chặt chẽ, bịt được mọi kẽ hở, đồng thời chế độ đãi ngộ, chính sách với cán bộ cũng phải xứng đáng.
Hiện nay thể chế kinh tế của chúng ta chưa hoàn thiện. Tôi nói một việc thôi là chi tiêu qua tài khoản chưa làm được, vẫn dùng tiền mặt nên tài sản cá nhân không kiểm soát được. Ở nhiều nước người ta chi tiêu qua tài khoản hết, thậm chí mang tiền mặt không chi tiêu được.
Rồi nói đến chuyện không muốn nhũng nhiễu thì với chế độ tiền lương như vậy, cải cách tiền lương chậm, đời sống công chức còn nhiều khó khăn, cũng còn nan giải.
Cho nên chọn được người cán bộ có năng lực, phẩm chất mới chỉ là một bước. Chúng ta cần phải hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, kiểm soát quyền lực, cải cách chế độ tiền lương phù hợp.
* Đại hội Đảng lần thứ XIII tới đây sẽ có thêm nhiều ủy viên trung ương là những người trưởng thành sau chiến tranh, trong môi trường toàn cầu hóa, ông kỳ vọng gì vào thế hệ mới đó?
- Đất nước đã thống nhất được 45 năm, hôm nay chúng ta đang chuẩn bị một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ, những người được nhận những điều kiện tốt hơn thế hệ cha anh về vật chất, tinh thần, giao lưu quốc tế, được học hành, đào tạo bài bản, có kỹ năng, tri thức.
Những người được quy hoạch vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, được giới thiệu ứng cử trung ương khóa tới cũng từ cơ sở được sàng lọc, phát triển lên.
Tôi mong đó sẽ là đội ngũ lãnh đạo thế hệ mới kỹ trị, giàu tâm huyết, khát vọng phát triển đất nước hùng cường.
Tuần này nhiều tỉnh, thành tổ chức đại hội
Theo kế hoạch, trong tuần từ ngày 11 đến 18-10 sẽ có thêm nhiều tỉnh, TP tổ chức đại hội đại biểu Đảng bộ, trong đó có Bạc Liêu, Bắc Giang, Bình Định, Điện Biên, Phú Yên, Quảng Nam, Sóc Trăng, Trà Vinh...
Đáng chú ý, Đảng bộ TP Hà Nội sẽ tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XVII từ ngày 11 đến 13-10. Thành ủy Hà Nội đã triển khai các bước quy trình giới thiệu nhân sự và xây dựng đề án nhân sự trình Bộ Chính trị phê duyệt.
Tổng số nhân sự được giới thiệu ứng cử tham gia Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 81 người, bầu tại đại hội 71 (số dư 14%).
Nhân sự tái cử 47/81 người (58%); nhân sự tham gia lần đầu 34/81 người (41,9%); số lượng ủy viên Ban thường vụ Thành ủy 17 người.
Chinhphu.vn
"Mạch" nhân sự đang chảy
Ở Hội nghị Trung ương 13 vừa bế mạc tuần qua, Ban Chấp hành trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự trung ương tái cử, nhân sự lần đầu tham gia Ban Chấp hành trung ương ở cả "bảng" chính thức và "bảng" dự khuyết.
Nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết số ứng cử viên ở hai "bảng" trên có số dư 10-15% (so với số dự kiến được bầu ở Đại hội Đảng 13 là 180 ủy viên trung ương chính thức và 20 ủy viên trung ương dự khuyết). Và vẫn dành "dư địa" cho "trường hợp đặc biệt": ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương có tuổi vượt độ tuổi (65 và 60) theo quy định chung.
Nhân sự chủ chốt và các "trường hợp đặc biệt" sẽ được trung ương "chốt" ở hội nghị tới để hình thành danh sách cuối cùng trình Đại hội Đảng 13 quyết định.
Trong "mùa" đại hội đang diễn ra, có hai "mạch" nhân sự: từ địa phương chảy về trung ương và từ trung ương chảy về địa phương, như những bước chuẩn bị nhiệm kỳ mới.
Có thể điểm lại ít nhất 5 ủy viên trung ương, bí thư tỉnh ủy đã được điều động gồm: ông Nguyễn Văn Hùng (59 tuổi, bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị làm thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch), Lê Minh Hoan (59 tuổi, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp làm thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Trần Văn Sơn (59 tuổi, bí thư Tỉnh ủy Điện Biên làm phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Nghị (44 tuổi, bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang làm thứ trưởng Bộ Xây dựng) và bà Phạm Thị Thanh Trà (56 tuổi, bí thư Tỉnh ủy Yên Bái làm phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, thứ trưởng Bộ Nội vụ).
5 trường hợp này đều còn tuổi tái cử, được điều động trước thềm đại hội Đảng bộ tỉnh để đại hội làm nhân sự mới bí thư tỉnh ủy và 5 nơi mà họ đến đều có bộ trưởng tới tuổi nghỉ hưu ở khóa mới.
Ở chiều ngược lại, một số ủy viên trung ương cũng đã được điều động về địa phương: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên (63 tuổi) được giới thiệu để bầu làm bí thư Thành ủy TP.HCM, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong (42 tuổi) được giới thiệu để bầu làm bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh (55 tuổi) làm chủ tịch UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Vũ Đại Thắng (45 tuổi, ủy viên trung ương dự khuyết) làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Quang Tùng (49 tuổi, ủy viên trung ương dự khuyết) làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị.
"Mạch" nhân sự này còn chảy tiếp khi "mùa" đại hội vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước.
ĐÀ TRANG
TTO - Tổng bí thư nhấn mạnh công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.
Xem thêm: mth.78653032211010202-irt-yk-av-teyuh-mat-oad-hnal-ugn-iod-oc-gnom/nv.ertiout