Các nhãn hàng cần gì từ các Influencer Marketing?
Những năm gần đây, dưới sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, xu hướng Tiếp thị thông qua Người có tầm ảnh hưởng (Influencer Marketing - IM) đã và đang là trở thành một phần quan trọng của các chiến dịch marketing của các nhãn hàng.
Ngân sách cho Branded Contents (nội dung được tạo ra bởi Influencer đề cập/sử dụng một sản phẩm/dịch vụ) của các nhãn hàng trên toàn cầu tăng từ 3,6 tỷ USD năm 2016 lên 13,7 tỷ USD năm 2020 và dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi (25 tỷ USD) vào năm 2025, mở ra cơ hội lớn cho IM phát triển. Thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng này với ngân sách cho IM năm 2020 tăng lên 35% so với năm 2016. Các nhãn hàng lớn ở Việt Nam chạy ít nhất 2 - 3 chiến dịch có yếu tố IM trong năm.
Các doanh nghiệp sử dụng nhiều Influencer ở nhiều lĩnh vực với các hình thức khác nhau, hoạt động trên đa kênh như YouTube, Facebook, Instagram và TikTok.
Các yếu tố để nhãn hàng lựa chọn Influencer trở thành một phần của chiến dịch marketing: số lượng người theo dõi, tính tin cậy, chuyên môn cao, có phong cách và khả năng sáng tạo nội dung, chi phí hiệu quả, có khả năng cập nhật xu hướng văn hóa và diễn biến xã hội. Đặc biệt, phải phù hợp với thương hiệu.
Thị trường tiếp thị thông qua người có tầm ảnh hưởng sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong vài năm tới.
"Trước đây khi hợp tác với KOLs trở ngại lớn từ phía nhãn hàng là: thứ nhất, làm sao đảm bảo được lượng lớn người tiêu dùng tiếp cận được nội dung của KOLs; thứ 2, làm sao đo lường chính xác lượng reach, KPI nào để đánh giá kênh KOLs là hiệu quả hơn các kênh truyền thông khác.
Nay với giải pháp Branded Content của Facebook, chúng tôi đã kiểm soát tốt các chỉ số đánh giá, hay cho phép nhãn hàng chủ động nhờ media hỗ trợ bài viết của KOLs tiếp tập đối tượng khách hàng rộng hơn và tần suất cao hơn. Hơn thế nữa, nhãn hàng lại có thể kiểm soát, theo dõi các chỉ số đo lường một cách chính xác và nhanh chóng", Kiên Nguyễn - Giám đốc Ngành hàng Điện gia dụng của Samsung, chia sẻ.
Đại diện của Maybelline tiếp lời: Chúng tôi sử dụng Influencer trong chiến dịch này bởi họ có ảnh hưởng tới việc đưa ra quyết định của khách hàng. Việc này tuy không mới, nhưng chúng tôi đã làm mới thông qua cách sử dụng và hợp tác với họ, bởi hiện nay người tiêu dùng trở nên khó tính tính hơn với nội dung quảng cáo. Influencer là hình thức để nhãn hàng thông qua để đưa nội dung xác thực gần gũi hơn, tạo được sức ảnh hưởng với người tiêu dùng.
Tiêu chí để Maybelline lựa chọn người hợp tác cho chiến dịch này bao gồm: người có tầm ảnh hưởng với giới trẻ trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook; có hình ảnh định hướng phát triển phù hợp với nhãn hàng, có tính cam kết cao khi thực hiện trong thời gian dài.
Làm KOLs và kiếm được tiền từ các nhãn hàng liệu có dễ?
Các nhãn hàng đổ nhiều ngân sách vào IM đồng nghĩa với việc họ cũng kỳ vọng nhiều hơn vào các KOLs. Các nhãn hàng mong muốn làm sao các chiến dịch IM giúp họ tiếp cận đến những nhóm công chúng ngoài những người đang theo dõi KOLs, nhắm mục tiêu tới đối tượng mà thương hiệu đang kỳ vọng, đo lường hiệu quả và đầu tư cho hợp tác thương hiệu với Influencer.
Thế nên, mức độ mức độ cạnh tranh giữa các KOLs hay Influencer ngày càng gia tăng. Game thủ ngày càng có chỗ đứng trong giới Influencer, có ảnh hưởng ở nhiều mảng khác nhau, kéo theo xu hướng tăng game hóa trên mạng xã hội. Theo đó, các Influencer phải hoạt động đa dạng hơn, không chỉ trong lĩnh vực giải trí mà cả gaming, hot mom, teen... Hơn nữa, với những công cụ đo lường mà các nền tảng như Facebook hay TikTok tích hợp trong dịch vụ của mình, sẽ không có ‘cửa’ cho chuyện gian dối.
Ngoài ra, nhu cầu của khán giả luôn thay đổi không ngừng, đòi hỏi người có tầm ảnh hưởng cần xây dựng hình ảnh đẹp, nội dung thu hút và biết tận dụng công nghệ và các nền tảng mạng xã hội.
Từ những chia sẻ của các KOLs nổi bật trên Facebook/Instagram và TikTok dưới đây, chúng ta có thể thấy, để được các nhãn hàng lựa chọn, các KOLs đã phải ‘đổ mồ hôi sôi nước mắt", chứ không phải "làm chơi ăn thật" như suy nghĩ của nhiều người.
Helen Lê - Vlogger ẩm thực
"Các video của Facebook được sắp xếp theo chủ đề để gợi ý cho người xem, nên Helen thường phải cắt ghép cùng gộp các video dài sao cho ngắn gọn và cô đọng hơn, phù hợp với thói quen của người sử dụng. Kể từ khi bắt đầu tập trung xây dựng video cho trang của mình, lượt theo dõi của nó đã tăng lên hơn 20 lần chỉ trong vòng một năm so với việc chỉ sử dụng hình ảnh.
Thông qua việc theo dõi các chỉ số trong phần Phân tích trang, Helen nhận thấy video có lượt tương tác lớn hơn nhiều so với hình ảnh tĩnh, lượt tiếp cận tăng 2 lần, lượt tương tác tăng gần 4 lần. Để đáp ứng nhu cầu của người xem, Helen cũng thường nắm bắt các xu hướng, các dịp đặc biệt để sản xuất nội dung cho phù hợp", Helen Lê - Vlogger ẩm thực tiết lộ.
Với Phương Ly – Vlogger làm đẹp, thì việc sáng tạo nội dung cho các nhãn hàng cũng chẳng phải là thứ dễ dàng: Cô luôn thử nghiệm các định dạng nội dung khác nhau như Stories, Micro Videos của Facebook ngay khi biết được thông tin, vì thị trường mỹ phẩm thay đổi từng ngày nên người làm vlog cũng cần nắm bắt để chia sẻ thông tin ở nhiều định dạng khác nhau, phù hợp với đặc tính sản phẩm cũng như thị hiếu người xem.
Ngoài ra, với những nội dung dài, Ly thường cắt gọn lại, tập trung vào những ý chính, biến những nội dung dài thành những mẩu nội dung ngắn để người dùng tiện theo dõi và dễ dàng tương tác với fan của mình hơn.
"Dù như thế nào, thì tôi vẫn muốn các video trên tài khoản của mình phải cung cấp được nội dung gì đó hữu ích cho các độc giả. Nếu độc giả cảm thấy nội dung mà mình sản xuất chỉ phục vụ cho việc quảng cáo sản phẩm, họ sẽ không đi theo mình nữa. Do đó, tôi vẫn luôn cố dung hòa giữa 2 vấn đề đó khi làm các video, kể cả các video đặt hàng theo yêu cầu của các nhãn hàng.
Để làm vừa lòng các khán giả của mình lại vừa lòng thêm các nhãn hàng là một thách thức không dễ vượt qua với các TikToker như chúng tôi", Bo Bắp – Nhà sáng tạo nội dung tiêu biểu trên TikTok, cho hay.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ