Theo Cục Hải quan TP HCM, tổng lượng hàng tồn phế liệu tại các cảng trên địa bàn là hơn 2.000 container, trong đó gần 1.100 container buộc phải tái xuất. Đã quá 30 ngày kể từ khi Tổng cục Hải quan yêu cầu xử lý, chỉ một hãng tàu được tái xuất 39 container từ 2 cảng là Cát Lái và ICD.
Chậm trễ xử lý
Gần 1.100 container phế liệu đã kẹt lại cảng từ cuối năm 2017 do không đạt chuẩn nhập khẩu vào Việt Nam. Ngày 22-10-2019, Tổng cục Hải quan ban hành Văn bản 6632 về việc xử lý hàng phế liệu tồn đọng, đồng thời hướng dẫn về việc tái xuất phế liệu không đạt quy chuẩn quốc gia theo Thông tư 41. Đầu tháng 7 vừa qua, Tổng cục Hải quan tiếp tục có Văn bản 4589 yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố lập danh sách số container, số seal (niêm phong) và danh sách các hãng tàu, đại lý hãng tàu đề nghị tái xuất, báo cáo gửi về Tổng cục Hải quan để rà soát danh sách các container phế liệu không đáp ứng điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam và thiết lập tiêu chí quản lý. Sau đó, Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản hướng dẫn để cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát việc tái xuất container phế liệu tồn đọng này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 19-8, Cục Hải quan TP HCM đã gửi công văn yêu cầu các hãng tàu tái xuất các container phế liệu tồn đọng không đạt chuẩn trong vòng 30 ngày; một số hãng tàu đã gửi văn bản xin được tái xuất. Thế nhưng, hơn 1 tháng trôi qua, ngoại trừ hãng tàu Yangming được tái xuất 39 container, vẫn chưa hãng tàu nào nhận được phản hồi từ cơ quan hải quan.
Trong công văn xin tái xuất hàng tồn đọng gửi cơ quan hải quan, Công ty MSC đề nghị được tái xuất 22 container hàng tồn đọng bằng phương thức sang qua container của hãng tàu khác. Công ty này cũng đã có công văn cam kết việc tái xuất toàn bộ các lô hàng tồn đọng được xác định là chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Cùng hoàn cảnh, hãng tàu Evergreen Việt Nam cũng đã gửi công văn yêu cầu tái xuất 8 container hàng phế liệu tại cảng Cát Lái sang Hồng Kông (Trung Quốc) bằng tàu biển. Tương tự, Công ty HMM Shipping Việt Nam đã có công văn xin tái xuất 69 container hàng tồn phế liệu từ ngày 8-9 nhưng đã qua thời hạn 30 ngày theo quy định, hãng buộc phải thay đổi kế hoạch tái xuất và tiếp tục chờ đợi.
Rất nhiều container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái (TP HCM) chờ được tái xuất. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Để càng lâu, thiệt hại càng nhiều
Một đơn vị được ủy quyền của các hãng tàu cho biết đang chờ ý kiến của Tổng cục Hải quan để làm thủ tục tái xuất cho 500 container phế liệu. "Thời gian nằm cảng càng lâu, hãng tàu càng thiệt hại nhiều hơn vì các chi phí quản lý, lưu container... rất tốn kém; trung bình phải chi trả 1,5 USD/ngày/container" - đơn vị này thông tin.
Tình trạng chậm trễ, kéo dài thời hạn xử lý so với yêu cầu của Tổng cục Hải quan khiến các hãng tàu sốt ruột. Các hãng tàu thắc mắc vì sao chưa được giải quyết trong khi đã có chỉ đạo từ cơ quan quản lý cấp cao, hãng tàu cũng đã chủ động đề nghị được tái xuất. "Chủ trương tái xuất phế liệu không đạt quy chuẩn quốc gia có từ năm 2019, tại sao Tổng cục Hải quan không thiết lập các tiêu chí mà chỉ đến khi cục hải quan các tỉnh, thành phố ra văn bản buộc tái xuất trong vòng 30 ngày thì mới có văn bản yêu cầu báo cáo để Tổng cục Hải quan nghiên cứu, hướng dẫn. Chúng tôi muốn biết việc này sẽ kéo dài bao lâu nữa?" - đại diện một hãng tàu bức xúc.
Cũng theo các hãng tàu, cơ quan hải quan lo ngại tình trạng quay vòng container để nhập khẩu phế liệu vừa bị tái xuất vào Việt Nam một lần nữa nhưng trường hợp này là không khả thi. Lý do là hải quan có danh sách container buộc tái xuất; trước khi tàu cập cảng, các hãng tàu phải truyền Manifest - hệ thống tiếp nhận bảng khai hàng hóa (riêng phế liệu còn phải truyền thêm E-scrap - chương trình quản lý theo dõi phế liệu) cho hải quan nên không thể có việc hàng bị buộc tái xuất cập lại cảng. Ngoài ra, các hãng tàu cũng không cho những container hàng đó quay đầu lại cảng Việt Nam vì không có lợi. Trường hợp thay đổi vỏ container để đưa phế liệu này quay về Việt Nam cũng không khả thi vì chi phí thông quan và sang vỏ container ở nước ngoài rất cao, khoảng 3.000-5.000 USD/container, chưa kể phí cược container với hàng phế liệu là 5.000 USD/container nên hầu như không có hãng tàu nào nhận vận chuyển phế liệu tại thời điểm này.
"Phế liệu tồn đọng gây thiệt hại rất lớn cho các hãng tàu vì phải trả chi phí lưu container, không đưa vỏ container vào khai thác được, doanh nghiệp cảng bị chiếm mặt bằng. Do đó, các hãng tàu mong muốn Tổng cục Hải quan sớm có quyết định nhanh chóng, khoa học để các hãng tàu tái xuất phế liệu không đạt chuẩn ra khỏi Việt Nam" - đại diện một hãng tàu kiến nghị.
15 hãng tàu chưa có phương án tái xuất 615 container
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1, cho biết sau khi ký thông báo cho 30 hãng tàu về việc yêu cầu các hãng tàu có phương án vận chuyển hàng hóa tồn đọng là phế liệu ra khỏi Việt Nam, đến nay chỉ 39/1.099 container được tái xuất. 15 hãng tàu, đại lý hãng tàu tại Việt Nam cũng đã gửi công văn đến Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 về phương án xử lý hàng tồn đọng là phế liệu. Trong đó, có 5 hãng tàu đề xuất tiêu hủy hoặc đề nghị cơ quan hải quan hướng dẫn phương án xử lý 67 container, 10 hãng tàu có phương án tái xuất 417 container (trong đó số container hãng tàu/đại lý tự tái xuất là 279, số container hãng tàu sang container đổi vỏ cho hãng tàu khác để tái xuất là 116 container, còn lại xin tiêu hủy 22 container). 15 hãng tàu chưa có phương án tái xuất 615 container.
"Tất cả phương án cũng như kiến nghị tái xuất hàng tồn phế liệu mà các hãng tàu đưa ra đã được chúng tôi đã báo cáo cho Phòng Giám sát quản lý về hải quan thuộc Chi cục Hải quan TP HCM để tổng hợp báo cáo Tổng cục Hải quan và chờ chỉ đạo từ cơ quan quản lý cấp trên. Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 rất mong Tổng cục Hải quan sớm có chỉ đạo, hướng dẫn để giải quyết cho các hãng tàu đã có phương án và xin tái xuất" - ông Long nói.
Xem thêm: mth.25742831211010202-taux-iat-coud-auhc-nav-ueil-ehp-not-gnah/et-hnik/nv.moc.dln