Các thành viên quỹ xe trao tặng “Nhà Cam” cho gia đình chị Thủy - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Chúng tôi theo chân nhóm và chứng kiến giọt nước mắt hạnh phúc ngày những căn nhà mang tên "Nhà Cam", "Nhà Dưa Hấu"... được bàn giao.
Chạm đến giấc mơ
Sau những ngày tháng dồn sức xây dựng ngôi nhà mới, hai vợ chồng chị Ngô Thị Thủy, 40 tuổi, trú xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam, chọn một ngày đẹp, pha bình trà ngon đặng mời bà con chòm xóm sang chung niềm vui có nhà mới. Ngôi nhà mà anh chị đến khi dọn đồ vào ở vẫn nghĩ mình đang... ngủ mơ.
Chị Thủy buôn gánh bán bưng, lấy chồng chưa được bao lâu thì phát hiện bị bệnh luput ban đỏ. Căn bệnh quái ác biến chứng ngày càng nặng, tổn thương từ da, các khớp đến thận... như ăn mòn cơ thể chị. Chị thường xuyên phải nhập viện nên gia cảnh vốn khó lại càng khó hơn.
Gánh nặng đè lên đôi vai chồng chị làm thợ hồ bữa đực bữa cái. Anh chị có độc một cô con gái đang tuổi đến trường, vừa phải chăm sóc mẹ già bệnh tim lại mắt mờ tai kém.
Cả gia đình 3 thế hệ nhiều năm sống trong một căn chòi tạm được che bằng mấy lớp bạt cũ, tôn thủng lỗ chỗ tứ bề. Những ngày mưa gió, cả nhà phải kéo nhau qua ngủ nhờ hàng xóm. Hai vợ chồng chắt chiu bao nhiêu năm vẫn chẳng dám mơ đến một ngôi nhà.
"Hôm có người đến báo gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà mới, tôi rụng rời vì không tin nổi. Quá bất ngờ và vui sướng" - chị Thủy xúc động nói. Hai vợ chồng chị đã rơi nước mắt khi biết số tiền hỗ trợ cho mình xây nhà là từ việc giải cứu cam cho bà con nông dân Nghệ An.
Có tiền xây nhà, hai vợ chồng được bà con chòm xóm cho thêm cái kèo, cái cột. Người thì góp đôi ba ngày công. Chính quyền hỗ trợ cho mua mảnh đất giá rẻ để có chỗ lên móng, dựng nhà.
Sau nhiều tháng chăm chút, nay ngôi nhà cấp bốn kiên cố được dựng nên thơm mùi sơn mới. Chị dành một góc ở tường treo tấm bảng "Nhà tình nghĩa" ghi trên nền hình trái cam. Không riêng người nhà chị Thủy mà bà con xung quanh ai cũng vui lây.
Hôm vào nhà mới, gia đình chị đón những vị khách quý là các thành viên của quỹ Xe nghĩa tình - giá 0 đồng từ Đà Nẵng lên thăm.
Họ mang theo bếp gas, nồi niêu, ấm chén, cả bàn học mới cho cô con gái của chị. Chẳng biết lời nào để nói cảm ơn, chị lật đật gói những trái bưởi hai vợ chồng tìm mua trong xóm gửi về cảm ơn tấm chân tình của những người xa lạ đã biến giấc mơ của vợ chồng chị thành hiện thực.
Nghĩa tình từ hàng trăm tấn trái cây
Ngôi nhà chị Thủy là một trong bốn ngôi nhà mới được xây nên từ quỹ Xe nghĩa tình - giá 0 đồng trong đợt đầu tiên. Nhà chị được gọi với cái tên dễ thương "Nhà Cam".
Ở Nông Sơn, Quảng Nam có thêm "Nhà Dưa Hấu" cũng được dựng nên từ hơn 60 triệu đồng tiền lợi nhuận từ việc giải cứu dưa trong dịch.
Anh Hồ Ngọc Thanh (35 tuổi), điều hành quỹ Xe nghĩa tình - giá 0 đồng, cho biết hiện tại nhóm đang xây dựng bốn ngôi nhà mới và sửa chữa nhiều nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Nhóm dự tính mỗi năm sẽ xây khoảng 10 ngôi nhà bằng quỹ của các chương trình thiện nguyện và vận động nhà hảo tâm.
Anh Thanh kể câu chuyện xây "Nhà Cam", "Nhà Dưa Hấu" cũng đến thật tình cờ. Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát sau Tết Nguyên đán, trên đường chở bệnh nhân miễn phí từ Bệnh viện Đà Nẵng ra Hà Nội, chứng kiến cảnh dưa hấu ùn về từ cửa khẩu do không thể xuất sang Trung Quốc vì dịch, các thành viên của Chuyến xe 0 đồng đã cùng nhau giải cứu dưa cho bà con.
Những chuyến xe đi về hàng trăm cây số giữa Đà Nẵng với Kon Tum. Nhóm gồm khoảng 20 thành viên dựng những điểm bán dưa khắp thành phố. Người Đà Nẵng nhiệt tình đến ủng hộ.
Dưa hấu của bà con xã Đắc Tô, tỉnh Kon Tum lúc bấy giờ bị thương lái ép giá 1.000 đồng được nhóm mua với giá 2.300 đồng và trực tiếp thuê xe chở về Đà Nẵng. Dưa được bán ra với giá 3.000 - 5.000 đồng/kg. Trừ chi phí hư hao, xe cộ, anh Thanh bảo rằng tính bình quân lãi mỗi ký có đợt hơn 1.000 đồng, có chuyến chỉ vài trăm đồng 1kg.
Anh Thanh kể lại, ban đầu, nhóm định thuê xe mua 20 tấn dưa mang về Đà Nẵng, nhưng ghé tận vườn mới biết dưa còn đọng quá nhiều ở ruộng. Nông dân thì trắng đêm canh dưa, bị thương lái ép giá.
Thấy vậy nên mọi người quyết định mua thêm 10 tấn nữa. Rồi từ đó họ lao vào cuộc giải cứu không định trước suốt nhiều ngày liền.
Các thành viên trong nhóm mỗi người một công việc, người làm văn phòng, kinh doanh, công nhân, tài xế, có cả sinh viên... cùng lao vào bốc xếp, cân, bán, vận chuyển.
Bán xong đợt dưa hấu bị tồn đọng cho bà con vựa dưa Tân Cảnh ở Kon Tum thì nhận được tin cam Quỳ Hợp, Nghệ An rụng đầy vườn vì dịch không thể xuất bán. Nhóm lại tiếp tục bỏ công sức, thời gian giải cứu cam Quỳ Hợp. Bà con nông dân thoát cảnh lỗ nặng ai nấy mừng rơi nước mắt.
Cứ như thế hàng trăm tấn trái cây ngọt lịm được giải cứu. Tích tiểu thành đại, những ngôi nhà mới được xây nên từ tấm lòng thảo thơm của những người nhiệt huyết.
Không chỉ hỗ trợ xây nhà
Bà Phan Thị Thu Hà, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quế Trung, cho biết không chỉ hỗ trợ tiền xây nhà, vì đa phần các hộ khó khăn này đều bệnh tật, đau ốm, neo người nên nhóm vẫn thường hay lui tới để kiểm tra tiến độ, giám sát chất lượng thi công và hỗ trợ các chi phí phụ cho việc xây dựng.
"Chính quyền và người dân cảm kích lắm những tấm lòng của các nhà hảo tâm quỹ Xe nghĩa tình - giá 0 đồng. Địa phương còn nhiều khó khăn nên nguồn vận động vẫn còn hạn chế. Nay có nhóm giúp xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Thực quá sức tưởng tượng" - bà Hà nói.
TTO - Mừng sinh nhật Đoàn năm nay, các bạn trẻ tại nhiều cơ sở Đoàn đã góp tay xây những mái ấm mang tên tình bạn.
Xem thêm: mth.41963811121010202-togn-iv-ut-ahn-iogn-gnuhn-yax/nv.ertiout