Nhóm chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng hầu hết con người sinh ra trong 80 năm tới đều sẽ mang động mạch giữa - Ảnh: AFP
Các nhà khoa học nhận thấy sự gia tăng tần suất xuất hiện động mạch ở cẳng tay, thường biến mất khoảng 8 tuần sau khi sinh, kể từ cuối thế kỷ 19.
Động mạch giữa là một mạch rất quan trọng trong quá trình tuần hoàn phôi thai, giúp cung cấp máu cho cánh tay và bàn tay. Tuy nhiên, động mạch này thường sẽ biến mất vào thời điểm khoảng 8 tuần sau khi đứa trẻ được sinh ra. Thay vào vị trí đó là hai động mạch khác được hình thành.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của các chuyên gia tại Đại học Flinders và Đại học Adelaide của Úc cho thấy từ cuối thế kỷ 19 đến nay, ngày càng xuất hiện nhiều những người có cả 3 động mạch này.
Vào khoảng những năm 1880, chỉ 10% dân số có động mạch giữa, nhưng đến thế kỷ 20, các trường hợp này đã tăng lên 30% và 35% ở thời điểm hiện tại.
Động mạch giữa là một mạch rất quan trọng trong quá trình tuần hoàn phôi thai, giúp cung cấp máu cho cánh tay và bàn tay - Ảnh: THOUGHTCO
Nhóm chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng hầu hết con người sinh ra trong 80 năm tới đều sẽ mang động mạch giữa.
Tiến sĩ Teghan Lucas tại Đại học Flinders, cho biết: "Tỉ lệ người lớn có 3 động mạch tăng từ 10% năm 1880 lên 30% vào cuối thế kỷ 20 đối với một quá trình tiến hóa là một sự gia tăng rất nhanh trong một khoảng thời gian khá ngắn".
Sự gia tăng này có thể là do đột biến của các gen liên quan đến sự phát triển động mạch giữa hoặc các vấn đề sức khỏe ở bà mẹ trong thời kỳ mang thai, hoặc cả hai nguyên nhân trên.
Nhóm chuyên gia gọi đây là "sự tiến hóa vi mô" ở con người thời hiện đại và cho rằng sự hiện diện của động mạch giữa là điều có lợi vì nó làm tăng cung cấp máu cho cơ thể và có thể được sử dụng như phương án thay thế nếu hai động mạch còn lại bị tổn thương và dùng để cấy ghép trong các ca phẫu thuật khác của cơ thể người.
Tác giả chính của nghiên cứu này - giáo sư Maciej Henneberg - thuộc Đại học Adelaide, cho biết: "1/3 dân số tại Úc hiện có động mạch giữa ở cẳng tay. Động mạch giữa là một ví dụ hoàn hảo về cách chúng ta vẫn đang tiến hóa từng ngày.
Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy con người vẫn đang tiến hóa từng ngày - Ảnh: GETTY
Không ít người có niềm tin rằng "con người đã ở đỉnh cao của sự tiến hóa và không thể phát triển thêm nữa", tuy nhiên ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy điều ngược lại. Sự thay đổi gen của con người trong 5.000 năm qua đang diễn ra nhanh hơn 100 lần, nhanh hơn so với bất kỳ thời kỳ nào khác.
Phát hiện mới về sự tồn tại động mạch giữa ở người trưởng thành không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy loài người vẫn đang tiến hóa.
Nhiều nghiên cứu cũng phát hiện ngày càng nhiều trường hợp trẻ sinh ra không có răng khôn. Đây là kết quả của việc khuôn mặt người trở nên nhỏ, thon gọn hơn nên không có chỗ cho những chiếc răng này nữa.
Ngoài ra, khoa học cũng xác định thêm nhiều trường hợp có thêm các khớp ở bàn chân hoặc trẻ sinh ra với một xương nhỏ ở phía sau đầu gối được gọi là "xương vừng fabella". Hiện khoa học chưa phát hiện tác hại nào từ những "tiến hóa" này.
TTO - Ngày nay, con người kết hợp với các thiết bị máy móc để hỗ trợ cuộc sống; và cũng có thể, trong tương lai, sẽ bất tử.
Xem thêm: mth.41403139021010202-auq-man-052-tahn-hnahn-aoh-neit-gnad-iougn-noc-iom-neih-tahp/nv.ertiout