Đồng Tháp: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu
Huỳnh Kim
(TBKTSG Online) – Tỉnh ủy Đồng Tháp chiều ngày 12-10 tại TP. Cao Lãnh đã tổ chức cuộc họp báo Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Báo cáo chính trị trình Đại hội đã tổng kết những thành tựu kinh tế - xã hội của vùng đất Sen hồng trong 5 năm qua cùng định hướng phát triển 2020-2025; trong đó, một trong những điểm nhấn là phát triển kinh tế thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Ban tổ chức cuộc họp báo, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần này sẽ diễn ra từ ngày 17-10 đến 20-10, có 350 đại biểu tham dự với chủ đề: “Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân, xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh”.
Nhiều hộ ở Đồng Tháp đã mạnh dạng chuyển đổi đất trồng lúa ở vùng trũng kém hiệu quả sang trồng sen mùa lũ và hiện nay đang đạt hiệu quả cao. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thu nhập bình quân của người dân hơn 54 triệu đồng
Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), do ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp ký (ông Lê Minh Hoan vừa được vừa được Trung ương điều động, bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ghi nhận 5 năm qua, tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm của Đồng Tháp, nơi người dân gọi là vùng đất Sen hồng, đạt 6,44%. Đến cuối năm nay, giá trị GRDP ước đạt hơn 87.300 tỉ đồng, tăng gấp 1,53 lần so với năm 2015, GRDP bình quân đầu người đạt 54,55 triệu đồng (tương đương 2.292 đô la Mỹ), tăng 1,55 lần so với đầu nhiệm kỳ. Thu ngân sách nhà nước, đến cuối năm 2020, ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng bình quân 9,24%/năm.
Báo cáo cho biết cơ cấu kinh tế đến năm 2020, công nghiệp - xây dựng chiếm 19,93% (năm 2015 là 17,4%), thương mại - dịch vụ chiếm 45,53% so với 42,7% của năm 2015, nông - lâm - thủy sản chiếm 34,54% (năm 2015 là 39,9%).
Kinh tế nông nghiệp của Đồng Tháp được đánh giá là phát triển nhanh và toàn diện, tăng bình quân 3,57%/năm, hình thành phương thức sản xuất hợp tác - liên kết - thị trường. Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành hàng xoài và hoa kiểng đạt kết quả cao về giá trị, ổn định vùng sản xuất; riêng ngành hoa kiểng đã kết hợp được với ngành du lịch. Ngành hàng cá tra có giá trị xuất khẩu cao. Ngành hàng lúa gạo phát triển theo hướng liên kết, sản xuất theo yêu cầu của thị trường, nông dân có lời.
Ở Đồng Tháp, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch đã mở ra hướng tiếp cận mới cho nông dân, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu. Giá trị chuỗi các ngành hàng chủ lực được nâng cao, các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ ngày càng lan toả, thu hút gần 50 dự án với hơn 5.300 tỉ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đến cuối năm nay, Đồng Tháp có 96/115 xã được công nhận xã nông thôn mới, đạt 83,5% (kế hoạch 50%); ba thành phố Sa Đéc, Cao Lãnh, Hồng Ngự hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh là hai huyện nông thôn mới.
Đặc biệt, Đồng Tháp có mô hình Hội quán, tạo xu hướng mới trong hợp tác sản xuất. Cả tỉnh có 100 Hội quán, phát huy tinh thần liên kết, gắn bó giữa các thành viên, tạo ra sản phẩm nông nghiệp theo hướng thích ứng với thị trường.
Trong các Hội quán này, có 22 hợp tác xã ra đời (trong tổng số 168 hợp tác xã đang hoạt động, tăng 24 hợp tác xã so với năm 2015).
Về sản xuất công nghiệp, báo cáo cho biết phát triển ổn định, theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, nhiều ngành hàng chủ lực tăng trưởng tốt. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu được đầu tư. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy ở ba khu công nghiệp đạt trên 98%, ở 12 cụm công nghiệp đạt trên 76%.
Trong 5 năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch của Đồng Tháp khá khởi sắc. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã vào hệ thống phân phối bán lẻ của các đơn vị có uy tín trong cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 11,6%/năm; các sản phẩm xuất khẩu chủ lực tăng trưởng tốt và đạt giá trị trên một tỉ đô la Mỹ/năm.
Quang cảnh họp báo tại Đồng Tháp chiều ngày 12-10. Ông Phan Văn Thắng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp (đứng), đang trả lời TBKTSG Online tại buổi họp báo. Ảnh: Huỳnh Kim |
Du lịch Đồng Tháp đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng; tiềm năng du lịch được khai thác hiệu quả, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Riêng môi trường đầu tư kinh doanh ở Đồng Tháp được cải thiện mạnh mẽ; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 12 năm liền nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước, góp phần thu hút 178 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 18.000 tỉ đồng (có 8 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 1.889 tỉ đồng), nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 4.200 doanh nghiệp.
Ở Đồng Tháp, hoạt động khởi nghiệp được triển khai đồng bộ, tạo tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. Có 18 nhãn hiệu nông sản đặc thù của tỉnh được cấp giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ và đã có trên 150 sản phẩm khởi nghiệp được thị trường chấp nhận.
Với đầu tư phát triển, Đồng Tháp tăng cường huy động nguồn lực xã hội gắn với tái cấu trúc đầu tư công; ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cho các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh, các chương trình trọng điểm về hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng phục vụ tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, phát triển nhân lực và an sinh xã hội. Tổng vốn đầu tư huy động toàn xã hội 5 năm nay ước đạt hơn 83.500 tỉ đồng, chiếm 22,3% GRDP, tăng 71% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Ba thành phố Sa Đéc, Cao Lãnh, Hồng Ngự của Đồng Tháp được quy hoạch theo hướng kết nối và tác động liên vùng, làm cơ sở phân bổ nguồn lực, góp phần định hướng đầu tư và hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đô thị.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh chủ trường quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên theo hướng phát triển bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Đồng Tháp được biết đến nhiều thông qua hình ảnh thân thiện và năng động; là điểm đến của nhiều du khách, khẳng định thương hiệu "Đất Sen hồng", góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, xuất khẩu hàng hoá, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội”, bản báo cáo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, báo cáo này đã đánh giá nông nghiệp tỉnh phát triển chưa bền vững; trong sản xuất công nghiệp, quy mô và tính đa dạng chưa cao, chưa có bước đột phá mới; lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại, dịch vụ du lịch quy mô nhỏ, sản phẩm du lịch phát triển chưa bền vững.
Thu hút đầu tư còn hạn chế; thực hiện xây dựng cơ bản còn chậm; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và còn nhiều yếu kém, nhất là hạ tầng khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông.
Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển nhanh về kinh tế. Việc tiếp cận và ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 còn hạn chế. Nguồn thu ngân sách chưa đa dạng, bền vững.
Việc quản lý tài nguyên còn bất cập; tình trạng sạt lở bờ sông còn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngàn hộ dân. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra; chưa có nhiều giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.
Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cũng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là thanh thiếu niên. Một số “danh hiệu văn hoá” còn mang tính hình thức; thiếu sân chơi thể thao và các hoạt động gắn kết cộng đồng.
Chất lượng nguồn nhân lực có phát triển nhưng chưa tương xứng, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; công tác giáo dục kỹ năng sống còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực xã hội. Việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực y tế chất lượng cao, nhất là đội ngũ bác sĩ và các kỹ thuật viên chuyên ngành, có trình độ chuyên sâu còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng quá tải vẫn còn xảy ra ở các bệnh viện.
Nhu cầu thiết yếu về dân sinh ở một số nơi, trước hết là đất ở cho nhân dân vùng sạt lở, nhà ở cho hộ nghèo, xử lý môi trường, đời sống của cư dân biên giới còn khó khăn.
Một số đặc sản nông nghiệp của Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Kim |
Phát triển bền vững từ thế mạnh của vùng đất nông nghiệp
Trong 5 năm tới, theo báo cáo, Đồng Tháp dự báo, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, nhất là việc triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng thêm tiềm lực cho nền kinh tế của tỉnh.
Từ đó, Đồng Tháp định hướng phát triển nông nghiệp, du lịch đi vào chiều sâu; công nghiệp chế biến phát triển mạnh; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; quan hệ hợp tác, liên kết với các đối tác đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng.
“Nhiều dự án đầu tư hạ tầng được Trung ương triển khai thực hiện cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, cùng với nhiều dự án đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo thuận lợi cho việc kết nối, lưu thông hàng hoá và tăng lợi thế cạnh tranh của tỉnh”, bản báo cáo nhấn mạnh.
Đồng Tháp cũng nhận định, 5 năm tới, tình hình thiên tai, dịch bệnh; sự cạnh tranh của thị trường diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường sẽ là thách thức đối với sự ổn định nền kinh tế của tỉnh.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; các tuyến giao thông cửa ngõ ra, vào tỉnh chậm được đầu tư, nâng cấp, mở rộng sẽ là điểm nghẽn ảnh hưởng lớn đến việc kết nối, lưu thông hàng hoá, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế.
Một số mặt hàng chủ lực của tỉnh cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn trên thương trường trong và ngoài nước. Biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường sẽ tác động nghiêm trọng hơn đối với sản xuất và đời sống người dân.
“Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động thương mại điện tử sẽ tác động mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Quan niệm, tập quán, thói quen của một bộ phận nhân dân chưa thích ứng với yêu cầu phát triển; một số hạn chế, yếu kém đã được nhận diện trong nhiệm kỳ qua, nếu không được khắc phục sớm, sẽ tạo ra lực cản lớn đối với sự phát triển của tỉnh”, báo cáo chỉ rõ.
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online tại buổi họp báo, ông Phan Văn Thắng, Trưởng ban Ban tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết ông Lê Minh Hoan vẫn làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ này và chủ trì đại hội để bầu được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ mới 2020-2025. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1433/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Đồng Tháp xác định kế hoạch phát triển là “Khai thác tiềm năng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư, khắc phục điểm nghẽn về hạ tầng, giao thông, quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu tổng quát cho 5 năm phát triển tới của tỉnh là “Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, gắn với yếu tố thị trường; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, làm động lực phát triển bền vững.
Phát triển kinh tế nông - công - thương trên cơ sở tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập để nâng cao sức cạnh tranh; từng bước gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm theo hướng toàn cầu hoá. Phát triển du lịch trở thành một trong những động lực trong phát triển kinh tế. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào các hạ tầng trọng điểm có tác động lan toả.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đưa kinh tế của tỉnh tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân. Đảm bảo quốc phòng - an ninh”.
Ông Nguyễn Văn Dương cho biết UBND tỉnh dự kiến 4 phương án tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Phương án 1: tăng trưởng 6,5%/năm; trong đó, nông - lâm - thuỷ sản tăng 3,3%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 8,8%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 7,5%/năm. Phương án 2: tăng 7%/năm, trong đó, nông - lâm - thuỷ sản tăng 3,5%/ năm; công nghiệp - xây dựng tăng 9,2%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 8,3%/năm. Phương án 3: tăng 7,5%/năm, trong đó, nông - lâm - thuỷ sản tăng 3,5%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 10,23%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 8,8%/năm. Phương án 4: tăng 7 - 7,5%/năm, trong đó, nông - lâm - thuỷ sản tăng 3,5%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 9,2 - 10,2%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 8,3 - 8,8%/năm.
“Qua phân tích, đánh giá tình hình của địa phương, dự báo những thuận lợi và khó khăn trong thời gian tới, mục tiêu tổng quát đề ra và tình hình thực tế, nguồn lực có thể huy động của địa phương, UBND tỉnh dự kiến chọn phương án 3 cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của Đồng Tháp”, ông Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh.
Riêng về kinh tế nông nghiệp, ông Dương cho biết, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất theo yêu cầu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và bền vững, tạo lập vùng sản xuất tập trung, chuyên môn hóa, cơ giới hóa, tự động hóa, quản trị tiên tiến.
Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng thâm canh, chuyên canh, ứng dụng công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác.
Cụ thể, 5 năm tới, Đồng Tháp sẽ tập trung phát triển thêm các sản phẩm chủ lực (lúa, cá tra, hoa kiểng, xoài và các ngành hàng có tiềm năng); hình thành và phát triển bền vững các vùng sản xuất nông thuỷ sản quy mô tập trung; sản xuất theo chuỗi giá trị của từng loại sản phẩm, từng bước tiến hành tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với truy xuất nguồn gốc (công nghệ Blockchain), đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng Tháp sẽ chuyển đổi dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao. Sẽ phát triển kinh tế vườn (cây ăn trái, hoa kiểng, rau màu các loại), tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh về thương hiệu và hiệu quả sản xuất. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm về số lượng, chất lượng, bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường theo quy mô trang trại gắn với chế biến thực phẩm thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Với thủy sản, Đồng Tháp chủ trương phát triển theo hướng hiện đại, sạch, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung, quy mô lớn; chú trọng vào ngành hàng cá tra còn nhiều tiềm năng.
Về hợp tác xã, theo ông Dương, tỉnh tập trung phát triển hợp tác xã quy mô lớn, tăng cường các hoạt động "sản xuất chung", "mua chung", "bán chung" nhằm tăng chất lượng nông sản, giảm giá thành, tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán. Xây dựng hợp tác xã có đủ năng lực liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng và tiêu thụ nông sản cho các thành viên.
Đặc biệt, tỉnh sẽ duy trì và phát triển mô hình “Hội quán nông dân”, phát triển mới các hợp tác xã trên nền tảng Hội quán để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu thực tế của người dân.
Với chương trình khởi nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất làng nghề kết hợp với canh tác công nghệ - kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ mới, kết hợp với du lịch trải nghiệm và phát triển thương mại điện tử nhằm nâng cao mức sống người dân nông thôn, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy thực hiện các kế hoạch này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương, 5 năm tới, Đồng Tháp sẽ “nâng cao công tác phân tích và dự báo thị trường, đẩy mạnh truyền thông và kết nối thông tin thị trường”.