Covid-19 thực sự đã đẩy kinh tế thế giới vào thời kỳ suy thoái sâu nhất kể từ đại khủng hoảng những năm 1930. Tuy nhiên, khác hoàn toàn với các cuộc khủng hoảng trước kia, giữa đại dịch giá nhà vẫn tăng ở hầu hết quốc gia, đặc biệt là những nước có thu nhập trung bình và cao trong quý II. Tại các nước phát triển, giá tăng trung bình là 5%. Cổ phiếu của các công ty nhóm bất động sản giảm 25% trong giai đoạn đầu Covid-19 đến nay phần lớn đã phục hồi.
Thậm chí, The Economist còn chỉ ra một số thị trường BĐS còn bùng nổ như Đức tăng 11% so với cùng kỳ 2019. Tốc độ tăng giá nhanh ở Hàn Quốc và các thành phố ở Trung Quốc khiến chính quyền sở tại thắt chặt các quy định với người mua. Tại Mỹ, giá trung bình trên mỗi foot vuông (tương đương 0,093 m2) trong quý II tăng nhanh hơn so với bất kỳ quý nào trước cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Tại Việt Nam, thị trường BĐS cũng không nằm ngoài chuyển động chung của thị trường thế giới khi ghi nhận tốc độ tăng giá mạnh mẽ ngay cả trong đại dịch. Theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tại Hà Nội mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chưa có doanh nghiệp nào giảm giá bán. Có một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp. Giá đất nền ở Hà Nội do khan hiếm hàng và thuộc dòng sản phẩm được ưa chuộng nên cũng tăng mạnh.
Tại TP.HCM, giá bán căn hộ trong quý 3/2020 còn tăng mạnh hơn, từ 15 - 20% so với quý 2/2020 nên đã tạo nên cơn sốt nhỏ trên thị trường do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao. Cũng do khan hiếm nguồn hàng, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền nên tại các huyện ven đô có sự tăng giá mạnh như Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi..., với mức dao động từ 30 - 50 triệu đồng/m 2 , tăng từ 10 - 15% so với quý trước.
Ghi nhận thực tế cho thấy giá tăng mạnh nhất tại những khu vực có hạ tầng phát triển đột phá. Tại Hà Nội, khu vực Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hoài Đức…đạt mức tăng trưởng giá từ 10%-30% so với hồi đầu năm do hàng loạt tuyến đường lớn đang được hoàn thành như Tuyến vành đai 3,5, tuyến metro dọc trục Đại Lộ Thăng Long vừa được phê duyệt và nút hầm chui Lê Văn Lương – Tố Hữu vừa được khởi công. Còn tại TPHCM, khu vực thành phố mới phía Đông như quận 9, Thủ Đức…ghi nhận mức tăng mạnh mẽ lên đến 30% khi thành phố Thủ Đức vừa được phê duyệt.
Đánh giá về diễn biến thị trường những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết: "Hiện nay, Việt Nam kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh Covid 19, kinh tế trong nước hồi phục, có tăng trưởng dương, lực cầu sẽ được tiếp sức để thị trường bất động sản nóng ấm, phục hồi trở lại. Làn sóng đầu tư, mua sắm dịp cuối năm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản cả nước".
Cũng có cái nhìn hết sức lạc quan về thị trường BĐS cuối năm, bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc Điều hành, CBRE Việt Nam nhận định: "Trong bối cảnh Covid-19 và tác động lâu dài của vấn đề cấp phép, số lượng dự án mới ngày càng khan hiếm trên thị trường, các chủ đầu tư uy tín có sản phẩm trong giai đoạn này sẽ được thị trường đón nhận tích cực và tên tuổi được đẩy mạnh. Ngoài ra, các dự án tại "Thành phố Phía Đông" đang là tâm điểm chú ý của thị trường trong thời gian qua sẽ có sức bật mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát."
Bà Phương Hằng cũng cho biết thêm, giá bán trung bình toàn thị trường trong cả năm 2020 được kỳ vọng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó phân khúc cao cấp và hạng sang được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án trung cấp dự kiến có mức tăng giá khoảng 5% so với cùng kỳ với mức giá đã tăng nhanh trong hai quý đầu năm. Về phía người mua nhà, những dự án tốt nằm tại các đại đô thị với tiện ích hoàn thiện sẽ là sự lựa chọn ưu tiên. Cùng với đó, dự án được đầu tư bởi những chủ đầu tư lớn với tên tuổi đã được khẳng định trên thị trường sẽ tiếp tục tạo niềm tin cho người mua nhà cuối năm.
Có thể nói, đối với thị trường BĐS dịch bênh Covid-19 như một phép sàng lọc. Những chủ đầu tư nhỏ, lẻ với sản phẩm chưa hoàn thiện dần bị bỏ lại phía sau. Những chủ đầu tư lớn, uy tín với sản phẩm tốt luôn hấp dẫn khách mua kể cả trong dịch bệnh, đặc biệt là những dự án có đầy đủ tiện ích gói gọn trong quần thể. Chính bởi lý do này mà dù dịch bệnh tác động đến hầu hết các lĩnh vực nhưng sức mua trên thị trường BĐS vẫn lớn khiến giá liên tục tăng bất chấp Covid-19. Điều này cũng là minh chứng cho việc BĐS luôn là tài sản giữ giá an toàn, nơi cất giữ tài sản trong khủng hoảng, đặc biệt hiện nay trong bối cảnh NHNN tiếp tục hạ tiếp lãi suất điều hành khiến tiền gửi mất giá.
Lan Nhi
Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: nhc.56311717121010202-91-divoc-hcid-pahc-tab-gnon-nav-man-iouc-tad-ahn/nv.zibefac