Tối 12-10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết tính đến 17 giờ cùng ngày đã có 23 người chết. Trong đó, Quảng Bình: 1, Quảng Trị: 7, Huế: 4, Quảng Nam: 6, Đà Nẵng: 1, Quảng Ngãi 1, Gia Lai: 1, Đắk Lắk: 1, Lâm Đồng: 1; tăng 5 người so với sáng 12-10. Về số người mất tích: 14 người (Quảng Bình: 1, Quảng Trị: 6, Huế: 1, Đà Nẵng: 3, Quảng Nam: 2, Gia Lai: 1).
Tìm mọi cách tiếp cận hiện trường sạt lở
19 giờ 30 ngày 12-10, thông tin với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết cùng ngày, ông cùng với lãnh đạo Quân khu 4, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lên đường đến hiện trường. Tuy nhiên, hiện nay do chia cách về địa lý nên vẫn chưa tiếp cận được.
“Khi đoàn đến thì bị kẹt lại giữa đường, không thể đi tiếp được. Hiện nay, do chia cắt về thông tin liên lạc và địa hình nên chưa có thông tin cụ thể về việc này” - ông Thọ nói.
Ông Thọ cho biết hiện đang quay trở lại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền và lập sở chỉ huy tại đây để đôn đốc, theo dõi tình hình.
Được biết, nhận thông tin vụ sạt lở, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4, cùng Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ đã lên xe đến hiện trường ngay khi nắm thông tin nhưng phải quay lại vì đường ngập, giao thông bị chia cắt.
Tối cùng ngày, tin từ Ban chỉ huy quân sự huyện Phong Điền cho biết từ vị trí sạt lở thủy điện bị gián đoạn, cách trở, đoạn đường nước sâu và nguy hiểm kéo dài khoảng 20 km.
Hiện nay lực lượng chức năng đang cố gắng tiếp tế lương thực, thực phẩm đến gần nhất khu vực xảy ra sạt lở. Tuy nhiên, việc tiếp tế này hiện rất khó khăn.
Đến 20 giờ 30 ngày 12-10, lực lượng chức năng cho biết vẫn đang bàn các phương án tiếp cận hiện trường sạt lở, trong đó có phương án trực thăng để ứng cứu.
Giữa trưa 12-10, lực lượng chức năng nhận được tin báo của những người đang làm việc ở nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) cầu cứu.
Chủ tịch Thừa Thiên-Huế cho biết thêm, nhận được tin báo là do sạt lở nên một số công nhân nằm ở nhà điều hành mắc kẹt. Sau đó thì không liên lạc được nữa.
“Bây giờ phải tiếp cận được hiện trường rồi mới biết được, họ báo là có 14-17 người. Tin báo như thế nhưng sau đó thì số điện thoại này không liên lạc được. Mọi lực lượng cứu hộ của tỉnh đang tiếp cận hiện trường và chưa thể đánh giá gì được” - ông Thọ cho hay.
Vào tối 12-10, nước tại rốn lũ Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế lên cao trở lại, quân đội dùng canô đưa mì tôm vào hỗ trợ người dân. Ảnh: NGUYỄN DO
Quân đội giúp dân dọn sạch bùn đất vùng lũ
Mưa lũ đang hoành hành tại miền Trung. Từ Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế tới Quảng Nam, khắp nơi chìm trong lũ lụt. Năm nay, Quảng Trị gánh chịu hậu quả nặng nề do lũ lụt gây ra. Lũ lụt lịch sử chưa từng có bao trùm cả tỉnh này. Nhiều nơi chìm trong nước lũ, thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.
Tại huyện Cam Lộ, nơi nước dâng cao nhấn chìm nhiều nhà dân và những khu vực vùng trũng thấp ven sông Hiếu, lực lượng quân đội được huy động để giúp dân sơ tán và chống lũ.
Lũ đang dần rút, mỗi ngày Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 lại huy động 500 cán bộ, chiến sĩ đi giúp nhân dân dọn lũ. Lũ rút đến đâu dọn đến đó.
Người dân bốn xã Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Thủy và thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ) đang được bộ đội dọn dẹp nhà cửa, bùn đất để tái lập cuộc sống.
Tại Đà Nẵng, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã có thông báo cho học sinh, học viên, sinh viên trở lại trường học tập từ hôm nay (13-10). Đối với các trường ở khu vực thấp trũng thuộc quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, hiệu trưởng các trường, giám đốc các trung tâm GDTX đề xuất tiếp tục cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các em. Riêng địa bàn huyện Hòa Vang, học sinh, học viên tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo mới. Các trường tổ chức dọn vệ sinh trường, lớp, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa lũ gây ra để chuẩn bị cho học sinh đi học lại. Đồng thời có báo cáo tình hình thiệt hại (nếu có) về Sở GD&ĐT trước 10 giờ ngày 13-10 để tổng hợp.
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, tối 12-10, nước tại rốn lũ Quảng Điền lên cao trở lại, quân đội dùng canô đưa mì tôm vào hỗ trợ người dân.
Thủ tướng Nhật gửi lời thăm người dân miền Trung bị lũ Chiều 12-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa chúc mừng ông Suga vừa qua đã được bầu làm thủ tướng Nhật Bản… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cám ơn sự hỗ trợ quý báu của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong đối phó với dịch COVID-19 thời gian qua, mong hai bên tiếp tục hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua dịch bệnh trong thời gian tới. Thủ tướng Suga bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, cám ơn sự hợp tác tích cực của Việt Nam trong phòng, chống COVID-19. Thủ tướng Suga cũng bày tỏ chia sẻ và gửi lời thăm hỏi tới nhân dân miền Trung Việt Nam về những thiệt hại do mưa lũ gây ra… |