Do vậy, biên soạn sách giáo khoa (SGK) cho bậc tiểu học đừng tưởng là dễ. Và cũng đừng tưởng cứ giáo sư, tiến sĩ biên soạn SGK cho học trò lớp 1 thì ắt sẽ chuẩn, sẽ hay.
Cùng nhìn lại những lần cải cách giáo dục và đổi mới SGK để thấy lời nói của GS Trần Hồng Quân rất có giá trị trong thực tiễn.
Đó là cải cách giáo dục lớp 1 vào năm 1980. Tác giả biên soạn sách học vần dạy bài đầu tiên là nguyên âm O. Đọc tiếng thì đọc vần trước rồi phụ âm đầu và thành tiếng. Chữ viết thì bỏ bớt nét cong, nét hất... Dư luận thời đó dậy sóng với bước cải tiến này. Thông tin đầy trên báo chí, trong các hội thảo. Thậm chí trên sân khấu, người ta còn cười cợt bằng cách cắp hai tay vào thân mình rồi cất tiếng “ò ó o…”. Bộ GD&ĐT và các nhà biên soạn sách sau đó phải lắng nghe, nghiên cứu và điều chỉnh cho hợp lý hơn.
Đến lần đổi mới giáo dục vào năm 2000. Sách học vần lớp 1, bài đầu tiên là nguyên âm E. Nhà biên soạn lúc đó là TS ngôn ngữ học Đặng Thị Lanh. Tác giả cho là âm e gắn với các tiếng nói gần gũi học sinh như “mẹ, bé, me...” giúp trẻ dễ học. Nhưng sau đó, từ một bài báo của nhà thơ TMH, người ta bắt đầu soi lại bài học và làn sóng phản đối nổi lên, thành chế giễu: Chào nhau “be be be”, chạy “te te te”, vui mừng “he he he”... Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó nghỉ hưu có mời giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, Hội Ngôn ngữ của TP đến để lắng nghe và trao đổi ý kiến. Ông cũng sẵn sàng giúp đỡ và kiến nghị lên Chính phủ hỗ trợ cho TP được viết sách học vần lớp 1 mới. Buổi họp tranh luận rất sôi nổi, các nhà ngôn ngữ học chê bai và kiên quyết kiến nghị xin được viết sách lớp 1 khác. Giám đốc Sở GD&ĐT lúc đó là anh Trương Song Đức phát biểu rằng TP sẽ dạy theo sách học vần lớp 1 dù còn nhiều điều phải bàn bạc và sẽ kiến nghị lên bộ cùng tác giả biên soạn về sách lớp 1 vào cuối năm học.
Qua đó để thấy viết SGK nếu không chuyên nghiệp thì sẽ thành tùy tiện, cẩu thả với quyển sách mà hàng triệu học sinh phải học, cũng là phụ lại niềm tin của toàn xã hội. Đối với cấp tiểu học, dạy chữ càng cần được chú trọng đến văn hóa truyền thống của Việt Nam, dạy trẻ làm người Việt Nam. Biên soạn SGK lớp 1 làm sao để mỗi lần đổi sách, người dân đón nhận với sự vui mừng vì con em được dạy dỗ về đạo đức, nhân cách, được tiếp thu cái hay, cái mới. Mà để làm được như vậy, thật không dễ chút nào.