Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hùng (quận 12) bức xúc cho biết hóa đơn điện hai tháng liền tăng gấp 2-3 lần (hơn 5 triệu đồng/tháng).
Ông nghi ngờ về điện kế điện tử chạy nhanh. Tuy nhiên, phía điện lực đến kiểm định đồng hồ thì cho rằng không có sai sót nào, có thể do thói quen xài điện không đúng của khách hàng.
Tiền điện tăng vọt dù có hỗ trợ
Theo ông Hùng, gia đình ông chỉ có hai người (ông và con trai) và có mức tiêu thụ điện bình thường khoảng 1 triệu đồng/tháng do ông thường xuyên mở máy lạnh.
Tháng cao điểm sử dụng, tiền điện nhà ông cũng chỉ lên khoảng 3 triệu đồng/tháng là cùng.
Thế nhưng đến tháng 6, hóa đơn điện vẫn tăng vọt lên hơn 5 triệu đồng. Đến tháng 7, tiền điện vẫn tăng hơn 4 triệu đồng.
“Các đồ dùng điện không hư hỏng, đều có chức năng tiết kiệm điện. Cha con tôi cũng sinh hoạt bình thường. Vậy mà tiền điện tăng vọt là quá vô lý!” - ông Hùng thắc mắc.
Đáng nói là từ tháng 5 đến tháng 7, tiền điện và giá điện đã được giảm 10% cho các hộ dân do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng tiền điện của ông vẫn tăng chứ không giảm.
Do tiền điện tăng bất thường, ông Hùng cho rằng đồng hồ điện hư hỏng và yêu cầu Công ty Điện lực An Phú Đông, đơn vị cung cấp điện, tiến hành kiểm tra.
Kết quả kiểm định cho thấy đồng hồ điện vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sau khi đồng hồ điện được kiểm tra và lắp trở lại thì hóa đơn tiền điện ba tháng 8, 9, 10 giảm chỉ còn 600.000-800.000 đồng/tháng. Điều này càng làm ông Hùng thắc mắc nguyên nhân lượng điện tiêu thụ tăng, giảm bất thường khi mọi sinh hoạt đều rất thường lệ.
Ông Lê Hùng xem kết quả kiểm chứng đồng hồ điện. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Đồng hồ điện tử chạy bình thường
Trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Giám đốc Công ty Điện lực An Phú Đông, cho biết ngày 16-6 công ty đã cử nhân viên kiểm chứng lại đồng hồ nhà ông Hùng.
Kết quả cho thấy đồng hồ điện chạy bình thường. Tuy nhiên, ông Hùng không đồng ý kết quả và yêu cầu kiểm định độc lập.
Ngày 11-8, Công ty Điện lực An Phú Đông tiếp tục đến nhà ông Hùng thay thế điện kế và thực hiện kiểm định đồng hồ điện.
Lần này, Trung tâm Kỹ thuật đo lường Chất lượng 3 thực hiện kiểm định điện kế và đưa ra kết luận: “Đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường”.
Ông Thọ cho biết đồng hồ điện của hộ ông Hùng là đồng hồ điện tử quan sát từ xa. Đây là loại điện kế có độ chính xác cao. Đơn vị cung cấp điện cũng không thể tác động điện kế để điều chỉnh điện năng.
“Qua nhiều lần kiểm chứng, kiểm định, đồng hồ điện chạy bình thường. Công ty không hề sai trong việc đo đếm điện năng cho khách hàng” - ông Thọ khẳng định.
Về trường hợp của ông Hùng, ông Thọ nhận định có hai nguyên nhân cho việc hóa đơn điện tăng.
Thứ nhất, do đường điện bị rò rỉ hoặc có ai đó câu trộm điện. Trường hợp này, công ty điện lực sẵn sàng hỗ trợ khách hàng kiểm tra hệ thống dẫn điện. Công ty Điện lực An Phú Đông cũng yêu cầu ông Hùng làm việc với ban quản lý chung cư để kiểm tra lưới điện.
Thứ hai, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cao, sử dụng thiết bị điện công suất lớn. Trường hợp này, người sử dụng phải tự điều chỉnh thói quen dùng điện.
Những thói quen có thể làm hao phí điện Nhiều người có thói quen thường xuyên bật/ tắt máy lạnh liên tục khi ra vào phòng. Đây là hành động tưởng tiết kiệm nhưng lại làm hao phí điện nhiều hơn. Mỗi lần bật/tắt máy lạnh sẽ phải mất một lượng 1%-3% tổng điện năng sử dụng để khởi động lại. Do đó, người dùng nên điều chỉnh máy ở nhiệt độ phù hợp từ 25 độ đến 27 độ C để hơi lạnh lan tỏa khắp phòng mà vẫn bảo đảm được sức khỏe và tiết kiệm. Tương tự, với tủ lạnh, người dùng cũng không nên thường xuyên rút điện nguồn nếu phải ra khỏi nhà vài ngày. Đối với các thiết bị điện, người dùng nên tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất về thời gian bảo trì. Thay mới các bộ phận bị hư hỏng hoặc quá tuổi thọ. Với máy lạnh, điều hòa… cần vệ sinh để đạt hiệu suất cao, đồng thời tránh hư hỏng do bám bụi bẩn lâu ngày. Đây cũng là cách tiết kiệm điện. GS-TS LÊ TIẾN THƯỜNG, giảng viên Khoa điện - điện tử, |