Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), VnEconomy có cuộc trò chuyện với ông Steven Nguyễn - người sáng lập, CEO của Luxstay, startup đi tiên phong trong lĩnh vực home-sharing tại Việt Nam - xoay quanh chủ đề này.
LỢI THẾ NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ DÂN SỐ TRẺ
Vài năm trở lại đây, thị trường home-sharing trở thành xu hướng bùng nổ ở Việt Nam. Theo ông vì sao lại có sự bùng nổ như vậy và liệu home-sharing có thể lấn át các khách sạn truyền thống?
Thị trường home-sharing tại Việt Nam mới hình thành nhưng đang phát triển với tốc độ bứt phá, đặc biệt nhờ lợi thế từ nguồn cung dồi dào của thị trường bất động sản đã bùng nổ trong nhiều năm qua. Ngoài ra, với đặc thù dân số trẻ, sẵn sàng trải nghiệm khám phá những thứ mới mẻ, cùng với sự sáng tạo của các chủ nhà đã tạo ra xu hướng giúp home-sharing trở thành một lựa chọn lưu trú ngày càng phổ biến hơn.
Tuy nhiên, theo dữ liệu thống kê, hiện tại thị phần home-sharing tại Việt Nam vẫn còn khá nhỏ so với khách sạn truyền thống. Thống kê năm 2019 của Tổng cục Du lịch cho thấy quy mô toàn ngành lưu trú hiện đạt xấp xỉ 9 tỷ USD.
Cũng giống như cuộc chiến Uber hay Grab với taxi truyền thống, một số chủ khách sạn cho rằng có sự cạnh tranh thiếu công bằng khi các khách sạn truyền thống phải đáp ứng nhiều quy định pháp lý và chịu sự kiểm tra, giám sát, còn mô hình chia sẻ lưu trú thì không. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
Có lẽ điều này chưa đúng trong lĩnh vực home-sharing. Thậm chí ngược lại, về mặt lý thuyết, các chỗ ở tham gia kinh doanh ngắn hạn vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định trong ngành lưu trú và kinh doanh thông thường.
Trong khi đó, ngành khách sạn đã có đầy đủ các quy chuẩn xếp hạng, tổ chức xã hội chuyên biệt giúp thúc đẩy công việc kinh doanh. Với thị trường home-sharing nói chung, mọi thứ mới đang được hình thành, phần lớn các chủ nhà tham gia kinh doanh vẫn đang "chiến đấu" một mình và tự liên kết với nhau để hỗ trợ trong quá trình triển khai.
Ngày càng nhiều người lựa chọn hình thức home-sharing để đặt phòng cho kỳ du lịch của mình. Ảnh: Luxstay.
Thị trường home-sharing vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu quy củ và gây khó khăn trong việc quản lý do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Nếu ông được đưa ra kiến nghị cho các nhà làm luật trong cả lĩnh vực du lịch và bất động sản, đó sẽ là gì?
Tôi nghĩ rằng cần có quy định riêng phù hợp với lĩnh vực mới, song song các chính sách mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch, bất động sản. Điều cần thiết là để những người tham gia kinh doanh trong mô hình này được dễ dàng hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để được được pháp luật bảo vệ.
Ví dụ, hiện nay, các địa phương khác nhau lại có những yêu cầu khác nhau về hồ sơ đăng ký đối với một chủ nhà kinh doanh homestay do chưa có quy định rõ ràng. Các chủ homestay thậm chí phải chịu thủ tục ngang bằng như một khách sạn quy mô.
Chính những điều này là lý do thực tế khiến nhiều chủ nhà chưa thể đăng ký hoạt động chính thức, dẫn đến tình trạng hoạt động chui phổ biến. Theo tôi, cần thiết phải có những chính sách riêng dành cho các mô hình phù hợp xu thế kinh tế chia sẻ và công nghệ.
COVID-19 - CƠ HỘI ĐỊNH HÌNH LẠI THỊ TRƯỜNG HOME-SHARING?
Đang phát triển bùng nổ là vậy, dịch Covid-19 ập đến khiến nhiều cơ sở lưu trú hoạt động theo mô hình chia sẻ, homestay chịu đòn giáng mạnh. Thời gian gần đây, rất nhiều chủ homestay rao bán cơ sở lưu trú của mình với mức giá rẻ, thậm chí có trường hợp sang nhượng 0 đồng. Ông có nghĩ đây là cơ hội cho các nhà đầu tư mới hoặc những nhà đầu tư có vị thế trên thị trường thâu tóm và định hình lại thị trường này?
Không chỉ home-sharing chịu ảnh hưởng mà toàn ngành du lịch, khách sạn ảnh hưởng nặng nề.
Trước khi dịch xảy ra, tỷ lệ lớn các chủ homestay là người kinh doanh theo hình thức thuê lại của chủ nhà dài hạn để đầu tư kinh doanh lưu trú. Khi thị trường đóng băng, họ không thể duy trì mô hình nữa và đành phải ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi phương thức từ thuê dài hạn sang hợp tác quản lý tài sản cho chủ nhà.
Mạng lưới của Luxstay hiện có gần 10.000 chỗ ở trên khắp cả nước. Ảnh: TravelMag.
Với các chủ nhà thực sự, những người nắm giữ bất động sản thì mức độ ảnh hưởng thấp hơn. Hiện tại, ngày càng có nhiều chủ nhà tham gia thị trường cho thuê ngắn hạn để tối ưu hiệu quả tài sản, khi mà cho thuê nhà dài hạn đang kém hiệu quả.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng nhìn thấy cơ hội và đẩy mạnh xây dựng các homestay, biệt thự cho thuê, đặc biệt ở các khu vực ven đô phù hợp các chuyến đi ngắn ngày và di chuyển dễ dàng.
Hoặc ngày càng có nhiều bạn trẻ kiến tạo những khu vực homestay mới, thiết kế rất thu hút cùng các dịch vụ sáng tạo góp phần phát triển du lịch địa phương, biến các miền quê khắp nơi trên đất nước thành điểm đến du lịch mới mà không cần chờ đến những nhà đầu tư dự án lớn. Đây là lợi thế phát triển của ngành home-sharing.
Một số hãng nghiên cứu dự báo thị trường có thể chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt hơn giữa các khách sạn và nền tảng cho thuê chia sẻ sau đại dịch. Là một trong những nền tảng chia sẻ lưu trú tiên phong tại Việt Nam, Luxstay chuẩn bị cho sự trở lại hậu Covid-19 như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, chúng tôi vẫn đang ưu tiên việc tối ưu hiệu quả thay vì mở rộng. Với nguồn cung chỗ ở lưu trú đang dư thừa lớn, việc các cơ sở lưu trú hướng tới đa dạng lựa chọn thuê ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để tối đa doanh thu là hết sức hợp lý. Nền tảng của Luxstay cũng đã sẵn sàng cho các tuỳ chọn kinh doanh tương tự.
Là nhà sáng lập của một startup thành công, ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang mơ ước khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong lĩnh vực home-sharing?
Ông Steven Nguyễn huy động được 6 triệu USD cho Luxstay từ các nhà đầu tư qua chương trình Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.
Khi bạn còn đang ước mơ khởi nghiệp thì tốt nhất nên bắt tay vào làm ngay để hiện thực hóa ước mơ đó. Với lĩnh vực home-sharing, sau dịch Covid-19, du lịch sẽ bùng nổ trở lại. Trong một thị trường lớn, việc kinh doanh bằng sự đam mê và tâm huyết với sản phẩm dịch vụ cung cấp sẽ luôn được đền đáp xứng đáng. Với sự phát triển của Internet và công nghệ, chỉ cần có sáng tạo thì cơ hội phát triển sẽ rất nhanh chóng.
Nguyễn Tuyến
VnEconomy