vĐồng tin tức tài chính 365

Những nhắn nhủ gan ruột của CEO Anphabe với lao động thất nghiệp trong mùa Covid-19: Muốn ‘trở lại lợi hại hơn xưa’ cần

2020-10-13 09:57

Khi Covid-19 ập đến, nhân sự chính là thị trường chịu tác động mạnh mẽ nhất, khi tất cả mọi thứ đều thay đổi, từ nhu cầu của các doanh nghiệp, yêu cầu về chuyên môn – kỹ năng của người lao động đến cơ hội tìm được công việc tốt.

Trong tất cả, vấn đề thất nghiệp trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Trong 8 tháng đầu năm 2020, tính từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có hơn 1 triệu lao động mất việc làm. Dịch Covid -19 đã tác động tiêu cực lên 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên, khiến 17,6 triệu người giảm thu nhập. Ngoài ra, cả nước còn 1,3 triệu hộ nghèo, 1,23 triệu hộ cận nghèo cũng chịu tác động xấu của dịch bệnh.

Còn theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm tính toán, kịch bản xấu nhất là thời gian tới, số lao động mất việc làm có thể tăng 60.000 - 70.000 mỗi tháng, tập trung ở các lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo... Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người.

Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc tại Anphabe, công ty về nguồn nhân lực uy tín tại miền Nam, chính là người hiểu rõ hơn ai hết những thay đổi khó đoán định của thị trường nhân lực, cũng như sự bất lực của các nhân sự bị thất nghiệp trong thời Covid-19.

Anphabe vẫn vững vàng trong giông bão nhờ thời gian dài tiết kiệm trong quá khứ


Thưa bà, đâu là những thay đổi của lĩnh vực nhân sự khi Covid-19 bùng nổ? Những thay đổi đó đã tác động cụ thể đến lĩnh vực nhân sự như thế nào, cả mặt tốt lẫn mặt xấu?

Bà Thanh Nguyễn: Khi Covid-19 ập đến, ‘đùng một cái’, chúng ta bị quăng vào một cái mê cung với vô vàn yếu tố không thể nào đoán định. Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5, Anphabe có phỏng vấn với khoảng 50 doanh nghiệp ở tất cả các ngành, từ đó chúng tôi thấy được nhiều xu hướng.

Đầu tiên là mọi người bắt đầu ngừng tuyển dụng. Hầu như tất cả các kế hoạch tuyển dụng quan trọng đang phải ngưng lại, không tuyển mới hoặc nếu có người nghỉ thì không tuyển người thay thế mà sẽ choàng việc cho những nhân viên còn lại để không gia tăng chi phí nhân lực.

Nhiều doanh nghiệp đã phải tìm đến giải pháp mạnh là cắt giảm nhân viên. Giảm lương, cắt thưởng, bớt giờ làm, giãn ngày trả lương, yêu cầu nghỉ phép hoặc nghỉ không lương là những cách phổ biến mà các doanh nghiệp đang phải áp dụng để hạn chế tối đa khoản chi phí cố định khá lớn hàng tháng. Với các doanh nghiệp ít ảnh hưởng hơn, phần nhiều đang "án binh bất động" bằng việc dừng tuyển dụng mới hoặc đã tuyển rồi sẽ giãn ngày bắt đầu của nhân viên mới.

Những nhắn nhủ gan ruột của CEO Anphabe với lao động thất nghiệp trong mùa Covid-19: Muốn ‘trở lại lợi hại hơn xưa’ cần học cách thích nghi nhanh và đa nhiệm - Ảnh 1.

Bà Thanh Nguyễn là diễn giả quen thuộc ở nhiều hội thảo.

Trong giai đoạn Covid, chúng tôi cũng ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp đang có sự dịch chuyển nhân sự từ khối nhân sự hỗ trợ (hậu phương) sang khối tạo ra doanh thu (tiền tuyến), cứu doanh thu, binh đường mới để cứu doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu, đào tạo nội bộ để trang bị cho đội hỗ trợ sẵn sàng ra tiền tuyến để tạo ra doanh thu.

Có thể thấy, môi trường làm việc của chúng ta đang đối mặt với quá nhiều thay đổi, từ cách thức làm việc, định hướng kinh doanh, tác phong quản lý… Các thay đổi liên tục, bất định trực tiếp tác động đến sự an toàn, an tâm của người lao động về cả thu nhập, tâm lý, tình cảm, sức khỏe, thói quen. Tôi dự đoán sẽ có những thay đổi về các yếu tố và điều kiện tạo nên hạnh phúc của người lao động trong giai đoạn này. 

Trong khoảng tháng 6 và 8 vừa qua, Anphabe cũng đã tiến hành khảo sát trên diện rộng để nắm bắt xu hướng mới và sẽ công bố báo cáo này vào ngày 22/10/2020 tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam tới.

Đã có rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và sa thải bớt nhân sự do tác động xấu của Covid-19. Chị cảm thấy ứng xử của các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam khi cho nhân sự thôi việc đã thỏa đáng chưa? Bởi đây không phải là kinh nghiệm mà ai cũng có.

Bà Thanh Nguyễn: Nhìn vào số liệu thống kê về số doanh nghiệp phải đóng cửa và số người lao động thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm mà các phương tiện truyền thông đại chúng công bố vừa qua, chúng ta có thể thấy rằng: đúng là trong giai đoạn này có rất nhiều quyết định mạnh tay được đưa ra. Đặc biệt, khi doanh nghiệp chọn tái cơ cấu thì những quyết định sẽ còn mạnh hơn bình thường. Trong tổ chức, vẫn có những người giỏi, phù hợp, có nỗ lực ... nhưng cực chẳng đã mà công ty phải loại bỏ, vẫn phải nhắm mắt làm.

Chỉ vài tháng trước, thời điểm đầu 2020, nhiều doanh nghiệp còn đang ăn mừng "năm đầu tiên của thập kỷ, đồng thời là năm đầu tiên của con giáp mới" hứa hẹn hàng loạt kế hoạch kinh doanh đột phá. "Đùng một cái", Covid-19 ập đến, rất nhiều hoạt động bỗng đột ngột không thể thực hiện được hoặc phải huỷ bỏ vì không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Lệnh đóng cửa được ban hành, nhiều cơ sở kinh doanh treo biển, thị trường chứng khoán nhuộm đỏ, giá dầu lao dốc… là những gì chúng ta chứng kiến bên ngoài.

Bên trong, các lãnh đạo công ty đau đầu với việc chật vật duy trì dòng tiền và điều chỉnh kế hoạch theo hàng loạt giả định thay đổi ‘tính theo ngày". Ở góc nhìn chiến lược, đây cũng là thời điểm một số lãnh đạo và chủ doanh nghiệp "bàng hoàng" nhận ra rằng mô hình kinh doanh của họ đang "lung lay" như ngọn nến trước cơn bão Covid và không hề dễ để chuyển đổi trong một sớm một chiều.

Là một chủ doanh nghiệp, chị ứng xử với các nhân sự của mình như thế nào trong Covid-19?

Bà Thanh Nguyễn: Tôi từng có những bài viết chia sẻ về tâm sự chủ doanh nghiệp và câu chuyện về tiền. Bản thân tôi khi bắt đầu ngã rẽ thứ 3 là mở Anphabe thay cho việc nhận lời làm thuê lại với những đãi ngộ cực tốt cũng đặt ước mơ KIẾM TIỀN CHÍNH ĐÁNG là một mục tiêu quan trọng. Nhưng những trải nghiệm trong hành trình 9 năm qua đã giúp tôi hình thành một số quan điểm rõ ràng về tiền bạc trong kinh doanh.

Tôi không dám dùng những quan điểm này để đánh giá về các doanh nghiệp khác, vì mỗi chủ doanh nghiệp có những tính toán riêng, nhưng trong cái lúc mà sự căng thẳng về tiền đang trở thành mối lo chung của mỗi chủ doanh nghiệp, tôi chỉ xin tự tổng kết một chút cho doanh nghiệp của mình.

Những nhắn nhủ gan ruột của CEO Anphabe với lao động thất nghiệp trong mùa Covid-19: Muốn ‘trở lại lợi hại hơn xưa’ cần học cách thích nghi nhanh và đa nhiệm - Ảnh 2.

Nhờ tiết kiệm trong thời gian dài, Anphabe vẫn đang vững vàng trước sóng gió Covid-19.

Tiền nhiều quan trọng, nhưng không quan trọng bằng cashflow – dòng tiền. Khi tôi bắt đầu doanh nghiệp trước là 1 startup với nhiều nhà đầu tư đình đám, đùng một cái sau 4 tháng bắt đầu, khủng hoảng 2008 xảy ra khiến các nhà đầu tư của mình chới với, khiến họ cắt đầu tư cái rụp. Với khoản tiền ít ỏi còn lại, tôi quyết định không nhận lương trong 2 năm nhưng cũng không thể nào bù đắp nổi chi phí, 50% team ra đi trong sự dằn vặt kinh khủng của mình.

Trải nghiệm đau đớn đó giúp tôi sau này tại Anphabe cực kỳ thận trọng với cashflow. Lúc công ty mình nhận đầu tư một cục tiền to từ nhà đầu tư Nhật, tôi không đổi văn phòng, không sắm sanh xe cộ như nhiều startup khác. Ngoài việc tự trả lương cho mình và tiêu xài ở mức vừa phải, bao nhiêu năm qua tôi cũng chưa từng rút tiền lời ra khỏi công ty (trừ 1 năm duy nhất). Mặc dù, nhiều lúc tôi cũng nghĩ nếu rút ra đem đầu tư vào đất hay cổ phiếu chẳng hạn, chắc giờ cũng kiếm được nhiều tiền lắm.

Tôi làm thế không phải vì tôi không cần tiền cho tiêu xài cá nhân, mà tôi luôn tâm niệm rằng: trong khả năng có thể, mình sẽ lo cho dòng tiền của công ty trước để không phải lặp lại bài học đau thương trước đây.

Vậy nên thời Covid này khi mỗi ngày thấy "tiền vào nhỏ giọt, tiền ra ào ào", mình thầm cảm ơn cái hành trình tiết kiệm dài dằng dặc trong thời gian qua đã giúp tôi giờ đây có sự bình tình nhất định để vẫn nghĩ được cho khách hàng, bảo vệ quyền lợi của team và dám nhận thiệt thòi về công ty.

Ngoài ra, tiền nhiều quan trọng, nhưng không quan trọng bằng "kiếm tiền và tiêu tiền như thế nào". Anphabe hiện nay cũng chưa phải là giàu, nhưng trong các hoạt động của mình, Anphabe bỏ ra rất nhiều nguồn lực đầu tư cho cộng đồng trong việc mang lại những thay đổi tích cực về cách nghĩ, cách làm mới về quản trị nhân sự. Nhiều lúc ngồi tính toán thì cũng thấy sao mà mình bao đồng quá, sao mà nhiều công ty nhiều tiền họ nhận nhiều hơn là họ đóng góp lại, nhưng khi ngẫm kỹ vẫn cảm thấy rằng những việc này là xứng đáng.

Hôm trước, lại có một khách hàng nữa đã ký hợp đồng xin hủy. Khi bạn làm trong ngành dịch vụ nhân sự, bạn sẽ hiểu rằng cắt giảm dịch vu nhân sự là một lựa chọn rất thường thấy của các doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng.

Nhận cái tin này với tôi chẳng khác gì dao đâm một nhát vào bụng, thật luôn!...Vì hợp đồng này có giá trị bằng một nửa tháng lương của toàn Anphabe! Lại mất nửa giờ để tôi có thể bình tĩnh lại, mất thêm nửa giờ nữa để quyết định vẫn đầu tư cho team 1 khóa huấn luyện quan trọng với kha khá chi phí nữa. Bởi vì đây là cái nhân viên cần lúc này và đây là lúc mình giúp các bạn thấy rằng trong khó khăn, công ty luôn ở bên các bạn và cam kết thực hiện những gì quan trọng.

Nếu không có khả năng đa nhiệm và thích nghi nhanh, nguy cơ bị sa thải của các thế hệ nhân sự là ngang nhau


Theo quan sát của chị, phải chăng những nhân sự lớn tuổi, 6x và 7x dễ bị sa thải hơn 8x và 9x, bởi khả năng đổi mới và ứng dụng công nghệ của họ hạn chế hơn lớp trẻ?

Bà Thanh Nguyễn: Hậu covid, bên cạnh những thay đổi về mô hình kinh doanh, cách thức làm việc thì những kỹ năng mới cũng được hình thành và sẽ quyết định sự ‘sống còn’ của mỗi người đi làm, trong đó chắc chắn có năng lực sử dụng thuần thục các nền tảng công nghệ phổ biến (digital literacy).

Xét về khả năng đổi mới và ứng dụng công nghệ có thể các nhân sự lớn tuổi 6x, 7x còn nhiều hạn chế so với thế hệ trẻ 8x, 9x; tuy nhiên, thế hệ này lại sở hữu bề dày kinh nghiệm làm việc với khả năng dẫn dắt, truyền cảm hứng tốt.

Những nhắn nhủ gan ruột của CEO Anphabe với lao động thất nghiệp trong mùa Covid-19: Muốn ‘trở lại lợi hại hơn xưa’ cần học cách thích nghi nhanh và đa nhiệm - Ảnh 3.

Vậy nên, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang liên tục thuyên chuyển hoặc tinh giảm nhân sự theo lộ trình, về phía người lao động dù bất kể ở thế hệ nào 6x, 7x, 8x hay 9x, nếu không tập trung phát triển khả năng linh hoạt thích ứng nhanh với thay đổi, đa nhiệm và sẵn sàng tinh thần "một người làm bằng hai" để tạo ra nhiều giá trị rõ ràng hơn, thì rủi ro bị đào thải với tất cả họ là lớn như nhau.

Thưa chị, có phải bởi Covid-19, để có một công việc tốt trở nên vô cùng khó khăn với tất cả lao động?

Bà Thanh Nguyễn: Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn đưa ra một số phân tích: khi Covid ập đến, nhiều doanh nghiệp ngỡ ngàng nhận ra rằng mô hình kinh doanh của mình quá mong manh. Song song với việc nhanh chóng tìm kiếm mô hình thay thế hoặc thay đổi đáng kể cách thức kinh doanh, nhiều vị trí cũng phải thay đổi tính chất công việc và tất nhiên công ty sẽ có những yêu cầu mới, các tiêu chí tuyển dụng mới.

Tuy tính chất thay đổi, các doanh nghiệp đang từng bước xác định lực cụ thể cho các nhóm công việc đang thay đổi. Tuy nhiên, trong các phỏng vấn nhóm của Anphabe với các HR, một vài năng lực luôn được nhắc tới, đó là: khả năng thích nghi với môi trường, sẵng sàng đón nhận thách thức và thay đổi như 1 phần của công việc; khả năng đa nhiệm: ngoài công việc của mình, có thể hiểu, hỗ trợ các phần việc liên quan và sẵn sàng đảm trách khi công ty cần

Đây là 2 yếu tố cơ bản mà mỗi người đi làm thời đại mới cần phải có, nếu bạn không tự nâng cấp mình để thích ứng với thời cuộc thì việc bị đào thải hiển hiện hoặc có một công việc tốt chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn.

Những điều nên làm với các nhân sự bị sa thải với Covid-19? Ai cũng nói rằng, chúng ta cần phải tận dụng thời gian Covid-19 để trau dồi thêm kiến thức, nhằm ‘trở lại lợi hại hơn xưa’ sau Covid-19, nhưng đã thất nghiệp thì tiền đâu để đi học?

Bà Thanh Nguyễn: Đứng ở vị trí là "cái bồ thông tin" của thị trường, Anphabe cảm nhận rất rõ những xáo động trong nguồn nhân lực Việt Nam vào lúc này, nhất là nhóm "cổ cồn trắng". Ngày nào cũng có thêm thông tin công ty này cho nghỉ việc, công ty kia yêu cầu nhân viên nghỉ không lương hoặc đi làm thì phải giảm, hoãn nhận lương.

Tôi cũng có viết một bài viết tâm sự cùng những bạn bị mất việc thời Covid, trong đó, tôi cũng muốn nhắn nhủ các bạn rằng: 

Buồn thật đấy, những đừng dằn vặt bản thân: tôi có thể hiểu được thế giới của các bạn đã chao đảo như thế nào khi nhận được yêu cầu quá sức bất ngờ và ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của cả bạn và gia đình. "Tại sao lại là mình mà không phải người khác?", "Tại sao lại là lúc này, khi vừa mới có những kế hoạch này, kế hoạch kia...".

Khi một con thuyền chòng chành "dọa đắm" trong dông bão, dù đau lòng tới mấy, người thuyền trưởng cũng phải cắn răng bỏ bớt những "gánh nặng quá sức", trong lúc này chính là nguồn nhân lực đang quá dư so với nhu cầu từ khách hàng. Và bạn, chỉ đang vô tình nằm trong số đó mà thôi. Hãy ghi nhận rằng mình đang buồn đấy, đang lo đấy, nhưng đừng vì thế mà "cá nhân hóa vấn đề" (take it personal), để trách cứ bản thân và quá tự ti với tình trạng hiện tại.

Hãy thẳng thắn nhìn nhận hoàn cảnh và đừng ngại nhờ giúp đỡ: khi mình không còn nhìn sự việc qua lăng kính của sự đau buồn và thất vọng, bạn sẽ tỉnh táo hơn và có dũng khí hành động hơn. Mất việc đó, rồi sao? Cất bước lên và đi tiếp thôi chứ sao.

Và nhớ rằng ‘trong nguy, luôn có cơ’: tuy mất việc nhưng bạn vẫn còn đang khỏe mạnh, còn đang có sức lao động, có năng lực nhất định và có thể vẫn có một số tiền tiết kiệm nào đó. Trong bối cảnh này, gần như tất cả các công ty có cắt giảm nhân sự đều đang đi theo chiến lược "chuyển đổi một phần bộ phận hỗ trợ sang thành bán hàng, bán được thì còn tồn tại, không bán được thì nghỉ. Hoặc phải rất giỏi multitask vì một người sẽ phải làm việc của hai ba người". Đây chính là cơ hội để bạn chuyển hướng nghề nghiệp, để học hỏi cách tạo giá trị rõ ràng hơn cho doanh nghiệp (cũ cũng như mới).

Những nhắn nhủ gan ruột của CEO Anphabe với lao động thất nghiệp trong mùa Covid-19: Muốn ‘trở lại lợi hại hơn xưa’ cần học cách thích nghi nhanh và đa nhiệm - Ảnh 4.

Công ty Pouchen từng sa thải vài ngàn công nhân vì Covid-19.

Hoặc nếu chưa sẵn sàng, hãy dành thời gian trau dồi thêm một số năng lực quan trọng thông qua các khóa học trực tuyến để chuẩn bị cho bước tiến hơn trong tương lai. Chuyện gì, rồi cũng sẽ qua. Và chuyện này cũng sẽ thế. Còn đôi tay, còn khối óc và con tim thì mình còn có giá trị!

Nhìn thấu tổ chức và tập trung ruyền thông nội là phương cách hữu hiệu để ‘an dân’ trong những tháng ngày có quá nhiều biến động


Những người sống sót trong Covid-19 có phải là những người ‘lợi hại’ nhất? Nhân sự các công ty cần phải làm gì đã ‘trấn an’ những người còn lại? Những người còn lại có thể thuộc 2 kiểu sau: lo sợ không biết khi nào đến lượt mình là người tiếp theo ‘bị trảm’, tự kiêu vì nghĩ mình giỏi nhất nên mới không bị cho thôi việc.

Bà Thanh Nguyễn: Về phía các nhân viên còn đang có công việc, khi "lửa thử vàng gian nan thử sức", đây cũng là dịp để tinh thần và thái độ của họ được bộc lộ rõ hơn.

Doanh nghiệp sẽ thấy rõ những "chiến binh quả cảm" cùng chung lưng đấu cật với tổ chức, đồng thời nếu tinh ý cũng quan sát ra nhóm "Zombie công sở" rất thờ ơ với thời cuộc và tranh thủ "tận hưởng" trong khi nhiều đồng đội đang vắt sức vì khó khăn chung. Đã có rất nhiều quyết định và ý tưởng tạo báo được đưa ra, nhưng cũng không thiếu ý kiến bàn lùi của nhóm tâm lý yếu.

Nhiệm vụ của HR là phải ‘nhìn thấu tổ chức’, thúc đẩy cách quản lý công bằng và tìm ra liều thuốc đặc trị cho mỗi nhóm nhân viên để phát huy tinh thần chiến đấu trong "thời chiến".

Covid-19 khiến tinh thần của hầu hết nhân viên bị xuống thấp, họ lo sợ bị mất việc, bị giảm lương và thu nhập, người thân bị ảnh hưởng xấu… Doanh nghiệp Việt phải làm gì để truyền cảm hứng hoặc động lực vực dậy tinh thần nhân viên?

Bà Thanh Nguyễn: Việc thực hiện các biện pháp như cắt giảm như sa thải, nghỉ việc luân phiên… dường như đã tạo nên một tâm lý tiêu cực trong nhân viên. Thông qua đánh giá về hiệu quả hành động và truyền thông của công ty, chúng tôi nhận thấy có sự phân hóa trong cách các công ty trên thị trường truyền cảm hứng hoặc động lực để vực dậy tinh thần nhân viên.

Tuy nhiên, việc chắc chắn có thể khẳng định là truyền thông nội bộ để ‘an dân’ là việc làm cấp thiết trong bối cảnh bất định như hiện này. Để "cách ly mà không chia xa", doanh nghiệp phải biết tận dụng mọi cơ hội truyền thông nội bộ trên đa phương tiện và những nền tảng mới để gắn kết nhân viên, giúp họ an tâm hơn, đồng thời nắm được những ưu tiên trong hàng loạt thay đổi đang đồng loạt diễn ra.

Sau Covid-19, theo dự đoán của chị, ngành nhân sự sẽ có những chuyển biến lớn nào?

Bà Thanh Nguyễn: Covid sẽ qua đi nhưng nhiều thay đổi nó tạo ra sẽ vẫn ở lại. Ví dụ như xu hướng làm việc từ xa, làm việc tại nhà sẽ được nhiều doanh nghiệp cân nhắc áp dụng. Các chuyển đổi nguồn nhân lực từ nhân sự cố định sang tận dụng các nguồn lực chia sẻ (freelance, nhân sự bán thời gian…) sẽ ngày càng phổ biến. Các phương thức tưởng thưởng thay đổi theo hướng giảm chi phí cố định sẽ được ưu tiên hơn.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần tiếp tục tận dụng các nền tảng số để đảm bảo sự mượt mà trong vận hành và gắn kết sâu trong tổ chức sẽ là yếu tố tiên quyết.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Quỳnh Như

Theo Trí Thức Trẻ

Xem thêm: nhc.18855538121010202-meihn-ad-av-hnahn-ihgn-hciht-hcac-coh-nac-aux-noh-iah-iol-ial-ort-noum-91-divoc-aum-gnort-peihgn-taht-gnod-oal-iov-ebahpna-oec-auc-tour-nag-uhn-nahn-gnuhn/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những nhắn nhủ gan ruột của CEO Anphabe với lao động thất nghiệp trong mùa Covid-19: Muốn ‘trở lại lợi hại hơn xưa’ cần ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools