Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Alpha Books đã dần trở thành một cái tên quen thuộc với độc giả, đặc biệt là giới doanh nhân với nhiều đầu sách về kinh doanh như marketing, quản trị, bán hàng, thương hiệu…
Lựa chọn dòng sách thiên về quản trị kinh doanh, chính trị-xã hội, khoa học kỹ thuật thay vì dòng sách thị trường có lẽ là "canh bạc" mà CEO Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình đã rất trăn trở trong những ngày đầu rời Petrolimex để thành lập công ty.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Nguyễn Cảnh Bình cho biết, doanh nhân lúc mới khởi nghiệp sẽ có hai hướng đầu tư: Đầu tư lướt sóng và đầu tư theo giá trị, theo xu hướng. Trong lĩnh vực xuất bản cũng vậy, đầu tư lướt sóng là xuất bản những cuốn sách thị trường, sách ngôn tình, độc giả đọc để giải trí trong một thời gian ngắn.
"Tôi lựa chọn startup theo giá trị, theo xu hướng và tôi tin rằng nếu làm tốt thì nó sẽ được nhân rộng. Sự phát triển của kinh tế-xã hội sẽ khiến con người ngày càng phải sử dụng tri thức nhiều hơn, đọc các cuốn sách mang lại nhiều kiến thức, giá trị hơn, trở thành người tiêu dùng thông minh hơn. Và dòng sách mà Alpha Books đang theo đuổi sẽ thực hiện sứ mệnh này", ông Bình nói.
TRƯỚC MỘT CUỘC KHỦNG HOẢNG ÍT GẶP, ÍT THẤY VÀ ÍT QUEN...
Kinh doanh trong một lĩnh vực khá đặc thù, lại phải trải qua nhiều khó khăn để thiết lập chỗ đứng trên thị trường nhưng đúng lúc doanh nghiệp đang đạt được đà tăng trưởng ấn tượng thì đại dịch Covid-19 ập đến.
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, đại dịch đặt Alpha Books đứng trước sự lựa chọn: Thay đổi để tiến lên hay đứng yên để thụt lùi?
Khác với những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, ảnh hưởng từ đại dịch lần này có thể khó ứng xử bởi kinh nghiệm, hoặc ít thấy trong kinh nghiệm. Chia sẻ với Nhịp sống doanh nghiệp - BizLIVE, CEO Alpha Books cho biết, ông hoàn toàn tin cuộc khủng hoảng này ít gặp, ít nhìn thấy, ít quen thuộc với người Việt Nam nói chung.
"Trong 30 năm qua, kể từ khi đổi mới mở cửa, chúng ta mới chỉ quen thuộc với khủng hoảng kinh tế, hầu như chỉ liên quan tới tiền tệ, tài chính. Nhưng cuộc khủng hoảng lần này có yếu tố bao trùm rộng khắp hơn", ông Bình nhìn nhận.
Theo ông Bình, cuộc khủng hoảng lần này bao trùm khắp thế giới. Nếu trước đây, khủng hoảng chỉ xảy ra ở một khu vực nào đó, thì phạm vi lần này lớn hơn rất là nhiều và nó cũng không tập trung vào một số ngành. Và quan trọng là nó kéo dài, không thể biết trước được khi nào nó kết thúc và nó ảnh hưởng sẽ tác động đến cấu trúc nền kinh tế như thế nào.
"Cá nhân tôi cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng như là một sự kết hợp giữa hai loại khủng hoảng: khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng chiến tranh dịch bệnh. Nó không nghiêm trọng như chiến tranh là làm chết rất nhiều người, nhưng nó làm cho sự cách biệt giữa các quốc gia lớn hơn. Trước đây trong khủng hoảng kinh tế, việc giao thương đi lại vẫn diễn ra bình thường. Còn bây giờ, gần như sự liên kết giữa các quốc gia chỉ có hàng hóa lưu thông, còn con người đi rất ít", ông Bình nói.
Vì vậy, với cuộc khủng hoảng này, ông Bình cho rằng mỗi doanh nhân, doanh nghiệp nên soi xét, phân tích lại các cuộc khủng hoảng tương tự trong lịch sử để tìm hiểu những thay đổi trong cấu trúc nền kinh tế.
Đồng thời, rút ra kinh nghiệm từ những cuộc khủng hoảng trước đây như làm thế nào để các hoạt động của doanh nghiệp trở nên tinh gọn hơn, hiệu quả hơn, đi vào thực chất nhiều hơn. Ngoài ra, cũng cần xem xét kỹ càng việc mở ra/đóng cửa một số ngành nghề trong khủng hoảng.
Trong lĩnh vực xuất bản, CEO Alpha Books cho biết, đại dịch đã khiến mọi người không đến thư viện nữa mà chọn lên thư viện số. "Cho nên phải làm thế nào tận dụng được cơ sở vật chất, hạ tầng. Tức là doanh nghiệp buộc lòng phải dịch chuyển sang các hoạt động tinh gọn hơn, tận dụng những cơ sở vật chất có sẵn chứ không phải sẽ xây dựng cơ sở vật chất mới, thực hiện những khoản đầu tư nhỏ, đơn giản mà không quá nặng nề, mà vẫn mang lại hiệu quả", ông Bình cho biết.
Cũng theo vị CEO này, đại dịch đã khiến thói quen, công việc của nhiều người thay đổi, có thể "sống chậm" lại và cá nhân ông cũng phải hủy nhiều cuộc họp, hội thảo vì dịch bệnh.
"Cuộc sống của tôi một mặt có chậm đi, nhưng một số mặt khác lại nhanh hơn hẳn so với những năm trước. Cuộc khủng hoảng này là dịp Alpha Books rà soát và tái cấu trúc lại toàn bộ doanh nghiệp. Vì vậy, tôi cũng phải nhanh nhạy hơn khi đưa ra các quyết định trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, cũng như thực hiện một số dự án mà trước kia trong khi bận rộn chúng tôi chưa thể dành thời gian đầu tư cho nó", ông Bình chia sẻ.
SỰ LINH HOẠT GIÚP DOANH NGHIỆP, DOANH NHÂN VIỆT VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG
Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhìn về tương lai của ngành xuất bản, ông Bình tỏ ra rất lạc quan về triển vọng phát triển của thị trường, hay nói chính xác là thị trường tiêu dùng tri thức.
“Sự thay đổi của thời cuộc, môi trường kinh doanh, việc phát triển kinh doanh, dịch vụ hàng hóa… đòi hỏi nhiều tri thức hơn và doanh nhân phải đọc nhiều hơn, học nhiều hơn”
Ông Nguyễn Cảnh Bình - CEO Alpha Books
"Đơn giản như với chiếc ô tô mà nhiều người vẫn sử dụng hàng ngày. Nếu như trước kia ô tô chỉ đơn thuần là một phương tiện giúp chúng ta di chuyển, thì ngày nay, ô tô có khả năng tự lái, truyền thông tin, wifi… Như vậy, ô tô đã trở thành một sản phẩm tiêu dùng tri thức, thông tin được lưu trữ, truyền tải, cung cấp thêm rất nhiều chức năng cho nó. Vì vậy, tôi lạc quan vào thị trường tiêu dùng tri thức và cho rằng thị trường này tất yếu sẽ ngày càng phát triển", ông Bình phân tích.
Theo ông Bình, điều tương tự cũng sẽ diễn ra với ngành xuất bản, với vai trò cung cấp thông tin, tri thức - không chỉ bằng văn bản in mà tương lai còn là các nội dung số cung cấp trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện - sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thị trường như vậy.
Do đó, Alpha Books đang tiến hành nhiều hoạt động để mở rộng thị trường. Đầu tiên là mở rộng tri thức. Không chỉ xuất bản sách về quản trị kinh doanh, chính trị-xã hội-lịch sử, mà còn thêm các dòng sách về y học, khoa học, công nghệ… nhằm cung cấp thêm tri thức cần thiết cho độc giả trong thời đại mới, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang manh nha bắt đầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đang mở rộng ranh giới bán hàng, không chỉ bó hẹp ở các tỉnh thành phố, mà còn tiếp cận đến tận tuyến huyện, xã, thậm chí cung cấp sách cho Việt Kiều ở nhiều nước trên thế giới.
Cũng theo ông Bình, cách tiếp cận tri thức của độc giả nói chung, giới doanh nhân nói riêng hiện nay cũng đã rất khác trước nên các doanh nghiệp trong lĩnh vực này buộc lòng phải thay đổi cho phù hợp với thời cuộc.
"Nếu như trước đây thế hệ doanh nhân cũ của Việt Nam kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, vốn, không có thói quen để ý nhiều đến việc đọc sách, thì ở thế hệ doanh nhân trẻ, đặc biệt là doanh nhân thế hệ 9X, tỷ lệ doanh nhân đọc sách là khá nhiều. Đây là thực tiễn tôi quan sát, nhìn nhận được", ông Bình cho biết.
CEO Alpha Books ví von, giống như số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm qua, số lượng doanh nhân hiện nay nhiều hơn so với ngày trước, số lượng doanh nhân đọc sách cũng nhiều hơn so với trước, thậm chí số lượng doanh nhân viết sách cũng nhiều hơn.
"Sự thay đổi của thời cuộc, môi trường kinh doanh, việc phát triển kinh doanh, dịch vụ hàng hóa… đòi hỏi nhiều tri thức hơn và họ phải đọc nhiều hơn, học nhiều hơn", ông Bình nhận xét.
Ở góc nhìn của một doanh nhân, đánh giá về khả năng xoay chuyển của các doanh nhân Việt Nam trong thời gian đại dịch, ông Bình cho biết ông đã từng sang Nhật Bản, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu khác, và quan sát thấy người dân nói chung có sự linh hoạt thấp hơn người Việt.
Họ có các nguyên tắc, quy trình làm việc rất chặt chẽ. Ví dụ với một lộ trình đi lại, họ thường tuân theo hướng dẫn, tín hiệu giao thông và hầu như chỉ biết một cách đi đó; trong khi người Việt gặp tắc đường, họ có thể ngoặt vào ngõ ngách, lối tắt, thậm chí leo lên vỉa hè để rút ngắn thời gian chờ đợi, đi lại.
"Có thể nói người Việt có một nhược điểm cũng là ưu điểm rất tốt đó là có sự linh hoạt lớn. Tính cách đó ăn sâu vào nhiều người và các doanh nhân Việt càng là những người linh hoạt", ông Bình nhìn nhận và cho biết thêm, trong cuộc khủng hoảng này, một số doanh nghiệp lớn về du lịch mà ông biết vừa xoay hướng chuyển sang bán tour nội địa, mở quán café hay kinh doanh các mặt hàng nông sản sạch…
"Tôi cho rằng sự chuyển hướng này là rất khác biệt so với nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản hay Mỹ, nơi sự chuyển đổi thường diễn ra rất chậm chạp, thậm chí có đôi phần bị trì hoãn bởi sự chỉn chu, cứng nhắc. Trong khi đó, khi nhìn thấy các nguy cơ/rủi ro, tự các doanh nghiệp Việt đã chuyển đổi rất nhiều mà không cần chờ một kế hoạch chín muồi. Điều này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp có thể chống chọi và vượt qua được khủng hoảng; và nếu có thêm tri thức thì sự linh hoạt chuyển đổi này sẽ bài bản và hiệu quả hơn", ông Bình đúc kết.
Hoàng Hà
Nhịp sống doanh nghiệp