Giải Nobel kinh tế 2020 đã về tay hai nhà kinh tế Mỹ với nghiên cứu “sáng tạo những thể thức đấu giá mới” - Ảnh minh họa: Bloomberg
24 năm trước đó, năm 1996, Nobel kinh tế được trao cho giáo sư William Vickrey, người sáng lập lý thuyết đấu giá.
Lý thuyết đấu giá là một trong những phân ngành thành công và có tính ứng dụng rộng rãi nhất của bộ môn kinh tế học. Hai tác giả là những nhà tiên phong trong việc áp dụng các công cụ lý thuyết trò chơi - đặc biệt là trò chơi không đầy đủ thông tin - vào việc nghiên cứu các hình thức đấu giá.
Đấu giá ở đây không chỉ áp dụng cho các vật phẩm sở hữu cá nhân như tranh, ngọc hay tài sản quý; mà còn áp dụng cho các tài sản xã hội, ví dụ như sóng điện thoại.
Các đóng góp lý thuyết
Các nghiên cứu về đấu giá đạt được thành công và sự phổ biến như ngày hôm nay vì được viết ra rất kịp thời. Các lý thuyết nền tảng quan trọng được viết ra vào cuối những thập niên 1970 và 1980, vừa kịp để đón đầu làn sóng tư hữu hóa của các nước phát triển ở đầu thập niên 1990.
Vào lúc đó, chính phủ của các nước này phải đối mặt với một câu hỏi quan trọng: "Làm thế nào để đấu giá được tài sản công một cách hiệu quả nhất?".
Paul Milgrom và Robert Wilson cùng các nhà kinh tế khác, cho đến lúc bấy giờ mới tập trung nghiên cứu lý thuyết, đã trở thành các "nhà tư vấn" cho Chính phủ Mỹ, giúp thiết kế các hình thức đấu giá tối ưu hóa doanh thu cho người bán và đảm bảo món hàng đấu giá được về tay người mua sử dụng món hàng đó hiệu quả nhất.
Trong thực tế, món hàng đấu giá có "giá trị chung" đối với những người tham gia. Ví dụ, dù mỗi người tham gia có thể đánh giá giá trị của một mảnh đất ở trung tâm thành phố khác nhau, nhưng tất cả đều đồng ý rằng mảnh đất ấy sẽ có giá trị khá cao.
Tuy nhiên, vì giá trị chung không rõ ràng, những người tham gia đấu giá định giá mảnh đất ấy không chỉ dựa vào thông tin của riêng mình, mà còn muốn biết những người đấu giá khác định giá như thế nào.
Robert Wilson là người đầu tiên sáng lập ra mô hình để p hân tích các đấu giá với giá trị chung. Ông phát hiện ra rằng do mọi người sợ rằng nếu mình thắng, mình đang trả giá cao hơn so với mức định giá chung, mọi người sẽ đề ra một mức giá mua thấp hơn giá trị đối với mình, giảm doanh thu của người bán. Đây được gọi là "lời nguyền của người thắng".
Paul Milgrom thúc đẩy hướng nghiên cứu này thêm một bước nữa, phân tích những trường hợp mà người tham gia có cả giá trị riêng (ví dụ: khả năng kiếm được tiền từ mảnh đất mình mua) và giá trị chung (ví dụ: khả năng bán lại mảnh đất cho người khác).
Ông chứng minh rằng trong trường hợp này, hình thức đấu giá ảnh hưởng lớn đến kết quả, qua đó cho rằng kết luận của giáo sư Willam Vickrey không còn chuẩn xác nữa.
Những bài nghiên cứu từ những năm 1960 của cha đẻ thuyết đấu giá William Vickrey tập trung phân tích các buổi đấu giá mà giá trị của món hàng chỉ phụ thuộc vào cá nhân mỗi người.
Theo đó, Vickrey chứng minh rằng các hình thức đấu giá phổ biến (ví dụ như đấu giá nâng giá kiểu Anh hoặc đấu giá hạ giá kiểu Hà Lan) đều mang lại doanh thu dự kiến như nhau cho người bán.
Phát triển các thể thức đấu giá mới
Cho đến trước năm 1990, sóng điện thoại ở Mỹ được phân bổ dựa trên hình thức vận động hành lang. Với sự bùng nổ của công nghệ viễn thông sau 1990, Hiệp hội Viễn thông liên bang của Mỹ (FCC) quyết định phải thay đổi thể thức giao sóng điện thoại cho các công ty tư nhân với 2 mục đích: (1) tối ưu doanh thu cho người dân trả thuế, và (2) đảm bảo sóng điện thoại sẽ được về tay công ty mà sẽ sử dụng nó hiệu quả nhất.
Thế nhưng đây không phải là một bài toán đơn giản, vì chính phủ phải bán cùng lúc nhiều loại sóng và ở nhiều vùng địa lý khác nhau. Một hình thức đơn giản sẽ là bán đấu giá từng loại sóng ở từng vùng một cách riêng biệt, và đây là hình thức mà New Zealand đã sử dụng.
Paul Milgrom cho thấy rằng hình thức này không mang lại hiệu quả doanh thu, vì lý do các công ty muốn xây dựng hệ thống điện thoại phủ sóng toàn quốc chỉ muốn trả tiền cho sóng ở một vùng nếu công ty ấy cũng thắng được quyền sử dụng ở các vùng khác. Do đó, khi đi đấu giá riêng lẻ, không ai muốn trả đúng mức giá trị mà mình có thể sẽ đạt được.
Milgrom và Wilson đã đề xuất ra một thể thức khác: đấu giá nhiều vòng đồng thời. Cụ thể hơn, tất cả các loại sóng của các vùng sẽ được đưa ra đấu giá cùng một lúc, và buổi đấu giá sẽ bao gồm nhiều vòng, kéo dài cho tới lúc không ai muốn nâng giá nữa thì thôi.
Thể thức đấu giá này hoạt động rất hiệu quả trong thực tế và đã mang lại hàng trăm tỉ USD cho FCC trong thập niên tiếp theo. Sau thành công của Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đã sử dụng mô hình này cho việc đấu giá các tài sản xã hội của nước mình.
Sau 24 năm, giải Nobel kinh tế lại gọi tên các nhà nghiên cứu về mảng đấu giá. Cũng như những năm gần đây, hội đồng trao giải tập trung rất nhiều về tính ứng dụng của các công trình nghiên cứu.
Điều này trước hết cho thấy mong muốn khẳng định kinh tế là một bộ môn khoa học thực tiễn của hội đồng trao giải, nhưng quan trọng hơn, những công trình được trao giải thực sự cho thấy tính ứng dụng thực tiễn rộng rãi của bộ môn này.
Người Mỹ thống trị
Giải thưởng năm nay một lần nữa khẳng định sự thống trị của nước Mỹ trong bộ môn kinh tế học, khi cả hai giáo sư nhận giải đều là công dân Mỹ.
GS Paul Milgrom tốt nghiệp tiến sĩ từ ĐH Stanford năm 1979 và đã công tác tại ĐH Stanford từ năm 1987. GS Robert Wilson cũng đã có thời gian dài công tác ở ĐH Stanford, kể từ năm 1964.
Chủ nhân giải Nobel kinh tế năm 1996, giáo sư William Vickrey cũng là người Mỹ nhưng sinh ở Canada.
TTO - Giải Nobel Kinh tế 2020 đã về tay hai nhà kinh tế Mỹ là Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson với nghiên cứu “sáng tạo những công thức đấu giá mới”.
Xem thêm: mth.11844528031010202-aig-uad-teyuht-neirt-tahp-hnad-hniv-et-hnik-lebon/nv.ertiout