Từ trái sang: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một lần xuất hiện chung ở Jakarta, Indonesia hồi năm 2015 - Ảnh: REUTERS
Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 13-10 có bài bình luận cho rằng Nhật Bản đang xem khu vực Đông Nam Á nằm ở "trái tim của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" của nước này.
Tháng trước, Nhật Bản ký thỏa thuận trao đổi hậu cần quốc phòng với Ấn Độ và điều này là đáng chú ý. Người ta cho rằng chính sách quốc phòng của Tokyo dường như đang chuyển từ chủ nghĩa hòa bình thụ động sang chủ nghĩa hòa bình đa phương và chủ động.
Với thỏa thuận quân sự Nhật - Ấn, Tokyo sẽ có tầm với xa hơn đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà trong đó khu vực Đông Nam Á nằm ở vị trí trung tâm.
Nhật Bản đã ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại tất cả diễn đàn đa phương. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ này vào năm 2007.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng đã chọn Việt Nam và Indonesia cho chuyến công du đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền. Theo SCMP, Việt Nam và Indonesia là những thành viên quan trọng của ASEAN.
Năm ngoái, gặp nhau bên lề sự kiện của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, các ngoại trưởng của "Bộ tứ kim cương" Nhật - Ấn - Úc - Mỹ đã nhắc lại vị trí trung tâm của ASEAN ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với những động thái làm dấy lên hoài nghi về độ đáng tin của Washington như rút quân khỏi Afghanistan, Đức cùng nhiều khu vực chiến lược khác, Nhật Bản muốn cân nhắc lại chiến lược an ninh của họ và không muốn chỉ phụ thuộc vào Mỹ.
Nhật Bản đã đạt được những bước tiến to lớn trong việc trở thành một trong những quốc gia được các nước Đông Nam Á ủng hộ nhiều nhất. Sự giúp đỡ to lớn về tài chính trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và vai trò gìn giữ hòa bình của Nhật Bản trong các cuộc xung đột khu vực đã giúp Nhật Bản giành được độ tin cậy cao trong nội bộ ASEAN.
Các khoản đầu tư của Nhật Bản tại Đông Nam Á ước tính đạt 367 tỉ USD, lớn hơn so với con số 255 tỉ USD của Trung Quốc.
Trong bối cảnh Nhật Bản muốn giảm sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau với Trung Quốc và chuyển các cơ sở sản xuất, Đông Nam Á có thể trở thành điểm đến sinh lợi nhất.
Chẳng hạn, các cải cách của chính phủ Indonesia đã thu hút nhiều công ty đang rời khỏi Trung Quốc, trong đó có các nhà máy trị giá 850 triệu USD, chỉ trong tháng 6. Trong số này có các công ty Nhật Bản như Panasonic và Sagami Electric.
Thủ tướng Suga được xem là sẽ tiếp tục duy trì di sản của người tiền nhiệm Shinzo Abe. Sau khi trở thành thủ tướng năm 2012, ông Abe cũng có chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Cây bút Akash Sahu - một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á - đánh giá trên SCMP rằng Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất có ảnh hưởng về kinh tế và văn hóa nhiều như Trung Quốc ở Đông Nam Á. Ông cho rằng vai trò lãnh đạo mới của Nhật Bản ở Thái Bình Dương có thể giúp xây dựng sự ổn định trong khu vực.
TTO - Tại cuộc điện đàm chiều 12-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sớm thăm Việt Nam. Thủ tướng Suga đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời.