Xe nằm chờ phụ tùng suốt 9 tháng, Suzuki nói gì?
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Đại diện Việt Nam Suzuki đã lên tiếng phản hồi vụ ồn ào gần đây trước thông tin một khách hàng ở Cà Mau phải để chiếc Ertiga nằm lại tại đại lý đến 9 tháng để chờ phụ tùng sửa chữa.
Chiếc xe Suzuki Ertiga tháo nằm chờ linh kiện tại Cà Mau. Ảnh: qdnd.vn |
Vì sao Suzuki Ertiga nằm 9 tháng chờ phụ tùng sửa chữa?
Thời gian qua, một số tờ báo và trang tin về ô tô đã có loạt tin bài phản ánh việc chiếc Suzuki Ertiga tại Cà Mau bị tai nạn phải nằm tại đại lý khoảng 9 tháng do không có phụ tùng sửa chữa.
Phía gara Suzuki Ngọc Anh (cơ sở bảo hành bảo dưỡng chính hãng của Việt Nam Suzuki tại Cà Mau, nơi tiếp nhận sửa chữa chiếc Ertiga tai nạn nói trên) nêu lý do sửa chữa kéo dài là do... đại dịch Covid-19 nên không có vật tư.
Việc một chiếc xe sản xuất đời 2019 và chỉ mới lăn bánh chưa đến 1.000 km tới thời điểm bị tai nạn mà để kéo dài thời gian sửa chữa như vậy đã ít nhiều làm giảm sút rất nhiều lòng tin của những khách hàng quan tâm đến dòng xe thuộc thương hiệu Nhật Bản này.
Trên các diễn đàn về ô tô, không ít ý kiến cho rằng dường như Suzuki đang quá khan hiếm vật tư phụ tùng với nguyên nhân được cho là do số lượng xe bán ra ít ỏi nên việc đầu tư linh kiện dòng xe này không được đại lý chú trọng.
Trước những thông tin trên, ông Mino Kenichiro, Cố vấn Phòng dịch vụ hậu mãi của Việt Nam Suzuki, cho rằng có 4 lý do dẫn đến mất nhiều thời gian như vậy.
Thứ nhất, phải mất 4 tháng để đơn vị bảo hiểm đồng ý sửa chữa xe do chiếc xe bị chìm trong nước mặn hơn 10 tiếng đồng hồ bị hư hỏng diện rộng. Trong 4 tháng đó, đại lý đã không thể tiến hành sửa chữa.
Thứ hai, đại dịch Covid-19 đã khiến nhà máy Suzuki ở Indonesia phải tạm ngừng hoạt động nên Suzuki Việt Nam không thể nhập khẩu một số phụ tùng ngay lập tức. Và có một số phụ tùng cần 29 ngày kể từ ngày đặt hàng từ đại lý Cà Mau để giao cho đại lý.
Thứ ba, đại lý Suzuki tại Cà Mau cần một thời gian để kiểm tra xe kỹ lưỡng vì xe chìm trong nước mặn mà không được sửa chữa trong 4 tháng. Do vậy, việc tập trung cao độ để kiểm tra các thiết bị, bộ phận và hệ thống dây điện để không xảy ra những rắc rối trên xe sau này là rất cần thiết.
Thứ tư, theo ông, xe Ertiga này cũng cần được làm sạch trần, thảm lót sàn, bọc ghế vì những thứ này không được đền bù bằng bảo hiểm, vì vậy xe phải được làm sạch cho đến khi loại bỏ hết mùi hôi và bụi bẩn.
Được biết vào tháng 9 vừa qua, Việt Nam Suzuki đã đàm phán mua lại chiếc Ertiga bị ngập nước này với giá 500 triệu đồng. Và hai bên đã hoàn thành giao dịch mua bán ngay sau đó.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, chiếc Suzuki Ertiga này thuộc sở hữu của ông Trần Chí Linh với giá mua 549 triệu đồng vào tháng 10-2019. Cộng dồn chi phí lăn bánh, ra biển số (tại tỉnh Cà Mau) cùng phí bảo hiểm vật chất khoảng 9 triệu đồng/năm, tổng chi phí sở hữu xe này với ông Linh là 624 triệu đồng.
Như vậy, nếu tính dựa trên khía cạnh vật chất, chủ chiếc xe này đã lỗ 124 triệu đồng. Đó là chưa kể phần thiệt hại vô hình sau vụ tai nạn này với thời gian chờ đợi hết 3/4 thời gian của một năm.
Trước đó, thông tin về chiếc Suzuki Ertiga bị tai nạn ngập nước ở Cà Mau nằm "chờ chết" tại xưởng do không có phụ tùng thay thế lan truyền trên mạng xã hội, rất nhiều thành viên của các cộng đồng ô tô lớn bày tỏ sự bức xúc về tình trạng khan hiếm phụ tùng xe Suzuki dù thương hiệu này đã xây dựng được đến 37 đại lý trên toàn quốc.
Ngoài ra, nhiều thành viên cộng đồng ô tô lớn trên mạng xã hội đã lên tiếng phản ánh về tình trạng bất nhất của giá phụ tùng ở các đại lý.
Theo tài khoản Hiếu Đinh nhận định: "Phụ tùng khan hiếm hoặc không có là lý do người tiêu dùng ít mua xe của hãng này". Trên thực tế, dù ô tô Suzuki đã có mặt tại Việt Nam được khoảng 25 năm, nhưng lượng xe của hãng bán ra còn rất khiêm tốn so với các thương hiệu ô tô khác. Nhiều ý kiến cho rằng để tăng lượng xe bán ra, hãng cần phải cải thiện yếu điểm phụ tùng và dịch vụ hậu mãi.
Do đó, khi nói về giải pháp tương lai, theo người đại diện của thương hiệu ô tô đến từ Nhật Bản này, Việt Nam Suzuki đã quyết định mở rộng kho để có đủ số lượng phụ tùng tại Việt Nam để cung cấp phụ tùng tại đây mà không có bất cứ trở ngại nào.
Việt Nam Suzuki khẳng định có đủ phụ tùng dự trữ để cung cấp trên toàn quốc và sẵn sàng giải đáp những vấn đề thảo luận về Suzuki gần đây.
Chiếc xe Suzuki Ertiga của một khách hàng bị phản ánh có tiếng hú từ hộp số và không chuyển số ở vòng tua lớn. Ảnh: baogiaothong.vn |
Phản hồi việc hộp số của Suzuki Ertiga có tiếng kêu khi sang số
Ngoài vụ việc trên, gần đây có gần 30 chủ xe Suzuki Ertiga (đời 2019 - 2020, số tự động) còn phản ánh gặp phải hiện tượng xe có tiếng hú (tiếng kêu u u) từ hộp số và tình trạng tua máy lên cao, xe không chuyển số khi lưu thông trên đường. Vấn đề tiếng kêu phát ra từ hộp số, vọng lên cabin, bị hụt hơi của xe Ertiga này khiến một số khách hàng đề nghị nhà sản xuất phải triệu hồi sửa chữa.
Theo một số chủ xe phản ánh, ngay từ khi mua xe, đi được hơn 1.000 km họ đã phát hiện tiếng kêu vọng lên từ hộp số ở dải tốc độ từ 45 - 60km/h. Sau khi mang xe đến đại lý Suzuki để kiểm tra, các kỹ thuật viên đã cắm máy tính chuyên dụng vào để test và xác nhận có tình trạng tiếng kêu như khách hàng phản ánh. Tuy nhiên các kỹ thuật viên nói đây là hiện tượng bình thường.
Về vấn đề này, ông Hidetoshi Aoki, Giám đốc sản xuất của Việt Nam Suzuki, cho rằng có hai lý do khiến âm thanh phát ra từ hộp số tự động của Suzuki Ertiga khi sang số, gồm có Kickdown. Theo ông, chức năng Kickdown được trang bị trên tất cả xe số tự động (AT) của tất cả các hãng xe.
Khi người lái nhấn mạnh chân ga, xe sẽ chuyển số và tăng vòng tua máy để tăng tốc. Bằng việc tăng tốc độ động cơ trước tiên, sau đó mômen xoắn của động cơ tăng lên và sau đó tăng dần tốc độ. Ở trạng thái vòng tua máy cao trước khi tốc độ tăng sẽ cảm thấy như "hụt hơi" và tiếng ồn động cơ trở nên lớn hơn.
Và thứ hai là xe AT của Suzuki có chức năng Lock-up. Tính năng này kết nối trực tiếp động cơ và hộp số trong một số điều kiện nhất định khi xe vận hành ở số 4. Tính năng này giúp cải thiện hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu và đồng thời theo dõi tốc độ tăng tốc một cách tức thời. Khi xe AT ở trạng thái Lock-up thì âm thanh sẽ có sự thay đổi.
Với những lý do trên, một số khách hàng có thể cảm thấy không thoải mái vì âm thanh khó chịu, nhưng theo người đại diện của hãng xe này đó là âm thanh của hộp số tự động Suzuki và không có vấn đề gì về chất lượng.
Trước câu trả lời trên của Việt Nam Suzuki, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, kỹ sư chuyên về hệ động lực ô tô có hơn 35 năm kinh nghiệm làm việc tại các hãng xe Đức, cho rằng có thể đây là yếu điểm của Suzuki hộp số
Kick down là khi muốn tăng tốc nhanh tài xế đạp nhanh vào chân ga, hệ thống nhận tín hiệu cho hộp số về số nhỏ. Việc hụt hẫn chỉ xảy ra khi có turbo. "Những công ty ô tô khác không có vấn đề này", ông Đồng nói.
Và liên quan đến vấn đề này, trước đó, chuyên gia Đồng, cho rằng chuyện nhảy số, ở hộp số 4 cấp thường là khi đạt tốc độ tua máy 3000 vòng phút, tốc độ 80km/h trở lên thì xe nhảy số 4. Còn vòng tua máy 2500 vòng/phút ở cấp số 3 thì là bình thường.
Ông Đồng cho rằng đa số xe Nhật Bản đều vậy, xe Đức thì khác, cũng hộp số AT 4 cấp nhưng phải 4000 vòng/phút mới sang số cao nhất, đến cỡ 5000 vòng/phút xe mới đạt công suất tối đa trong khi xe Nhật có thể đạt công suất cực đại ở 4000 vòng/phút.
Còn chuyện có tiếng kêu lạ như nhiều người phản ánh thì cần xem xét, nhưng theo mô tả, nếu có tiếng kêu ở một dải tốc độ nhất định (45 - 60km/h) thì theo ông Đồng nhà sản xuất cần triệu hồi để xem xét tại sao lại không nghe tiếng kêu ở các dải tốc độ khác mà cứ đến ngưỡng đó lại kêu.
Xem thêm: lmth.ig-ion-ikuzus-gnaht-9-tous-gnut-uhp-ohc-man-ex/133903/nv.semitnogiaseht.www