Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gặp mặt doanh nhân trẻ nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 - Ảnh: HÀ THANH
Chiều nay 13-10 tại Hà Nội, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình gặp mặt đoàn đại biểu Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ doanh nhân Sao đỏ nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10.
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước
Tại cuộc gặp mặt, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt tập trung phát triển kinh tế tư nhân, coi "kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước".
Trong bối cảnh thế giới và đất nước có những thuận lợi, đan xen khó khăn thách thức, như dịch tả heo Châu Phi, đại dịch COVID-19, Phó thủ tướng thường trực cho biết hầu hết các nước đều tăng trưởng âm, riêng Việt Nam là điểm sáng với kết quả đáng mừng là 9 tháng đầu năm, GDP ước tính tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước.
Ông đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân cùng Chính phủ nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa tập trung phát triển kinh tế xã hội, vừa chung tay cùng với Chính phủ đẩy lùi dịch COVID-19.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi gặp mặt - Ảnh: HÀ THANH
Một lần nữa nhấn mạnh về lợi thế, tiềm năng của cuộc cách mạng 4.0, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng đây là con đường tất yếu của hội nhập toàn cầu, cạnh tranh toàn cầu, là cơ hội để vươn lên cạnh tranh với các quốc gia khác.
Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp, doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ tiềm năng, lợi thế của cách mạng 4.0 mang lại.
"Không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu văn hóa doanh nghiệp doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước", Phó thủ tướng thường trực đặc biệt nhấn mạnh.
Nắm bắt cơ hội, kịp thời ứng phó
Để làm được điều đó, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; nâng cao năng lực quản trị, đi đầu đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới thông minh, tiên tiến; không ngừng cải thiện năng suất, chất lượng hiệu quả cạnh tranh…
Phó thủ tướng thường trực cũng yêu cầu, trước bối cảnh dịch COVID-19, hơn lúc nào hết phải sẵn sàng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trước lợi thế của cuộc cách mạng 4.0, phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu - Ảnh: HÀ THANH
Đồng thời nắm bắt cơ hội chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho những trạng thái "bình thường mới" để kịp thời ứng phó với những thay đổi không lường trước được, đưa kinh tế Việt Nam phát triển ổn định và "cất cánh".
Cùng với đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ nhân sự, lao động giỏi nghề, có tác phong công nghiệp để đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đầu tư sắp tới sẽ vào Việt Nam; đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ giỏi về công nghệ; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thanh niên trong vấn đề khởi nghiệp đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân, doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 - Ảnh: HÀ THANH
Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng thường trực cho biết Chính phủ cam kết sẽ đồng hành với doanh nhân, doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu chi phí, đơn giản thủ tục hành chính.
Đồng thời xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, trục lợi, tham nhũng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo.
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan
Tại cuộc gặp mặt Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị các giải pháp như: cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; đơn giản hóa các thủ tục trong việc xác định giãn nợ đối với doanh nghiệp bị thiệt hại bởi COVID-19; đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, ưu tiên thông quan hàng hóa và cho giãn thời gian nộp thuế xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, đề xuất cơ chế giám sát triển khai các gói hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ thu mua hàng hoá và sử dụng dịch vụ thông qua việc chi trả bằng ngân sách; xây dựng gói kích cầu để đưa ra ngay sau khi khống chế được dịch bệnh COVID-19.
TTO - Trong lúc nhiều công ty lao đao do COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã ‘đạp’ sóng dữ, vượt dịch để đón cơ hội lớn, hồi phục và tăng mạnh doanh thu.