Còn khó tiếp cận vốn vay nông nghiệp công nghệ cao
Ngày 13/10, Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V đã chính thức diễn ra. Vốn và công nghệ vẫn là nguồn lực cốt lõi nhưng cũng là vướng mắc lớn nhất trong liên kết 6 nhà Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà phân phối.
Theo số liệu công bố tại Diễn đàn, gói cho vay làm nông nghiệp công nghệ cao 100.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 30 của Chính phủ, đến nay, doanh số cho vay lũy kế đạt khoảng 65.000 tỷ đồng, đạt 65%. Tuy nhiên, nhiều nông dân và doanh nghiệp nhỏ bắt tay vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp khó về dòng tiền.
Phần lớn đại biểu dự Diễn đàn là nông dân sản xuất giỏi, là doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ đã đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản. Họ đã từng đề xuất và hiện vẫn đang chờ đợi sớm được vay nguồn vốn ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao có lãi suất thấp hơn thông thường từ 1 - 1,5%/năm.
Tín dụng tiếp sức cho nông nghiệp công nghệ cao
5 năm qua, nếu không có sự tiếp sức từ đồng vốn ngân hàng chắc chắn chị Bùi Hường Bích, Giám đốc HTX Đan Hoài, Đan Phượng, Hà Nội, khó có được một trang trại hoa lan hồ điệp lớn nhất miền Bắc.
Công nghệ cao đã đưa huyện Đan Phượng trở thành một trung tâm cung cấp hoa cho đô thị một cách ổn định mà không phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết. Chị Bùi Hường Bích cho biết: "Hoa làm trong nhà màng suất đầu tư ban đầu rất lớn nên chúng tôi rất thận trọng. Để tiết kiệm từng mét đất, chúng tôi dùng giàn kéo, tiết kiệm lối đi lại. Đặc biệt, trồng lan này chúng tôi phải kiểm soát, có nhiệt kế đo độ ẩm ánh sáng, ngoài ra, còn có các đầu cảm ứng truyền thông tin chính xác về trung tâm".
Nông nghiệp công nghệ cao sẽ giải quyết được 3 vấn đề lớn trong nông nghiệp đó là mặt bằng sản xuất, năng suất và giá trị nông sản. Riêng Agribank, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành riêng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra nhiều thay đổi bền vững trong thực tế sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói: "Không chỉ đầu tư cho các dự án nông nghiệp sạch mà chúng tôi đang hướng dòng tín dụng đến các dự án xanh để bảo vệ môi trường một cách bền vững nhất. Chúng tôi rất mong có cơ chế chính sách hỗ trợ cho những dự án xanh vì những dự án đó suất đầu tư sẽ cao".
Việt Nam hiện có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trên cơ sở ưu tiên tín dụng, Bộ NN và PTNT chủ trương đẩy mạnh phát triển 3 ngành công nghệ chủ lực, gồm công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và cơ giới hóa.
Thúc đẩy tín dụng vào nông nghiệp công nghệ cao
Tại diễn đàn ngày 13/10, các ngân hàng cho biết: hiện đang khá dồi dào nguồn vốn và đang tiếp tục hạ lãi suất cho vay để kích thích đầu tư, hồi phục và phát triển kinh tế, đặc biệt với các món vay cho sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp khi mà lĩnh vực kinh tế này luôn là bệ đỡ cho nền kinh tế trong khủng hoảng cũng như trong dịch COVID-19. Vốn ngân hàng thực chất là tiền của người dân, thận trọng cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, cách làm sẽ tiếp tục được điều chỉnh để nguồn vốn giá rẻ đến được tay nông dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa hiệu quả, vừa an toàn.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 13/10 với khách mời là ông Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sẽ trao đổi nhiều thông tin liên quan đến vấn đề này.
VTV.vn - Mô hình sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao với kinh phí đầu tư gần 11 tỷ đồng được triển khai tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng từ nay đến năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Xem thêm: mth.75092624041010202-oac-ehgn-gnoc-peihgn-gnon-oav-gnud-nit-yad-cuht-ed-oas-mal/et-hnik/nv.vtv