Thị trường chứng khoán đã thoát khỏi mức thấp trong tháng 9 và nói chung là cao hơn so với đầu năm. Chỉ số S&P 500 đi lên 8% so với khởi đầu năm 2020, Nasdaq đạt mức tăng ấn tượng 30% trong cùng kì. Động lực tích cực của chứng khoán Mỹ trái ngược với cú sốc kinh tế nặng nề do đại dịch gây ra.
Ông Tobias Adrian, Giám đốc bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của IMF viết trên blog hôm 13/10: "Sự tách rời giữa thị trường tài chính và nền kinh tế vẫn tồn tại. Định giá của thị trường cổ phiếu liên tục tăng lên trong khi hoạt động kinh tế vẫn còn yếu kém và triển vọng không rõ ràng".
Tuy nhiên, ông Adrian cảnh báo nếu sự hồi phục kinh tế bị chậm trễ, "niềm lạc quan của nhà đầu tư có thể phai nhạt".
"Miễn là nhà đầu tư tin rằng thị trường tài chính sẽ tiếp tục hưởng lợi từ hỗ trợ chính sách, định giá tài sản có thể vẫn cao trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, trong trường hợp đà phục hồi kinh tế giảm tốc, có nguy cơ giá tài sản điều chỉnh mạnh hoặc xảy ra các đợt biến động định kì".
Ông Adrian không phải là người duy nhất theo dõi sự tách rời giữa thị trường tài chính và nền kinh tế.
Vào mùa hè năm 2020, quá trình phục hồi kinh tế có vẻ khó khăn hơn và chậm chạp hơn dự đoán ban đầu của nhà đầu tư. Lúc này, nhà phân tích tài chính Gary Shilling, người nhiều lần dự đoán đúng các cuộc suy thoái nói rằng thị trường chứng khoán Mỹ có thể sụp đổ tương tự như thời Đại Khủng hoảng năm 1930. Tập đoàn phân tích Bespoke Investment cũng cảnh báo chứng khoán Mỹ có khả năng sẽ lao dốc mạnh.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC ngày 13/10, Giám đốc Adrian nhận xét rằng thành tích của thị trường tài chính năm 2020 là "rất xuất sắc" trong bối cảnh đại dịch toàn cầu diễn ra.
"Tuy nhiên, chúng tôi [IMF] thấy rằng một số tài sản có định giá quá cao, bao gồm một số bộ phận trong thị trường cổ phiếu".
"Đại dịch COVID-19 đã gây ra rất nhiều tổn thất tới nền kinh tế. Việc thị trường chứng khoán hồi phục đã giúp đỡ các nền kinh tế duy trì tăng trưởng và phục hồi. Tuy nhiên, định giá dự phóng có thể rất mong manh khi đối mặt với tin tức bất lợi".
Một trong những động lực chính thúc đẩy niềm lạc quan của thị trường chứng khoán 2020 là số tiền kích thích khổng lồ mà các ngân hàng trung ương đổ vào nền kinh tế. IMF cho rằng biện pháp này cần được duy trì trong bối cảnh ít có dấu hiệu tích cực từ cuộc khủng hoảng y tế COVID-19.
"Hiện tại, chính sách tiền tệ thích ứng là phù hợp với thế giới… Nhưng một khi cuộc phục hồi diễn ra – theo dự đoán của chúng tôi là vào cuối năm 2021 hoặc thậm chí là 2022 – chính sách tiền tệ cần phải được đánh giá lại và các điểm yếu cần được kiểm soát", ông Adrian nói với CNBC.
Bình luận của ông Adrian được đưa ra trong bối cảnh IMF điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo con đường phục hồi sẽ dài và và nhiều trắc trở.
Xem thêm: mth.77631631141010202-hnihc-iat-gnourt-iht-nert-em-hnam-hnihc-ueid-us-ev-oab-hnac-fmi/nv.zibmanteiv