Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 10 của IMF cho thấy, trong năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 1,6% và vào năm 2021 có thể sẽ đột phá lên mức 6,7%.
Trong năm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu thì với những nỗ lực của Chính phủ và người dân, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong nhóm ASEAN-5 (bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam) duy trì được mức tăng trưởng dương.
Trong khi Việt Nam tăng trưởng dương thì Philippines giảm 8,3%, Thái Lan 7,1%, Malaysia 6,0%, và Indonesia là 3,4%. Quốc gia phát triển như Singrapore cũng có mức sụt giảm GDP là 5,3%.
Nhờ GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong 3 quý đầu 2020 trong khi các quốc gia khác sụt giảm, IMF dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ lần đầu tiên chen chân vào top 4, chỉ đứng sau Indonesia, Thái Lan và Philippines trong khối ASEAN.
Trong khi đó ở 3 vị trí dẫn đầu ASEAN thì GDP Indonesia đạt 1.088,8 tỷ USD, Thái Lan đạt 509,2 tỷ USD, và Philippines đạt 367,4 tỷ USD. GDP Việt Nam đứng thứ 4, sẽ đạt 340,6 tỷ USD. Đứng ở vị trí thứ 5 và 6 là Singapore đạt 337,5 tỷ USD, Malaysia đạt 336,3 tỷ USD.
Nhưng nếu xét GDP tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP của Việt Nam đứng hàng thứ 3 khu vực với 1.047,3 tỷ USD, sau Thái Lan (1.261,5 tỷ USD) và Indonesia (3.328,3 tỷ USD).
Những số liệu IMF công bố cho thấy, GDP đầu người của Việt Nam đã chính thức vượt Philippines, đạt gần 3.500 USD/người. GDP đầu người Philippines hiện đạt 3.372 USD/người, theo sau là Lào (2.567 USD/người), Cambodia (1.572 USD/người) và Myanmar (1.332 USD/người).
Tuy nhiên, so với 3 nước dẫn đầu là Singapore (58.484 USD/người), Brunei (23.116 USD/người) và Malaysia (10.192USD/người) thì khoảng cách GDP đầu người của Việt Nam còn cách khá xa.
Trước đó, tháng 9 vừa qua, tại Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020, ấn bản kinh tế thường niên hàng đầu của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB, đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 4,1% hồi tháng 6 xuống còn 1,8%, mức thấp nhất kể từ 2011.
Đây là lần thứ 2 trong năm ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trước đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam 2020 được ADB dự báo ở mức 4,8%.
Nói về việc hạ tăng trưởng này, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định: "Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến".
Trên thế giới, GDP âm là tình trạng chung bao phủ các quốc gia. Venezuela là nền kinh tế có mức sụt giảm GDP lớn nhất châu Mỹ với 25% trong năm 2020, Mỹ giảm 4,3%, Canada giảm 7,1%, Mexico giảm 9%, Brazil giảm 5,8%....
Các nền kinh tế châu Âu, cũng không tránh khỏi tình trạng này. Các đầu tàu kinh tế như Đức giảm 8,3%, Pháp giảm 9,8%, Italy giảm 10,6% và Tây Ban Nha giảm 12,8%....
Trong khi các nền kinh tế lớn tăng trưởng GDP âm thì các nước thu nhập trung bình lại có tăng trưởng dương như Bờ biển Ngà và Ghana duy trì mức tăng trưởng dương lần lượt là 1,8 và 0,9%. Ở các nước thu nhập thấp, Ethiopia, Kenya, Tanzania đều có thể duy trì mức tăng trưởng dương lần lượt là 1,9%, 1% và 1,9%.
Pha Lê
Pháp luật & Bạn đọc