Tại buổi hội thảo "Sức hút đô thị biển - Coastal Appeal" do báo Đầu tư tổ chức sáng 14-10 tại TP.HCM, các chuyên gia và đơn vị phát triển, quản lý bất động sản (BĐS) tỏ ra lạc quan về tiềm năng, sức hút của các đô thị biển trong thời gian tới.
Dù từ tháng 3-2020 đến nay, toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ nhưng theo đánh giá của hầu hết chuyên gia quốc tế, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác.
Cơ hội phục hồi sau dịch rất lớn
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết theo mục tiêu 2030 và tầm nhìn 2045 thì Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh.
Hiện tại Việt Nam có 19 khu kinh tế biển với quy mô 47 - 48 % GDP của cả nước. Trong đó, GDP của kinh tế thuần biển chiếm 20 - 22% tổng GDP cả nước.
“Cơ sở để chúng ta có niềm tin tăng trưởng là sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu. Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh thứ 2 thế giới trong thập kỷ qua” - ông Tuấn nói.
Ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác, giúp BĐS biển thu hút nhà đầu tư trở lại.
"Hơn nữa, tài nguyên tự nhiên như biển xanh, cát trắng, nắng vàng chan hòa quanh năm, hội tụ đủ điều kiện để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của du khách. Chưa kể hệ thống hạ tầng như các tuyến cao tốc, sân bay đang là động lực phát triển cho khu vực này" - ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn tỏ ra bức xúc về việc nhiều doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực không đủ mạnh nhưng cũng muốn tham gia vào thị trường, khiến hoang phí nguồn tài nguyên. Theo ông, cần phải có những doanh nghiệp lớn, nghĩ lớn, làm lớn để trở thành “con sếu đầu đàn” dẫn dắt trong phân khúc BĐS biển, không thể phát triển một cách tràn lan, đầu tư theo phong trào được.
Để thị trường phát triển bền vững, ông Tuấn cho rằng cần có một số ưu tiên về chính sách như thúc đẩy công nghiệp hóa “không khói”; đô thị hóa cần có trọng tâm và chiến lược và không ngừng thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam, cho rằng đô thị biển cần phải quy hoạch đô thị bài bản, đồng bộ, kết nối giao thông.
Nhiều loại hình BĐS mới xuất hiện
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam, cho biết những năm gần đây đã xuất hiện nhiều loại hình BĐS mới và rất đa dạng. Đặc biệt là sự lớn mạnh của thị trường và doanh nghiệp nội địa chiếm ưu thế tuyệt đối.
Một số chủ đầu tư lớn chiếm lĩnh thị trường như Vingroup, Sun Group, CEO Group, BIM Group, Novaland, FLC… Thị trường đang bùng nổ nguồn cung, đặc biệt là condotel.
Để thị trường phát triển bền vững, ông Lâm đưa ra kiến nghị cần định vị lại thị trường BĐS biển, xác định đây có phải là phân khúc để mua đi bán lại các sản phẩm như đầu tư BĐS nhà ở hay không.
Ngoài ra, cần phải quy hoạch đô thị bài bản, đầy đủ, chức năng, đồng bộ, kết nối giao thông. Trong đó, bảo vệ môi trường và di sản văn hóa/lịch sử cũng như di sản thiên nhiên là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm.
Liên quan đến vấn đề pháp lý, ông Lâm cho biết cần sớm hoàn thiện quy định cho các loại hình sản phẩm mới.
Khung pháp lý rõ ràng, quy hoạch tổng thể thì đô thị biển mới phát triển đồng bộ, toàn diện.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển và khai thác tiềm năng đô thị biển từ góc nhìn nhà tư vấn, ông Arnaud Ginolin, Tổng giám đốc Boston Consulting Group (BCG) cho rằng Việt Nam cần giải pháp thích hợp cho việc phát triển các đô thị ven biển.
Thứ hai, cần đảm bảo sự phát triển đồng bộ và toàn diện của các vùng ven biển Việt Nam, quy hoạch tổng thể cấp quốc gia để tránh cạnh tranh nội bộ và sử dụng tài nguyên ở mức tối ưu.
Theo ông Arnaud Ginolin, phải làm sao để đảm bảo sự liên kết trong chính phủ. Sự liên kết chính sách thông qua đảm bảo các lĩnh vực hỗ trợ mục tiêu chính sách của chính phủ. Điều chỉnh chính sách vốn thông qua đảm bảo chi tiêu vốn của các cơ quan có thể hỗ trợ các kết quả về quy hoạch và khu vực.