Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11 quy định việc ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng.
Từ ngày 15/11, Nghị định 117/2020 chính thức có hiệu lực. Theo quy định mới, tại Điều 30 và Điều 31 Nghị định 117/2020, người có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Riêng việc ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng.
Điều 34 Nghị định 117: Phạt tiền từ 3.000.000 đ đến 5.000.000 đ nếu người đứng đầu không thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia trong cơ quan, tổ chức; Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống rượu bia trong địa điểm không được uống rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành…
Quy định có nhưng khó phạt
TS.Cao Vũ Minh – giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM chia sẻ trên báo Pháp Luật TP.HCM, “Nghị định 117 đặt ra các hướng dẫn thi hành xử phạt cho những hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
Tuy nhiên, TS.Cao Vũ Minh cho rằng để quy định này được hiểu đúng, áp dụng đúng thì cần có những giải thích cụ thể thế nào là kích động, xúi giục; là lôi kéo; là ép buộc uống rượu, bia. Từ đó mới có căn cứ xử lý các hành vi vi phạm.
Khi Nghị định 117 sắp được thực thi, nhiều ý kiến lo ngại cho rằng mời người khác uống rượu, bia cũng dễ bị xử phạt vì có thể bị cho là xúi giục, lôi kéo hoặc ép buộc người khác uống rượu, bia.
Theo TS.Cao Vũ Minh thì cách hiểu này không phù hợp.
“Cần hiểu rằng uống rượu, uống bia không phải là một hành vi bị cấm và theo phong tục tập quán của người Việt Nam nhiều khi là “khách đến nhà không trà thì rượu”. Do đó, chuyện mời mọc nhau một, hai ly rượu là hết sức bình thường” – TS.Minh nhận định.
Cũng theo ông, một số hành vi bị cấm tại Nghị định 117 cần xác định như sau:
Kích động người khác uống rượu, bia có nghĩa là tác động mạnh đến tinh thần, gây ra những xúc động mãnh liệt như lời nói gièm pha hoặc có những hành vi giống như kiểu lôi kéo đưa người khác vào trong trạng thái mất tự chủ để khiến họ phải uống rượu, bia.
Còn hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia được hiểu là cưỡng ép để buộc người khác phải miễn cưỡng uống rượu, bia.
Ví dụ: Sếp mời nhân viên uống rượu, bia mà cứ nói: “Vô đi, uống đi, không uống thì sẽ không tăng lương, không lên chức…” là hành vi bị cấm.
Cần phân định giữa mời rượu và ép rượu
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng – Phân viện Nghiên cứu văn hóa thông tin tại TP.HCM, người Việt có thói quen sử dụng rượu, bia từ lâu đời.
Ở góc độ văn hóa – tín ngưỡng dân gian, miếng trầu là đầu câu chuyện thì chén rượu là đầu cuộc vui. Nên việc mời rượu trong một bữa tiệc, một cuộc họp mặt được hiểu là cùng chung vui.
Người xưa có câu “tam trà, tứ rượu”, tức trà chỉ uống ba ly, rượu không uống quá bốn ly. Câu nói này nhằm chỉ sự chừng mực trong việc sử dụng hai thức uống trên. Việc sử dụng rượu, bia quá đà không phải là nếp sống được cổ súy trong văn hóa xưa và cả nay.
Nhiều người cho rằng phải uống thật say, mời rượu thật nhiều mới đủ lễ, mới là thân tình, trong công việc phải có rượu, bia mới thành công. Điều này sai hoàn toàn. Thực tế, việc ép rượu thường dẫn đến nhiều hậu quả xấu như cãi vã, đánh nhau, tai nạn giao thông… tổn hại tình làng nghĩa xóm.
“Việc mời nhau rượu, bia là không xấu, nó thể hiện tình cảm giữa hai bên. Tuy nhiên, uống với nhau sao cho văn minh, lịch sự để tránh những hậu quả đáng tiếc mới là điều quan trọng” – nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nói.
Vì vậy, ngay cả người được mời cũng nên có thói quen từ chối rượu, bia một cách dứt khoát nếu bản thân không muốn uống tiếp.
“Vì cả nể, vì sợ mất việc… nhiều người rượu đến tay là uống, bầm gan tím ruột cũng uống mà không biết từ chối” – nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhận định.
Cũng theo ông, quy định xử phạt người ép rượu, bia là một quy định tiến bộ. Tuy nhiên, cần có giải thích rõ về mặt từ ngữ để phân định ranh giới giữa mời rượu và ép rượu.
Khó chứng minh hành vi vi phạm
Trao đổi với báo VOV về điều 34 Nghị định 117, luật sư Hà Trọng Đại (Phó giám đốc Công ty luật The Light, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Chúng ta đã có Nghị định 100/2019/NĐ-CP về phòng chống tác hại của rượu bia, nghị định 117 lần này mở rộng thêm phạm vi của Nghị định 100.
Nếu Nghị định 100 chủ yếu hướng tới những người uống rượu bia tham gia giao thông thì Nghị định 117 mở rộng thêm các hành vi bị xử phạt như ép người khác uống rượu bia, không tổ chức các biện pháp phòng chống tác hại của rượu bia đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Theo luật sư Đại, khi các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính thì phải căn cứ vào hành vi ép buộc người khác uống rượu bia. Đây là một căn cứ rất khó xác định.
“Về vấn đề chứng minh “ép buộc” người khác uống rượu bia thì cần phải có chứng cứ trực tiếp. Khi người uống rượu bia đã tham gia giao thông bị xử lý, lúc đó rất khó chứng minh ai là người ép buộc họ uống, không thể chỉ dựa vào lời khai của một người để kết luận ai ép uống rượu bia. Chứng cứ trực tiếp ở đây phải là hình ảnh, video…”.
Việc tìm ra chứng cứ chứng minh hành vi ép buộc uống rượu bia là rất khó. Bởi trên bàn nhậu sẽ không có nhiều người quay phim để làm bằng chứng, trừ trường hợp cố tình quay phim lại với động cơ khác.
Ngay cả trong trường hợp lực lượng chức năng phát hiện ngay trên bàn nhậu hành vi ép uống rượu bia, cũng rất khó có ai nhận là người khác ép mình uống. Bởi phần lớn những người đi nhậu cùng nhau đều có mối quan hệ bạn bè, quen biết. Nếu muốn quản lý một cách triệt để thì phải tốn lượng nhân lực lớn để lắp đặt, quản lý các hệ thống camera ở quán nhậu. Chỉ trong trường hợp đó thì mới đủ chứng cứ chứng minh các hành vi ép uống rượu bia.