Hôm nay (15-10), Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc.
Trước đó, sáng 14-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã diễn ra phiên trù bị với sự tham gia của 444 đại biểu chính thức. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì phiên họp. Dự đại hội có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng.
Tại phiên trù bị, các đại biểu đã bầu Đoàn chủ tịch gồm 14 người, Đoàn thư ký gồm năm người. Các đại biểu cũng thông qua chương trình và quy chế làm việc. Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, đã báo cáo tổng hợp ý kiến của Đảng bộ TP.HCM góp ý cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát triển nhanh và bền vững
Phát biểu tại phiên trù bị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong quá trình chuẩn bị đại hội, TP đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành trung ương quan tâm, góp ý cho dự thảo văn kiện. Trong đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có yêu cầu Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI phải là một đại hội tiêu biểu, mẫu mực của cả nước và là dấu mốc quan trọng mở ra giai đoạn phát triển mới với khí thế mới của Đảng bộ và nhân dân TP.HCM. “Thường vụ Thành ủy và Ban chấp hành đã rất suy nghĩ về yêu cầu này” - ông Nhân chia sẻ.
Để mở ra giai đoạn phát triển mới, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành Đảng bộ TP đã rất nỗ lực tìm tòi và kiến nghị trung ương nhiều cơ chế, chính sách để đưa TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn. Trong đó, đáng chú ý có năm nội dung (trong đó có bốn đề án trình Chính phủ và các bộ, ngành trung ương trong năm 2020) gồm: Thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; chuẩn bị trình Quốc hội Đề án chính quyền đô thị; hình thành khu đô thị sáng tạo ở phía đông; hoàn chỉnh đề án Trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế tại TP và Đề án Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM.
Với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 vào năm 2017, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cơ chế này đã làm cho các quyết định nhanh hơn và hiệu quả hơn; tạo điều kiện cho cán bộ làm việc với hiệu quả cao, từ đó tăng thêm thu nhập; cho phép phân cấp cho các quận, huyện và sở, ngành… Cũng từ những lẽ đó đã giúp việc ban hành chính sách sát với dân hơn, nghe dân tốt hơn và quyết định hiệu quả hơn.
Các đại biểu biểu quyết tại phiên trù bị đại hội. Ảnh: PV
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên trù bị. Ảnh: PV
Tạo cực tăng trưởng mới
Cùng với đó, tháng 10-2020, trên cơ sở sự chuẩn bị tích cực của TP trong hai năm qua, Chính phủ đã góp ý cho việc xây dựng Đề án chính quyền đô thị tại TP.HCM. Theo đó, ở các quận, phường sẽ không tổ chức HĐND. Nếu được Quốc hội thông qua, TP sẽ có cơ chế quản lý đô thị mới phù hợp hơn.
Đối với Đề án lập TP Thủ Đức, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho biết là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nên phải xác định một vùng động lực của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Khu vực này phải kết hợp được bốn yếu tố: Ứng dụng công nghệ cao lớn nhất ở quận 9; tập trung quy mô các trường đại học chất lượng cao ở quận Thủ Đức; trung tâm tài chính mới và khu đô thị mới ở Thủ Thiêm (quận 2).
Bốn yếu tố trên tạo nên một cực tăng trưởng mới là khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía đông - đó chính là TP Thủ Đức. Đề án này sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Một đề án khác cũng được ông Nhân nhắc đến là TP đã thực hiện hoàn chỉnh đề án về phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM. “Nếu được Chính phủ chấp thuận thông qua sẽ là một tiền đề rất quan trọng thu hút các nguồn lực quốc tế, phục vụ nhu cầu phát triển đất nước và TP” - ông Nhân nói.
Còn với đề án “Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030” để tăng thu ngân sách nộp về trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững. Đề án đã được lấy ý kiến các bộ, ngành, chuẩn bị báo cáo Quốc hội.
Phải dựa vào dân và lắng nghe dân Liên quan đến công tác xây dựng Đảng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Đảng muốn vững mạnh thì phải dựa vào dân, lắng nghe dân. Do đó, Quy định 1374 đã được ban hành để lắng nghe ý kiến của người dân. Những ý kiến này đã được tiếp thu ở cấp ủy có liên quan và cấp ủy đơn vị đó phải chỉ đạo xử lý. Theo ông Nhân, với quy định này, thời gian qua, TP nhận trên 8.700 phản ánh và đã xử lý đạt trên 95%. Qua đó đã hạn chế, nhắc nhở được cán bộ, công chức sai phạm. “Vai trò chính là dân giám sát, dân nhắc nhở chúng ta nếu chúng ta không làm tốt. Nghe dân, làm theo yêu cầu chính đáng của nhân dân và chịu sự giám sát, đánh giá của nhân dân đối với cá nhân, tổ chức” - ông Nhân nói. Ông Nhân cũng cho rằng trong thực tế, TP.HCM là TP đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình. “Nhưng xa hơn nữa, truyền thống Đảng bộ TP là bản lĩnh. Có bản lĩnh chính trị thì trong tình huống mới, chúng ta bình tĩnh, kiên nhẫn, khắc phục nhanh tình huống mới. Đảng bộ, đảng viên và người dân TP có truyền thống kiên cường, không ngại khó khăn” - ông Nhân nói và đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt chương trình đại hội. |
Một năm rưỡi hoạch định con đường 10 năm Một kỳ vọng khác cũng hứa hẹn sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho TP - đó là việc xây dựng ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm phát triển TP đến năm 2030. Theo ông Nhân, cách đây một năm rưỡi, TP.HCM đã khởi động nghiên cứu các nội dung đột phá để trình đại hội lần này với kỳ vọng đưa TP phát triển nhanh và bền vững hơn nữa. Ba chương trình đột phá gồm: Đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa. Một chương trình trọng điểm là phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM. Bốn chương trình này gồm 51 đề án cụ thể. “Chưa bao giờ chúng ta bước vào đại hội mà chương trình hành động của 5-10 năm tới đã được chuẩn bị cơ bản… Đây chính là tiền đề để mở ra giai đoạn phát triển mới cho TP.HCM” - ông Nhân nói. |
3 giải pháp tăng sức bật cho nền kinh tế TP.HCM Để tăng sức bật cho nền kinh tế TP.HCM có nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng theo tôi, TP nên tập trung vào ba vấn đề sau đây. 1. Trước hết cần chấn chỉnh và thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác, liên kết vùng giữa TP.HCM và các vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên. Nhiều năm qua, liên kết vùng của TP.HCM và khu vực lân cận đã được đặt ra nhưng trên thực tế còn rất lỏng lẻo, chưa tạo được quy mô lớn của sự liên kết. TP.HCM là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP lại đóng vai trò cửa ngõ của sự liên kết kinh tế giữa Đông Nam bộ - Tây Nguyên - Tây Nam bộ. Đây là vùng nguyên liệu nông nghiệp, vùng cây công nghiệp tập trung có quy mô tầm cỡ lớn nhất nước ta. TP.HCM là đầu tàu kinh tế, lại là trung tâm công nghiệp, khoa học và sáng tạo thì việc hợp tác, liên kết để biến thế mạnh về nguyên liệu của các tỉnh xung quanh thành những sản phẩm mang giá trị tiêu dùng và xuất khẩu cao, những sản phẩm độc đáo, đặc thù và tầm cỡ, đủ sức cạnh tranh thắng lợi mang thương hiệu TP.HCM là điều hoàn toàn trong tầm tay và rất nhiều tiềm năng. Lợi thế của TP theo đó sẽ được khai thác bật dậy thông qua sự hợp tác, liên kết vùng này. 2. Vấn đề thứ hai là TP.HCM cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc cải tạo và xây dựng mới hệ thống giao thông hiện hữu trong TP và giao thông kết nối giữa TP với các vùng lân cận. Theo tôi, hệ thống giao thông của TP hiện nay so với trước là một bước tiến khá dài. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển thì sự thiếu hụt là rất lớn, rất khó đáp ứng được yêu cầu kết nối, liên kết và hợp tác với Đông - Tây Nam bộ và Tây Nguyên. Nếu không có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi và chất lượng thì sẽ cản trở sự giao thương hàng hóa và các nhu cầu vận chuyển khác. Tiềm năng lớn, tài nguyên giàu có sẽ phải chịu nằm yên, làm sao thúc đẩy tăng trưởng và tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế TP được. Vì vậy phải tập trung tối đa gỡ nút thắt này. 3. Vấn đề thứ ba là TP cần đảm bảo môi trường pháp lý lành mạnh, bộ máy thi hành pháp luật nghiêm minh. Ai cũng biết rằng một đất nước muốn phát triển, muốn nâng cao uy tín của mình trên trường quốc tế, muốn làm an được lòng dân, được dân tin yêu và ủng hộ thì phải có môi trường xã hội tiến bộ. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt quan trọng là vai trò của môi trường pháp luật phải lành mạnh, trong sạch. Bộ máy thực thi luật pháp phải nghiêm minh, phụng sự nhân dân một cách nghiêm túc. Cũng như thế, muốn cho TP.HCM phát triển nhanh và bền vững, nền kinh tế TP có sức cạnh tranh cao thì phải xây được nền móng tốt. Nền móng đó là con người, bởi con người làm nên tất cả. Cán bộ phải làm cho lòng dân ngày càng tin yêu vào Đảng, vào chính quyền, gắn bó và dốc lòng, dốc sức với TP mà họ đã từng đồng cam cộng khổ qua những thời kỳ gian khó... để xây dựng TP.HCM tiến tới đô thị thông minh, đáng sống trong tương lai. Khi dân TP đã an tâm tin tưởng vào chính quyền, tin tưởng vào bộ máy tư pháp, họ sẽ dốc lòng, dốc sức, dốc trí tuệ, tâm huyết và dốc tài sản cá nhân vào việc đầu tư, xây dựng TP, làm cho TP.HCM bật lên mạnh mẽ như mong đợi. Chính niềm tin của nhân dân là sức mạnh và động lực tạo nên sức sống mạnh mẽ của nền kinh tế TP, làm cho TP.HCM đủ sức vượt lên trong cạnh tranh. Vì vậy, TP.HCM cần tiếp tục quyết liệt trong việc chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, tiêu cực, nhằm đảm bảo một môi trường pháp lý trong sạch, chân chính và nghiêm minh. TS TRƯƠNG THỊ MINH SÂM, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế |