Rất ít loài thực vật sống được trong sa mạc - Ảnh: WIKIMEDIA
Sahara nằm ở phía bắc châu Phi, là sa mạc lớn nhất trên Trái Đất với diện tích hơn 9 triệu km². Hơn 2,5 triệu năm trước, đây từng là vùng đất phủ băng, động thực vật phong phú. Nhưng do sự biến đổi khí hậu, va chạm kiến tạo cùng nhiều tác nhân khác, Sahara trở nên khô cằn và trở thành "vùng đất chết" như ngày nay.
Ngoại trừ vùng thung lũng sông Nile và vùng cao nguyên phía Bắc, gần Địa Trung Hải là có thể trồng rau, trồng cây ôliu, còn phần lớn Sahara gắn liền với hình ảnh cát vàng, nắng gắt, khô hạn và không có sự sống của thực vật.
Tuy nhiên, những hình ảnh vệ tinh chi tiết kết hợp với các thuật toán máy tính trong một nghiên cứu của Đan Mạch và NASA đã cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác về nơi này.
Hóa ra, có tới khoảng 1,8 tỉ cây xanh lớn nhỏ nằm rải rác khắp sa mạc Sahara và Sahel - vùng đất nằm giữa Bắc Phi và sa mạc Sahara ở phía Nam.
Tìm và đếm số cây không phải nhiệm vụ đơn giản
Ở những khu vực có nhiều cây cối, những đám cây mọc dày xuất hiện tương đối rõ ràng trong ảnh vệ tinh, ngay cả khi độ phân giải thấp. Nhưng ở những nơi diện tích lớn và mật độ cây cối thưa thớt thì độ phân giải hình ảnh vệ tinh quá thấp để tìm ra từng cây hoặc từng cụm cây.
Hình ảnh vệ tinh của NASA có độ phân giải cao nhưng đếm từng cây, đặc biệt trên các khu vực rộng lớn của lãnh thổ là một nhiệm vụ gần như bất khả thi.
Phần lớn Sahara gắn liền với hình ảnh cát vàng, nắng gắt, khô hạn và không có sự sống của thực vật - Ảnh: GETTY
Brandt và nhóm của ông đã đưa ra một giải pháp, kết hợp các hình ảnh vệ tinh với một chương trình máy tính để tìm cây.
Các nhà nghiên cứu đã mất tới một năm đầu tiên để ngồi đếm bằng mắt thường và đánh dấu cho gần 90.000 cây. Sau đó, chương trình máy tính được lập trình và công việc trở nên dễ dàng hơn.
"Chương trình máy tính này đã cho phép tính toán thứ mà hàng triệu nhà khoa học đã mất hàng triệu năm làm việc chỉ trong vài giờ. "Các nhà khoa học trước đây chỉ ước lượng số cây, còn chúng tôi đếm từng cây một", nhà nghiên cứu Martin Brandt từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết.
Kết quả khảo sát được công bố trên tạp chí Nature hôm 14-10, sau hơn một năm nghiên cứu phân tích khu vực trải dài 1,3 triệu km2 với hơn 11.000 hình ảnh.
1,8 tỉ cây được tìm thấy và con số này chưa phải là cuối cùng.
Phát hiện này có ý nghĩa gì?
Kết quả khảo sát này đã lật ngược lại nhận định xưa nay rằng sa mạc này là "vùng đất chết", không có thực vật nào sống được.
Nhà nghiên cứu Martin Brandt cho biết, cả nhóm đã rất ngạc nhiên khi phát hiện cây xanh không chỉ vài trăm mà lên tới hàng tỉ cây trong sa mạc. Điều này có nghĩa là sa mạc có những khu vực "chết" không có cây cối nào nhưng cũng sẽ có những nơi mật độ cây cối cao, thậm chí giữa các cồn cát vẫn có những cây cối mọc lên.
Thực tế, với diện tích tới 9 triệu km2 thì không ai có thể đặt chân đến hết từng vùng đất nằm sâu trong sa mạc này để khám phá, nên việc khoa học trước đây chưa phát hiện được nhiều những khu vực có cây xanh ở đây là điều có thể lý giải được.
Cuộc khảo sát cùng phát hiện đặc biệt này cung cấp cho các nhà nghiên cứu khoa học và bảo tồn thiên nhiên một hướng mới để hoạch định lại các nỗ lực chống nạn phá rừng, bảo vệ môi trường, phủ xanh sa mạc và đo lường chính xác hơn các chu trình sinh địa hóa của carbon, nước và các chất dinh dưỡng khác.
"Những dữ liệu như thế này rất quan trọng để thiết lập cơ sở cho việc bảo tồn, phục hồi, chống biến đổi khí hậu. Trong 1-10 năm, nghiên cứu có thể được lặp lại để xem liệu các nỗ lực phục hồi và giảm nạn phá rừng có hiệu quả hay không", chuyên gia lập trình Jesse Meyer (NASA) cho biết trong một thông cáo báo chí của NASA.
Trong tương lai, chương trình máy tính này sẽ sớm áp dụng để lập bản đồ vị trí và kích thước của mọi cây trên toàn thế giới.
TTO - Nghiên cứu được đăng tải trong tập san của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ mới đây tiết lộ một số sinh vật biển lớn nhất và có lẽ là đáng sợ nhất đã từng sống tại khu vực mà hiện nay là sa mạc Sahara.
Xem thêm: mth.16745938051010202-arahas-tehc-tad-gnuv-o-hnax-yac-it-8-1-oc-neih-tahp-ihk-al-yk/nv.ertiout