Doanh nghiệp lớn mạnh để rồi phải... trả giá!
Trương Trọng Hiểu (*)
(TBKTSG) - Sau chuỗi ngày điều tra, “đối chất” căng thẳng, bản báo cáo gần 500 trang được Hạ viện Mỹ công bố tuần rồi chính thức xem Apple, Amazon, Facebook và Google là các “tội đồ” thời kinh tế số để rồi buộc họ phải... tái cấu trúc. Tại châu Á, cùng thời điểm, sau án phạt 26,7 triệu won dành cho nhà mạng nội địa Naver, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc tiếp tục tuyên bố điều tra Google.
Doanh nghiệp lớn... không có tội
Xúc cảm đầu tiên dành cho những thông tin này có thể là nghi vấn: Cuối cùng, các doanh nghiệp nỗ lực lớn mạnh để rồi làm gì?
Thực ra, bản thân việc phát triển doanh nghiệp và những cố gắng tạo dựng doanh nghiệp lớn mạnh không phải là cái tội. Trong số bốn ông lớn công nghệ được điểm mặt, Facebook có lẽ là trường hợp ngoại lệ điển hình của quá trình phát triển... tự thân. Tuy nhiên, như sự tranh biện của Facebook, mua lại (Instagram và Whatapps) là một phần của mọi ngành công nghiệp. Điều đáng nói hơn, để có được một đế chế Facebook như bây giờ, họ cũng đã vượt qua “tường lửa” rà soát sáp nhập của Cơ quan Quản lý cạnh tranh Mỹ và cả các nước khác.
Thực ra, trở về thời điểm pháp luật cạnh tranh và chống độc quyền chính thức xuất hiện ở Mỹ và trên thế giới vào cuối thế kỷ 19, nhiều cuộc tranh biện về chức phận của nó cũng đã kéo dài dai dẳng. Cuối cùng, đa phần đều phải thừa nhận rằng, chủ ý trong kiểm soát độc quyền không phải để bài trừ kẻ mạnh, hay bảo trợ kẻ yếu, mà sâu xa hơn cả là vì lợi ích của người tiêu dùng.
Chủ ý trong kiểm soát độc quyền không phải để bài trừ kẻ mạnh, hay bảo trợ kẻ yếu, mà sâu xa hơn cả là vì lợi ích của người tiêu dùng. |
Hay nói cách khác, lấy lý do là sự lớn mạnh của một doanh nghiệp để buộc họ phải trả giá không bao giờ là thuyết phục. Ngược lại, nếu theo lập luận của Facebook, rằng hành trình phát triển của họ chỉ nhằm để đổi mới công nghệ và qua đó mang lại nhiều giá trị hơn cho mọi người, thì việc bài trừ, chia nhỏ... để làm họ yếu đi có thể vừa đạp đổ những đóng góp nói trên, vừa triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo, phát triển cơ đồ kinh doanh của không ít doanh nghiệp. Điều này lý giải vì sao trong cuốn sách kinh điển The Antitrust Paradox: A Policy at War with Itself(1) xuất bản mấy chục năm trước, Robert H. Bork đã dựa vào những lợi ích kinh tế của các vụ cartel hay sáp nhập... để cho rằng chống độc quyền là... nghịch lý.
Quyền đối với tài sản trí tuệ được... tính sau?
Khi Tổ chức Thương mại thế giới được thành lập, khung pháp lý về thương mại dịch vụ được ghi nhận trên diện rộng, pháp luật về sở hữu trí tuệ được quảng bá rầm rộ và đặt ra yêu cầu tuân thủ mạnh mẽ hơn. Hơn lúc nào hết, sự đối nghịch giữa mục tiêu của pháp luật sở hữu trí tuệ và các chuẩn mực của pháp luật cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, tiếp tục kéo dài một làn sóng tranh luận mới.
Nguyên thủy, pháp luật sở hữu trí tuệ hiện diện nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu đối với sáng tạo. Pháp luật vì thế trao cho chủ sở hữu quyền độc quyền đối với tài sản trí tuệ. Đương nhiên, nếu quyền độc quyền không mang lại giá trị kinh tế, thậm chí là lợi ích kinh tế lớn, thì mục tiêu khuyến khích sáng tạo của luật pháp cũng chẳng còn ý nghĩa.
Nhưng đối với các cơ quan quản lý cạnh tranh, quyền độc quyền và khai thác quyền độc quyền là thứ... khó chấp nhận. Sau những giằng co, pháp luật sở hữu trí tuệ có vẻ như chấp nhận... lùi bước trước sự “lên ngôi” của pháp luật kiểm soát độc quyền hiện thời. Những quy tắc hạn định quyền độc quyền đối với các doanh nghiệp nắm giữ các tài sản sở hữu trí tuệ thậm chí còn được ghi nhận cả trong chính luật sở hữu trí tuệ. Đơn cử như quy định chủ sở hữu phải chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho các chủ thể khác trong một số trường hợp, nghĩa vụ đặt mức phí sử dụng hợp lý và đặc biệt là yêu cầu “thả cửa” các sáng chế cơ bản nhằm phục vụ cho việc sử dụng các sáng chế phụ thuộc khác...
Nhưng dù gì thì cũng không thể phủ nhận thực tế rằng, những năm gần đây, các ông lớn công nghệ các nước liên tục bị cáo buộc là vi phạm pháp luật... chống độc quyền.
Việt Nam và chuyện kiểm soát sự lạm dụng sức mạnh thị trường
Việt Nam cũng không có tiếp cận ngoại lệ, cả trong Luật Sở hữu trí tuệ và đạo luật sinh sau đẻ muộn là Luật Cạnh tranh.
Độc quyền công nghệ để làm gì nếu như sự độc quyền đó không được khai thác, và dễ dàng bị cho là...lạm dụng? Đó là câu hỏi vẫn phải tiếp tục được trả lời một cách thấu đáo. |
Chỉ có điều, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế nhỏ, và vì vậy chưa có nhiều doanh nghiệp lớn. Việc kiểm soát quá mức quá trình lớn mạnh doanh nghiệp có thể xung đột với các chính sách khác, chẳng hạn như chính sách công nghiệp, nơi mà mục tiêu tạo dựng các doanh nghiệp đầu tàu cho nền kinh tế luôn được đặt ra.
Tuy nhiên, không quá ngạc nhiên về những lý giải cho sự hiện diện của các nguyên tắc kiểm soát độc quyền ngay trong phiên bản Luật Cạnh tranh đầu tiên ban hành vào năm 2004. Cụ thể, pháp luật không cản trở sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, thậm chí không “cấm” độc quyền mà chỉ “kiểm soát” doanh nghiệp độc quyền khi các doanh nghiệp này có những hành động trái quấy, phản cạnh tranh. Đương nhiên, quy định này có giá trị thực thi đối với cả các doanh nghiệp độc quyền nhà nước và dân doanh, cho dù trên thực tế có vẻ như Việt Nam chỉ toàn doanh nghiệp... độc quyền nhà nước.
Có thể trở lại câu chuyện của Google ở Hàn Quốc để có hình dung rõ hơn về tiếp cận này. Lý do để Ủy ban Thương mại nước này tiến hành điều tra không phải chỉ vì Google... khổng lồ mà vì mới đây Google đã lạm dụng vị thế đó để đưa ra quyết định thu phí bán app (30%) trên kho ứng dụng của hãng này (Google Play và CH Play). Thậm chí, để nắm đằng cán, Google còn buộc các ứng dụng phải sử dụng hệ thống thanh toán của hãng.
Lạm dụng quyền lực thị trường vì vậy cũng là điểm nhấn tương tự trong nội dung tuyên chiến của Hạ viện Mỹ đối với “Big Four” công nghệ được nêu tên.
Cho dù thế nào thì lập luận này cũng khó có thể thuyết phục hoàn toàn các ý kiến muốn bảo lưu quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ cũng như thiển ý tạo dựng động lực kinh doanh cho doanh nghiệp. Thậm chí, ngay ở thời điểm hiện tại, không hiếm để tìm thấy các giáo trình kinh doanh mà ở đó các kinh tế gia luôn cổ vũ cho xu hướng “hủy diệt sáng tạo” nhằm tạo thế độc quyền cho doanh nghiệp.
Nhưng rồi, độc quyền công nghệ để làm gì nếu như sự độc quyền đó không được khai thác, và dễ dàng bị cho là... lạm dụng?
Đó là câu hỏi vẫn phải tiếp tục được trả lời một cách thấu đáo. Lựa chọn mục tiêu nào để theo đuổi cũng chính là một cách trả lời của một quốc gia, và một hệ thống pháp luật, cho câu chuyện này.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM).
(1) Robert H. Bork, The Antitrust Paradox: A Policy at War with Itself, Basic Book, 1978 (đã tái bản nhiều lần).
Xem thêm: lmth.aig-art-iahp-ior-ed-hnam-nol-peihgn-hnaod/414903/nv.semitnogiaseht.www