Thưa ông, nhìn lại quá trình 25 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đâu là thành tựu lớn nhất về ngoại giao và kinh tế?
Năm nay chúng ta kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, nhìn lại có thể thấy rằng khi hai nước bước vào thiết lập quan hệ ngoại giao, rõ ràng khi ấy là một thời điểm rất khó khăn.
Câu chuyện của hai nước vốn là cựu thù, trải qua đau thương của chiến tranh, sau chiến tranh lại đến 20 năm của thù địch và cấm vận. Trong lòng mỗi một quốc gia đều có những nỗi đau của chiến tranh và chế độ chính trị xã hội khác nhau.
Quyết sách của 25 năm từ khi lập quan hệ ngoại giao đến nay mà chúng ta nhìn thấy, có lẽ là câu chuyện mà hai nước đã vượt qua được khúc mắc của thời kỳ chiến tranh, khép lại chương đau thương để hợp tác và xây dựng quan hệ ngoại giao, tiến đến quan hệ đối tác toàn diện.
Trước tiên, câu chuyện kinh tế từ năm 1995 đến nay là trụ cột của quan hệ hai nước, tạo ra những quan hệ đan xen về mặt lợi ích và hai bên cùng có lợi. Từ ban đầu năm 1994-1995 khi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao, khi đó thương mại hai chiều chỉ chưa đầy nửa tỷ (450 triệu USD) mà đến hôm nay, có rất nhiều con số khác nhau là trên 70 tỷ hoặc đến 75 hoặc 77 tỷ USD.
Vậy chúng ta có thể thấy rằng thương mại đã tăng trưởng đến 150-160 lần so với trước, rất lớn! Việt Nam là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ về mặt kinh tế thương mại, Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại rất lớn, rất quan trọng của Việt Nam.
Thứ hai, thành công về thương mại giữa hai nước không phải ngẫu nhiên mà có. Việt Nam trong 25 năm qua đã có những bước đột phá và đổi mới. Đột phá và đổi mới của Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế tạo ra năng lực của Việt Nam có thể hội nhập với thế giới và có những sản phẩm đủ cạnh tranh ra bên ngoài. Điều này tạo ra sự đan xen và bổ trợ cho nhau trong hợp tác kinh tế và thương mại.
Thứ ba, rõ ràng trong thời gian vừa rồi, 25 năm qua, hầu hết các doanh nghiệp lớn của Mỹ đều có mặt ở Việt Nam. Việt Nam đã tham gia vào những chuỗi cung ứng cả về chiều rộng và chiều sâu. Chính điều này sẽ tạo đà phát triển và đổi mới cho Việt Nam lẫn thúc đẩy quan hệ kinh tế và quan hệ nhiều mặt giữa hai nước.
Còn về mặt đối ngoại, điều quan trọng nhất của câu chuyện chính trị đối ngoại giữa hai nước là tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin với nhau. Quan hệ này có thúc đẩy được hay không phải dựa trên sự tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi.
Do hai nước có những đặc điểm khác biệt về chính trị xã hội, nguyên tắc tôn trọng chế độ chính trị của nhau đã được nói đến trong rất nhiều tuyên bố, đặc biệt trong dịp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Hoa Kỳ vào năm 2015.
Hai nước có lẽ không chỉ có những hợp tác song phương với nhau mà còn có rất nhiều và càng ngày càng mở rộng hợp tác về các vấn đề khu vực, về các vấn đề quốc tế. Hợp tác về câu chuyện liên quan đến ASEAN, khu vực Đông Nam Á rồi châu Á – Thái Bình Dương hay là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng sâu rộng hơn.
Câu chuyện hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực này được Việt Nam phối hợp với rất nhiều đối tác trong đó có cả đối tác Hoa Kỳ. Ta có thể thấy với rất nhiều vấn đề toàn cầu, ứng phó với khủng bố, bảo đảm hòa bình, môi trường phát triển, câu chuyện tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, quan trọng hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương này là làm sao thúc đẩy vai trò và khuôn khổ hợp tác các vấn đề của ASEAN và ASEAN với các đối tác để đảm bảo cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.
Câu chuyện Biển Đông cũng nằm trong tổng thể này. Làm sao đảm bảo được không chỉ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải mà còn phải kiểm soát được câu chuyện không làm phức tạp thêm tình hình và nhất là phải đảm bảo được tôn trọng luật pháp quốc tế và công ước luật biển. Đây là câu chuyện mà ASEAN chia sẻ với các nước. Trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác và Hoa Kỳ trong trường hợp này là đều ủng hộ những nguyên tắc trên.
Câu chuyện Mê Kông cũng vậy, hợp tác trong Mê Kông là làm sao để đảm bảo ổn định, hợp tác và phát triển, xóa đói giảm nghèo nhưng phải phát triển bền vững, trong đó đặc biệt là đảm bảo tính bền vững của môi trường và an ninh nguồn nước. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng có vô cùng nhiều cơ chế về mặt đối thoại, có đối thoại về an ninh, có đối thoại về ngoại giao hay lao động và nhân quyền.
Câu chuyện đối thoại này không chỉ mang khuôn khổ song phương mà còn gắn với hợp tác của hai nước ở các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Nhìn lại quá trình 25 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ta có thể thấy mấy điểm như thế này:
Có lẽ là một sự phát triển vượt bậc của hai nước vốn là cựu thù, đã trở thành đối tác và đối tác toàn diện. Trong câu chuyện đó, niềm tin chính trị, hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau đặc biệt tôn trọng thể chế chính trị của nhau, tạo nền tảng cho quan hệ hai nước khép lại quá khứ và hướng tới tương lai.
Kinh tế luôn là điểm sáng cho quan hệ, tạo ra lợi ích đan xen và rõ ràng có những bước phát triển vượt bậc, mà sự vượt bậc này có cả sự lớn mạnh và đổi mới của Việt Nam. Từ chưa đầy nửa tỷ USD vào năm 1995 mà đến giờ 75-77 tỷ USD là câu chuyện rất lớn. Việt Nam làm được như vậy không chỉ từ đổi mới trong nước mà còn có đủ năng lực hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng thị trường khu vực và toàn cầu.
Với chính trị và ngoại giao, hai nước có cả phối hợp về mặt song phương và khu vực và quốc tế.
Theo ông, để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ thì cần phải tập trung vào những ưu tiên nào hiện nay và trong tương lai?
Quan hệ hai nước đã rất phát triển trong thời gian vừa qua. Nhìn lại khoảng thời gian 5 năm gần đây có một số yếu tố nền tảng đã được xây dựng.
Thứ nhất, vào năm 2013, chúng ta có quan hệ đối tác toàn diện. Quan hệ đối tác toàn diện đó tạo ra khung toàn diện và những nguyên tắc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước, những trụ cột từ kinh tế, chính trị, ngoại giao cho đến thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng cho đến hợp tác y tế, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân và cả hợp tác song phương cũng như hợp tác khu vực và quốc tế.
Tháng 7/2015 có chuyến thăm của Tổng Bí thư, chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên người đứng đầu thể chế chính trị của Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm và hội đàm với người đứng đầu của hệ thống chính trị Hoa Kỳ lúc đó là Tổng thống Obama và ra được Tuyên bố Tầm nhìn.
Tuyên bố Tầm nhìn này một mặt khẳng định đối tác toàn diện, nhưng đồng thời tạo ra khuôn khổ hợp tác ổn định và lâu dài hơn cho tương lai hai nước và nhấn rất mạnh, không chỉ tăng cường quan hệ hai nước mà tôn trọng nguyên tắc quan hệ trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Nhìn lại, cả bốn đời Tổng thống Hoa Kỳ gần đây đều qua thăm Việt Nam. Từ 1995 là Tổng thống Bill Clinton, sau đó đến Tổng thống George W Bush cho đến Tổng thống Barack Obama hay Tổng thống Donald Trump. Thăm vào năm 2016 là Tổng thống Obama, thăm vào năm 2017 là Tổng thống Trump và đầu 2019 dự cấp cao Mỹ - Triều cũng là Tổng thống Trump. Vậy cần phải làm gì để thúc đẩy mối quan hệ?
Chắc chắn là phải làm cho được, thực hiện cho tốt quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, có mấy trụ cột sau cần phải tính: Tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin trong đó có nguyên tắc về tôn trọng thể chế chính trị của nhau, đây là xương sống thúc đẩy quan hệ giữa hai nước đặc biệt hai nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau. Thứ hai, cần phải tăng cường thêm hợp tác về kinh tế.
Đầu năm 2014 khi tôi sang đó, kim ngạch thương mại giữa hai nước khoảng 36 tỷ USD, khi đó tôi đã suy nghĩ không biết mình sẽ làm gì để tăng được kim ngạch thương mại và nếu tính đến 2015 thì kim ngạch thương mại đã tăng 70 lần, vậy mình sang mình có thể làm được gì?
Nhưng đến lúc mình kết thúc nhiệm kỳ vào giữa năm 2018, tức là chỉ 3 năm rưỡi thôi mà kim ngạch đã tăng lên gần 60 tỷ USD. Rõ ràng tiềm năng để khai thác được mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước còn rất nhiều, quan hệ kinh tế thương mại hai nước cần phải được thúc đẩy hơn nữa. Quan hệ trên tất cả các lĩnh vực khác, an ninh, quốc phòng, kinh tế, giáo dục cũng cần được đẩy mạnh.
Giáo dục là lĩnh vực rất đáng được quan tâm, hiện nay Việt Nam có đến hơn 30.000 sinh viên đang theo học tại Hoa Kỳ, ngược lại Hoa Kỳ có đại học Fulbright tại Việt Nam.
Hay chuyện giao lưu nhân dân, ví như du lịch và cả những người đi thăm viếng lẫn nhau ở đây, mỗi năm Hoa Kỳ cũng có khoảng gần 1 triệu người sang Việt Nam (trừ năm nay có đại dịch Covid-19).
Giáo dục không chỉ mang lại kiến thức nói chung mà còn cả kiến thức khoa học công nghệ và kỹ năng quản lý mà mình có thể áp dụng được cho đổi mới tại Việt Nam. Hợp tác giáo dục cũng mang đến thêm gắn kết giữa thế hệ trẻ hai nước. Hai nước đã có sự hợp tác tốt trong vấn đề quốc tế và khu vực thì càng cần phải hợp tác về giáo dục.
Những hiểu biết và lòng tin chính trị, đặc biệt nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau cần được thúc đẩy hơn nữa, điều này đã được đặt ra trong nhiều thông báo chung và thỏa thuận chung của cả hai nước.
Thứ hai, chín trụ cột của đối tác toàn diện cần phải được tăng cường hơn nữa, đặc biệt kinh tế, an ninh quốc phòng và giao lưu nhân dân. Và cuối cùng, hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Trong bối cảnh hiện tại, với đại dịch Covid-19, với căng thẳng địa chính trị khu vực thì đâu là những thách thức cũng như thuận lợi để hai nước có thể thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hiện nay?
Có lẽ cũng nên nhìn thế này, quan hệ giữa hai nước đã có nền tảng và quá nhiều điểm thuận lợi để thúc đẩy như chúng ta mới chia sẻ, nhưng giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ hay Việt Nam và các nước khác cũng luôn có điểm khác biệt, vậy trước hết, xử lý khác biệt trong lòng quan hệ song phương giữa hai nước thế nào?
Việt Nam và Hoa Kỳ tất nhiên luôn có sự khác biệt, và mỗi một đời Tổng thống khác nhau, mỗi một thời khác nhau, yêu cầu phát triển của mỗi nước cũng đặt ra những khó khăn, chúng ta có cơ chế để xử lý những khác biệt đó. Có những khác biệt do ưu tiên của từng thời điểm, nhưng cũng có những khác biệt do sự khác nhau về chế độ chính trị xã hội.
Trong câu chuyện kinh tế thương mại, thời điểm này có câu chuyện thâm hụt thương mại xử lý thế nào? Rõ ràng khi Tổng thống Trump lên đặt ra yêu cầu này rất lớn, trong quan hệ song phương chúng ta chia sẻ ưu tiên của hai bên ở mỗi thời điểm, quan trọng nhất là hai bên ngồi lại với nhau tìm giải pháp phù hợp.
Thứ hai, chúng ta khởi động cái được gọi là Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để bàn về những ưu tiên mới của nhau trong đó có quan tâm của Mỹ về vấn đế kinh tế thương mại, trong đó có thâm hụt thương mại.
Thứ ba, chúng ta cũng rất ưu tiên cho việc mua hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao của Mỹ, nhưng phía Hoa Kỳ cũng phải hiểu Việt Nam không thể có tiền mua đủ mọi thứ, cho nên là giá cạnh tranh, cách xử lý và dòng tín dụng như thế nào…
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam thực hiện chế độ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và làm bạn với các nước, đó vẫn là nguyên tắc quan trọng nhất. Và chính trong đó, lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế sẽ xuyên suốt theo cách mà chúng ta ứng xử với biến đối của cục diện quốc tế và cạnh tranh nước lớn như thế nào.
Chúng ta có quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, chúng ta có quan hệ tầm chiến lược với Trung Quốc và đây là hai đối tác đều rất lớn, rất quan trọng của Việt Nam. Trong bức tranh chung của chính sách đối ngoại Việt Nam, làm bạn, đa dạng hóa quan hệ với tất cả các nước thì nhóm các nước láng giềng và các nước lớn là ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai đối tác mà Việt Nam muốn có quan hệ với cả hai.
Khi các nước lớn cạnh tranh nhau, đừng buộc mình vào cái bẫy phải chọn bên, đừng để bắt mình phải đi bên này hay bên kia và Việt Nam luôn có sự độc lập tự chủ của mình.
Trong ứng xử quan hệ với các nước lớn, mình không đi với nước này để phản đối bên kia, nhưng điều đó cũng không có nghĩa mình thờ ơ không có tiếng nói đối với những gì tốt cho Việt Nam, tốt cho khu vực hay tốt cho thế giới và những gì không tốt. Vậy nên không vì những né tránh trong cạnh tranh nước lớn mà không nói cái đúng cái sai, cái đúng cái sai ở đây trước hết căn cứ trên lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.
Ví dụ như trong đại dịch Covid-19 lần này, với các đề nghị cùng hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng như thế nào khi mà thế giới và khu vực cùng phong tỏa, hợp tác chống dịch ra sao, Việt Nam cần phải ủng hộ mạnh mẽ và cần có quan điểm của mình.
Cuối cùng, chúng ta mong muốn khu vực này, thế giới nói chung và các nước lớn đóng góp xây dựng khu vực hòa bình ổn định nhưng dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trong lợi ích của tất cả các nước lớn nhỏ trong khu vực. Cách mình ứng xử như vừa rồi, làm bạn với tất cả các nước, đa dạng hóa, làm đối tác tin cậy hoàn toàn hợp lý.
Khi nước lớn cạnh tranh với nhau sẽ tạo ra nhiều thách thức rất lớn, hơn bao giờ hết, chúng ta cần liên tục đổi mới, nâng cao hiệu quả năng lực của nền kinh tế để đứng vững, chống chọi được với các thách thức mới.
Chúng ta làm bạn với cả hai nước, nhưng cũng phải đa dạng hóa được nguồn cung và thị trường trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, đừng vì bất kỳ tranh chấp nào, đừng vì bất kỳ trục trặc nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà quá phụ thuộc vào nơi này hay nơi kia khiến mình cũng bị tác động theo.
Nói riêng về câu chuyện xuất xứ hàng hóa, chúng ta muốn quan hệ tốt với cả hai nước lớn nói trên, nhưng nếu hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ có hàm lượng nhiều hay ít xuất xứ từ Trung Quốc thì sẽ quyết định mức thuế mà Mỹ đánh vào.
Chính vì vậy phải cân nhắc rất kỹ bởi không phải hàng hóa nguyên liệu nào mình cũng làm được hết. Còn nếu tự chủ được nguồn cung để hưởng thuế thấp hơn khi vào Mỹ, đó cũng là điều cần tính toán. Sự lựa chọn sản phẩm khi nào thị trường nào đó không nên nghĩ là đứng về bên này bên kia. Việt Nam cũng cần minh bạch và không được gian lận xuất xứ hàng hóa.
Không chỉ đa dạng hóa nguồn cung, không chỉ đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà chúng ta cần từng bước hội nhập sâu hơn để đưa Việt Nam vào vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam chỉ có thể làm được điều này khi năng lực nền kinh tế hiệu quả hơn, cao hơn và hội nhập ở chuỗi cung ứng cao hơn. Việc Việt Nam tham gia CPTPP hay EVFTA và nếu chúng ta thúc đẩy thêm nữa, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Xem thêm: mth.40914510151010202-aun-noh-yad-cuht-coud-nac-et-hnik-eh-nauq-yk-aoh-man-teiv/nv.ymonocenv