Trong bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam vẫn xuất siêu tới 17 tỉ USD; đồng loạt khởi công 3 dự án lớn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giải ngân đầu tư công đạt tỉ lệ cao nhất so với các năm từ 2016 tới nay… Đây là những “điểm sáng” để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.
Đón sóng chuyển dịch dự án chất lượng cao
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS Vũ Tiến Lộc - cho biết: “Theo Đại sứ Nhật Bản, dù còn một số vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính nhưng các DN Nhật vẫn đặt niềm tin vào các cơ hội đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Tháng trước, trong số 30 DN Nhật Bản đã xin hỗ trợ của Chính phủ để chuyển dịch các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc sang một nước thứ 3 thì có tới 15 DN (50%) đã chọn Việt Nam”.
TS Vũ Tiến Lộc cũng thông tin, hiện Samsung đang đẩy nhanh tốc độ triển khai xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất của Đông Nam Á tại Việt Nam. Ngoài ra, hiện doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đang quan tâm tới các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, năng lượng xanh, kinh tế số tại Việt Nam... Một làn sóng đầu tư quốc tế chất lượng cao vào Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ khởi động.
Thông tin các nhà đầu tư là tập đoàn lớn trên thế giới có mong muốn chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn đang diễn ra, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, trong đó có nhiều lý do được các nhà đầu tư quan tâm như sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện thuận lợi liên quan đến đất đai, môi trường đầu tư kinh doanh, nhân lực…
Hơn nữa, Việt Nam là nước ASEAN thứ 2 sau Singapore và là nước đang phát triển đầu tiên ở Châu Á ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Châu Âu (EU), mở thêm các cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam và Pháp tiếp cận thị trường của nhau. Theo đó, việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài và Việt Nam sẽ được thực hiện một cách chủ động, có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu…
“Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn tới sẽ ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Nỗ lực “dọn đường” đón sóng đầu tư FDI
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng (Bộ KHĐT), để chuẩn bị đón dòng vốn đầu tư FDI dịch chuyển, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi Luật DN, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh. Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn…
Đặc biệt, để tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh quy trình tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh là Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng là Tổ phó thường trực để tập trung tháo gỡ những nút thắt về đầu tư, thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao…
Từ đầu năm đến nay, Bộ KHĐT đã tổ chức một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác của khu vực Châu Á và EU như: Nhật Bản, Singapore, Pháp…
Qua các cuộc xúc tiến đầu tư này, thông tin cho thấy, có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt họ đều bày tỏ sự quan tâm tới các định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.
* Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI trong 9 tháng năm 2021 đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng cao nhất với 222,92 tỉ USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 59,6 tỉ USD (chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với 27,6 tỉ USD (chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư).
Trong tháng 9 năm 2020, có thêm dự án mới từ nhà đầu tư Colombia, nâng tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam lên 138. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 70,14 tỉ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với gần 59,9 tỉ USD (chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông.
* Dự án đầu tư FDI lớn tại Việt Nam
- Riêng trong tháng 9.2020:
Dự án Trang trại điện gió BT1 (Philippines), tổng vốn đầu tư 156,8 triệu USD tại Quảng Bình.
Dự án Trang trại điện gió BT2 (Philippines), tổng vốn đầu tư 138,2 triệu USD tại Quảng Bình.
Dự án Nhà máy sản xuất sợi Brotex Việt Nam (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 50 triệu USD.
- Trong 9 tháng đầu năm 2020:
Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỉ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG (cấp GCNĐKĐT ngày 16.1.2020).
Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỉ (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 18.4.2020).
Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh (cấp GCNĐKĐT ngày 21.1.2020).
Dự án Victory - Nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Đồng Văn, Hà Nam (Đài Loan), tổng vốn đầu tư 273 triệu USD với mục tiêu sản xuất, lắp ráp các thiết bị máy tính điện tử và ngoại vi máy tính; sản xuất các thiết bị âm thanh và hình ảnh điện tử dân dụng (cấp GCNĐKĐT ngày 1.4.2020).
Dự án Công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai (Singapore), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 246 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 31.3.2020).
Xem thêm: odl.911548-oac-gnoul-tahc-ut-uad-gnos-nod-gnov-yk-man-teiv/et-hnik/nv.gnodoal