Ngày 15-10, thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết một bệnh nhi nam (15 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) bị tử vong do mắc căn bệnh lao ruột. Đây là một trường hợp hiếm gặp, tử vong do biến chứng của vi khuẩn lao.
Trước đó, vào ngày 11-10, bệnh nhi được gia đình đưa nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, đi không nổi. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành siêu âm bụng và thấy bệnh nhi bị tắc ruột, thủng ruột nên chỉ định mổ cấp cứu cắt đoạn ruột bị thủng, hoại tử. Kết quả X-quang phổi cũng cho thấy bệnh nhi bị viêm phổi và làm xét nghiệm cho thấy có sự hiện diện của vi khuẩn lao, chẩn đoán tổn thương lao đa cơ quan như lao phúc mạc, lao ruột, lao phổi. Bệnh nhi có tình trạng nhiễm trùng huyết nên được điều trị với thuốc chống nhiễm trùng, tuy nhiên diễn biến bệnh càng nặng, bệnh nhi đã tử vong vào ngày 14-10.
Theo lời người nhà, một tháng trước khi nhập viện, bệnh nhi thỉnh thoảng đau bụng, sụt cân khoảng 5kg kèm theo sốt nhẹ, tuy nhiên kinh tế gia đình khó khăn (người mẹ ở phụ bưng quán bún, ngoài giờ học, bệnh nhi thường phụ giúp mẹ) nên em chưa được đưa đi khám bệnh.
Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi. Ảnh: HL
BS Dư Tuấn Quy, Phó Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, vi khuẩn lao gây lao ruột thường ít gặp mà chủ yếu gây tổn thương phổi như lao phổi. Khi mắc lao ruột, vi khuẩn lao xâm nhập đường hô hấp vào ruột khu trú làm sinh sôi tổn thương ruột.
Dấu hiệu khi mắc lao ruột thường là sốt nhẹ về chiều, đau bụng, sụt cân, biếng ăn, ở giai đoạn sớm, bệnh nhi có thể có dấu hiệu ho, chán ăn. Bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi do có phác đồ điều trị kháng lao nếu phát hiện sớm.
Theo BS Quy, số người mắc bệnh lao hiện nay đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn xuất hiện ở đa số người nghèo, điều kiện kinh tế kém, sống trong môi trường chật chội, chưa được chích ngừa lao hoặc chích ngừa không có hiệu quả. Trường hợp của bệnh nhi tử vong, người nhà không nhớ rõ lịch sử chích ngừa và dấu vết chích ngừa lao khó xác định được.