Theo hãng tin Bloomberg, đại dịch Covid-19 sẽ làm gia tăng số hộ nghèo tại Đông Nam Á, một bước lùi sau nhiều năm bùng nổ kinh tế. Việc tỷ lệ thất nghiệp đi lên sẽ kìm hãm đà phát triển của khu vực cũng như khiến các nền kinh tế mất nhiều năm mới có thể phục hồi lại.
Một cuộc khảo sát của Ngân hàng thế giới (World Bank) tại quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất tại Đông Nam Á vì dịch Covid-19 là Philippines cho thấy gần 50% số doanh nghiệp tại đây đã phải đóng cửa và không biết bao giờ có thể mở lại.
Số người nghèo mới tại Nam Á nhiều thứ 2 thế giới do dịch Covid-19 (triệu người)
Lệnh cách ly toàn quốc của Philippines đã khiến ngay cả những tầng lớp trung lưu sống tại thủ đô Manila như cô Jenn Pinon phải rơi vào cảnh khốn khó. Làm việc trong ngành thiết kế và bị mất việc do dịch, cô Pinon giờ đây phải đi bán hàng online và sống nhờ tại nhà một người bạn để tiết kiệm chi phí.
"Tôi không hề nghĩ rằng mọi chuyện lại tệ đến mức này", cô Pinon ngậm ngùi nói.
Trong khi người lao động trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19 thì khu vực mới nổi tại Đông Nam Á chịu thiệt hại nặng nhất. Việc mất thu nhập kèm thêm chính sách bảo hiểm xã hội yếu khiến hàng triệu người phải rơi xuống cảnh đói nghèo.
Nghiên cứu của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho thấy khu vực Đông Nam Á nhiều khả năng đứng thứ 2 sau Ấn Độ trong bảng xếp hạng những khu vực có nhiều người nghèo mới nhất tại Châu Á trong năm nay.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Priyanka Kishore của Oxford Economics nhận định sự thiếu hụt nhu cầu, làn sóng phá sản hàng loạt và lệnh giãn cách kéo dài đang ảnh hưởng xấu đến thị trường lao động Đông Nam Á.
"Chúng tôi dự đoán GDP Đông Nam Á năm 2022 sẽ thấp hơn 2% so với thời trước dịch Covid-19", Chuyên gia Kishore nhấn mạnh.
Năm 2019, hãng Bain & Co dự đoán thị trường Đông Nam Á sẽ tạo thêm ít nhất 50 triệu người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2022. Chính tiềm năng trị giá 300 tỷ USD tiêu dùng khả dụng này đã khiến những hãng như Toyota hay Ikea đầu tư mở rộng nhà máy và chi nhánh tại đây.
Tỷ lệ đói nghèo (có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày) lần đầu tiên tăng trở lại sau hơn 20 năm
Thế nhưng hiện giờ, sự suy giảm thu nhập đang kìm hãm đà tăng trưởng do tiêu dùng chiếm đến 60% GDP của nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực.
Báo cáo của Viện nghiên cứu phát triển kinh tế quốc tế (WIDER) cho thấy 347,4 triệu người tại Châu Á Thái Bình Dương có thể rơi xuống chuẩn nghèo, tương đương mức thu nhập chỉ 5,5 USD/ngày, do đại dịch Covid-19.
Tương tự, World Bank cũng cảnh báo tỷ lệ đói nghèo trên toàn cầu có khả năng tăng trở lại lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua vì đại dịch.
Dấu hiệu của đói nghèo
Số liệu kinh tế quý II của nhiều quốc gia tại Đông Nam Á cho thấy dấu hiệu của một đợt gia tăng số hộ nghèo mới vì đại dịch. Kinh tế Indonesia giảm 5,3% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm trước, Malaysia là giảm 17,1%, Philippines giảm 16,5%, Singapore giảm 13,3% còn Thái Lan giảm 12,2%.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong rất ít nền kinh tế của khu vực có sự hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và trở thành điểm sáng của châu Á.
Dẫu vậy, ngân hàng HSBC cảnh báo đà suy giảm của khu vực vẫn sẽ còn kéo dài đến đầu năm 2021 do mảng sản xuất và du lịch chịu thiệt hại nặng.
Nguy hiểm hơn, các chuyên gia lo lắng đợt gia tăng đói nghèo vì dịch lần này sẽ để lại hậu quả nặng hơn so với cuộc khủng hoảng 2008 hay sóng thần 2004 trước đây. Lần này, hầu như mọi nền kinh tế đầu chịu ảnh hưởng và tác động của nó là lâu dài đến mọi thành phần kinh tế, khiến khả năng Đông Nam Á hồi phục chậm hơn. Theo ADB, nền kinh tế khu vực này có thể mất 2-3 năm mới vực dậy trở lại được.
Phần lớn các nền kinh tế Đông Nam Á, ngoại trừ những nước như Việt Nam, đều thiệt hại vì Covid-19
Đồng quan điểm, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) ước tính 48 triệu việc làm toàn thời gian đã biến mất tại Đông Nam Á trong quý II, qua đó đẩy hàng triệu người vào cảnh khó khăn.
"Chúng tôi chỉ ăn dè chừng để no bụng", Cô Farah, một giáo viên 28 tuổi đang phải tìm việc nhiều tháng nay tại thủ đô Kuala Lumpur-Malaysia ngậm ngùi nói.
Hiện cô Farah và chồng đang gần như sắp trở thành người vô gia cư do không còn đủ thu nhập trả tiền thuê nhà. Họ phải tiền người thân để thanh toán tạm.
Mặc dù chính phủ các nước Đông Nam Á đã chi hàng tỷ USD hỗ trợ cho người dân trong mùa dịch nhưng hệ thống an sinh xã hội yếu kém vẫn khiến nhiều người lao động gặp khó khăn. Theo ILO, chính phủ các nước Đông Nam Á chỉ chi bình quân 2,7% GDP cho các chương trình hỗ trợ, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 10,8% GDP trên toàn cầu.
Do đó, những lao động bán thời gian, chiếm khoảng 76% tổng lực lượng lao động tại Đông Nam Á thường sẽ là đối tượng dễ bị sụp đổ nhất sau đại dịch.
AB
Theo Tổ Quốc/Tổng hợp