Tại thành phố San Bernardino, bang California, Mỹ trẻ em bị ngược đãi hoặc xâm hại sẽ nhận được sự quan tâm và chăm sóc từ bác sĩ, chuyên gia pháp y, và nhân viên chấp pháp. Bởi đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất của xã hội. Các em sẽ được tiếp cận với mọi dịch vụ, cơ sở vật chất với thiết kế lấy trẻ em làm trung tâm như phòng chơi đùa, phòng kiểm tra thân thể, phòng phỏng vấn pháp y, sân vườn...
Cơ sở phỏng vấn trẻ em ở thành phố San Bernardino là một trong số 900 cơ sở chuyên biệt tại Mỹ được xây dựng theo mô hình Trung tâm Vì quyền lợi trẻ em (gọi tắt là trung tâm CAC), thuộc mạng lưới Liên minh Trẻ em Quốc gia.
Khi chưa có mô hình CAC, việc điều tra nghi án ngược đãi hoặc xâm hại trẻ em gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do công tác lấy lời khai của trẻ bị chồng chéo và lặp lại bởi nhiều cơ quan khác nhau như bác sĩ, nhân viên công tác xã hội, điều tra viên, công tố viên, thẩm phán... Việc nhiều lần kể lại chuyện bị ngược đãi thường khiến nạn nhân nhỏ tuổi càng thêm sang chấn tâm lý và có thể ảnh hưởng tới chất lượng lời khai.
Để giải quyết vấn đề này, mô hình trung tâm CAC được khởi xướng từ năm 1985 nhằm tích hợp nhiều hoạt động vào một địa điểm duy nhất, bao gồm lấy lời khai, thăm khám, trị liệu tâm lý cho trẻ em, thu thập chứng cứ, lưu trữ hồ sơ vụ án, và các dịch vụ khác,...
Theo mô hình trên, khi cảnh sát hoặc cơ quan bảo trợ cho rằng có việc ngược đãi hoặc xâm hại, đứa trẻ sẽ được bố mẹ hoặc người chăm sóc "trung lập" đưa tới cơ sở chuyên biệt với thiết kế lấy trẻ em làm trung tâm. Tại đây, đứa trẻ sẽ chỉ phải kể lại câu chuyện một lần duy nhất với chuyên viên đã được đào tạo về cách phỏng vấn sao cho không gợi lại vết thương tâm lý.
Dựa trên nội dung buổi phỏng vấn, đội ngũ đa ngành gồm nhân viên y tế, lực lượng chấp pháp, nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần, công tố viên... sẽ cùng ra quyết định. Như vậy, chỉ cần tới một đầu mối, trẻ em nghi bị xâm hại hoặc ngược đãi sẽ được tiếp cận với mọi dịch vụ cần thiết.
Theo hướng dẫn của Liên minh Trẻ em Quốc gia, một trung tâm CAC thường được chia thành các khu như sảnh chờ, phòng kiểm tra thân thể, phòng phỏng vấn, phòng giám sát quá trình phỏng vấn, kho lưu trữ hồ sơ,... Trong đó, sảnh chờ thường được trang trí với màu sắc tươi sáng, có đồ chơi và sách báo. Để đảm bảo an toàn, một số trung tâm CAC có thiết kế sao cho phòng chờ có thể được quan sát từ bàn lễ tân. Một số trung tâm khác sẽ bố trí nhân viên trông coi.
Phòng phỏng vấn phải thỏa mãn tiêu chí trung tính, thân thiện với trẻ em để tránh tạo căng thẳng hoặc tác động tiêu cực làm sai lệch lời khai của các em. Ví dụ, dù phòng chờ và lối đi trong trung tâm CAC tại hạt Blair, bang Pennsylvania được trang trí bằng bích họa nhiều màu, tường phòng phỏng vấn được để trống, không có nhân vật hoạt hình hoặc những thứ có thể len lỏi vào óc tưởng tượng của đứa trẻ và trở thành một phần trong câu chuyện của các em.
Trong phòng phỏng vấn cần hạn chế để nhiều đồ đạc nhằm không gây mất tập trung cho trẻ. Ngoài ra, phòng phỏng vấn sẽ được cách âm, được trang bị gương một chiều và thiết bị thu âm, ghi hình để nhân viên bên phòng giám sát có thể dõi theo buổi phỏng vấn. Nếu có thể, trong phòng phỏng vấn sẽ đặt bàn ghế trong suốt để chuyên viên có thể quan sát ngôn ngữ cơ thể của trẻ. Sau khi phỏng vấn, nếu cần thu thập chứng cứ trong vụ xâm hại hoặc ngược đãi, chuyên viên có thể đưa trẻ ngay sang phòng khám thân thể.
Để đảm bảo riêng tư khi các bên trao đổi, phòng họp của trung tâm CAC sẽ được xây dựng tách biệt và cách âm. Một số nơi khác thậm chí bật đài hoặc máy phát "tiếng ồn trắng" để cản âm thanh lọt ra ngoài.
Tới nay, mô hình trung tâm CAC đã được chính quyền một số tiểu bang tích hợp trong bản hướng dẫn về quy trình điều tra án ngược đãi, xâm hại trẻ em...
Quốc Đạt (Theo National Childrens Alliance, San Bernardino Sun)
Xem thêm: lmth.6666714-ym-o-me-ert-iov-neiht-naht-art-ueid-gnohp-hnih-om/ten.sserpxenv