Diễn biến thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 15/10 không có nhiều biến động mạnh. Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn rất thận trọng nên các chỉ số đều biến động hẹp quanh mốc tham chiếu với sự phân hóa mạnh ở nhóm vốn hóa lớn.
Phiên 15/10 cũng là thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai phái sinh tháng 10, nên sự thận trọng của nhà đầu tư là không tránh khỏi khi như thường lệ mỗi lần sự kiện này diễn ra thì thị trường có biến động mạnh trong phiên ATC.
Tương tự như các phiên trước, nhóm cổ phiếu trụ cột tiếp tục thay phiên nhau tăng giá mạnh và góp phần giữ được sắc xanh nhẹ của các chỉ số thị trường. Phiên 15/10 là “sân khấu” của VIC, HPG, ACB, PNJ… Trong đó, VIC là cái tên đáng chú ý nhất, cổ phiếu này có thời điểm giảm đến 4,2% xuống còn 91.000 đồng/cp, nhưng kết thúc phiên, VIC đóng cửa ở mức 97.500 đồng/cp, tương ứng tăng 2,6%. Việc VIC tăng mạnh như trên cũng tạo ra lực đỡ lớn nhất giúp giữ được sắc xanh của chỉ số chính VN-Index.
Bên cạnh VIC, một cổ phiếu họ “Vin” khác là VRE cũng giao dịch tích cực khi tăng 0,9% lên 27.600 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, áp lực lên thị trường chung là rất lớn do các mã như CTD, BID, VHM, GVR, VCS, BVH… vẫn chìm trong sắc đỏ.
Đối với các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sự phân hóa vẫn diễn ra rõ nét. Trong đó, nhiều cổ phiếu tiếp tục giữ được sự tích cực, đáng chú ý, HU6, IDC, PVL hay RCL đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, FLC tăng trở lại đến 5,1% lên 4.310 đồng/cp, OGC tăng 1,8% lên 8.310 đồng/cp, DIG tăng 0,8% lên 17.900 đồng/cp.
Cùng lúc đó, sắc đỏ tiếp tục bao trùm lên nhiều cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ khác. OCH và TLD đều bị kéo xuống mức giá sàn. VCR giảm sâu 8,9% xuống 17.400 đồng/cp. Mới đây, VCR đã công bố triển khai phương án phát hành 144 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn lên 1.800 tỷ đồng, gấp 5 lần mức hiện tại. Với giá chào bán 10.000 đồng/cp, công ty dự thu về 1.440 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VCR cũng mới công bố BCTC quý III với kết quả không tốt khi tiếp tục không ghi nhận doanh thu và báo lỗ đến 2,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, VCR lỗ 7,7 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra còn phải kể đến đà giảm sâu của các mã như HDC (-5,4%), ASM (-5,3%), IDJ (-4,1%), HDG (-3,6%), ITA (-2,4%)…
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,58 điểm (0,27%) lên 942,76 điểm. Toàn sàn có 184 mã tăng, 223 mã giảm và 66 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,17 điểm (1,58%) lên 139,66 điểm. Toàn sàn có 74 mã tăng, 85 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (0,55%) lên 63,48 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn gia tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 10.475 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 538 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.094 tỷ đồng. Tương tự như 2 phiên trước, FLC và ITA vẫn là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất, trong đó, FLC khớp lệnh 27,8 triệu đơn vị còn ITA là 10,4 triệu đơn vị.
Khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng trên 2 sàn HoSE và UPCoM, tính tổng cộng, khối ngoại bán ròng 285 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, CII, VHM và VPI nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại. Chiều ngược lại, VIC là mã bất động sản duy nhất được khối ngoại mua ròng mạnh với 15 tỷ đồng.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm trong phiên thứ năm liên tiếp với mức tăng nhẹ và thanh khoản gia tăng so với phiên trước đó cho thấy áp lực bán đang mạnh dần lên tại vùng giá hiện tại.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện kết phiên trong vùng 940 - 950 điểm, tương ứng với vùng giá của thị trường trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Nhìn trên khía cạnh liên thị trường thì các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới đều chịu áp lực điều chỉnh khi tiếp cận với vùng giá này nên dư địa tăng giá hiện tại không còn nhiều.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 tăng yếu so với chỉ số cơ sở VN30 qua đó nới rộng mức basis âm lên thành 10,6 điểm, cho thấy nhà đầu tư đang tiêu cực về xu hướng hiện tại.
Trong phiên giao dịch cuối tuần 16/10, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng 940 điểm (fibonacci extension 61,8%). SHS duy trì khuyến nghị những nhà đầu tư nên chốt lời các vị thế ngắn hạn trong khoảng 940 - 950 điểm của thị trường do đây là kháng cự mạnh trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể canh mua vào nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 920 điểm (MA20).