Phú Quốc (Kiên Giang) là một điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Trong ảnh là đám cưới của một tỉ phú Ấn Độ tổ chức tại resort JW Marriott Phú Quốc - Ảnh: K.NAM
Ngồi trên ghe lắc lư theo nhịp sóng biển chừng khoảng 15 phút đã thấy thấp thoáng những bè nuôi cá hiện ra như một thị trấn thu nhỏ giữa biển Nam Du.
Khung cảnh buổi sáng trên biển tấp nập ghe thuyền tới lui nhộn nhịp. Người lo chuyển cá tạp làm thức ăn cho cá nuôi lên bè, người lo gọi thợ sửa máy bơm, kêu "bạn" (nhân công) vá lưới...
Làng "triệu phú trên biển"
Ông Lê Văn Phụng (44 tuổi, quê ở Sóc Trăng), qua Hòn Mấu (Nam Du, Kiên Hải) nuôi cá khoảng hơn 10 năm cho biết mỗi lồng nuôi có thể tích khoảng 64m3, cứ 4 lồng kết lại thành 1 nhà bè, chủ yếu nuôi 2 loại cá bớp và cá bống mú.
Cá bống mú lại chia ra nhiều loại, đắt tiền nhất là cá mú sao, còn phổ biến là cá mú trân châu (sử dụng con giống nhập của Đài Loan). Nếu như cá bớp khá dễ nuôi, ít bệnh, tỉ lệ hao hụt thấp, thì cá bống mú lại khá đỏng đảnh, đòi hỏi phải dày công chăm sóc, nếu không sẽ trắng tay.
Thời gian thả nuôi cả 2 loại cá bớp, cá mú khá tương đồng, kéo dài từ 10-12 tháng sẽ cho thu hoạch. Giá cá giống dao động rất lớn từ 7.000-17.000 đồng/con tùy thời điểm. Cá mú bán tại bè hiện tại dao động khoảng 200.000 đồng/kg (cá mú thường) tới trên dưới 400.000 đồng/kg (cá mú sao, mú cọp).
Ông Phạm Văn Lưu (64 tuổi, quê ở Quảng Bình), chủ bè cá gần khu bè của ông Phụng, cho hay những chủ bè còn bám trụ lại được tới hôm nay đều thuộc hạng "cứng cựa". Đã lăn lóc trải qua mấy bận thất bát, thậm chí có lúc trắng tay phải bán nhà, bán đất để cứu bè cá.
"Mỗi lồng cá thả nuôi khoảng 700 con cá giống, nếu sau 12 tháng thả nuôi mà tỉ lệ hao hụt với cá bớp khoảng chừng 10%, cá mú chừng 20% thì chủ bè có thể thu lãi trên 100 triệu đồng. Nói làng tỉ phú trên biển là nói quá đi, nhưng nói làng triệu phú trên biển thì có thể đúng với thực tế hơn" - ông Lưu cười nói.
Không chỉ nghề nuôi lồng bè phát triển ở quần đảo Nam Du (3 xã: An Sơn, Nam Du và Lại Sơn) mà thời gian gần đây tỉnh Kiên Giang còn thử nghiệm nuôi thành công một số loài mới như: cá khế vây vàng, cá bè cụp, cá bè vẩu, cá háo... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, tôm hùm cũng đang được thử nghiệm nuôi tại một số xã đảo.
Hiện tại, các xã đảo thuộc các huyện: Kiên Hải, Phú Quốc, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên có khoảng 4.500 lồng bè nuôi cá, sản lượng cá thương phẩm năm 2019 trên 3.550 tấn, dự kiến năm 2020 hơn 4.300 tấn.
Riêng tại đảo Phú Quốc, vài năm gần đây còn có Công ty Trấn Phú áp dụng công nghệ lồng Na Uy (lồng tròn, vật liệu HDPE, đường kính 30m) về nuôi cá chim, cá hồng mỹ... Công suất thiết kế 1.500 tấn cá biển thương phẩm/năm.
Sử dụng con giống nhân tạo chất lượng cao, thức ăn công nghiệp, sản phẩm thu hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường EU, Mỹ.
Tới "làng triệu phú ven bờ"
Nếu như nghề nuôi cá lồng bè trên mặt biển, thì ven bờ biển chạy dài hơn 45km của tỉnh Kiên Giang từ huyện An Biên tới hết địa phận huyện An Minh giáp với tỉnh Cà Mau bà con lại nuôi sò huyết ven bờ.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích nuôi sò huyết (ngoài ra còn có sò lông, nghêu, sò điệp) ở An Biên, An Minh lên tới hơn 4.000ha. Đây là mô hình làm ăn cho hiệu quả cao, tỉ lệ lợi nhuận thường lên tới 50%, đầu ra luôn ổn định vì nhu cầu tiêu dùng nội địa lớn.
Ông Huỳnh Thanh Còi - ngụ ấp Ba Biển, xã Nam Thái (An Biên) - cho biết nghề này chỉ cần bỏ chi phí mua sò giống từ 7-12 triệu đồng/kg tùy theo năm rồi bỏ công canh giữ cho tới lúc thu hoạch. Thường ngư dân thả sò giống trong thời gian từ tháng 3 tới tháng 5, sau khoảng 11-12 tháng sẽ thu hoạch sò.
Hiện tại, giá sò huyết bán tại bãi lên tới khoảng 125.000 đồng/kg. "Thời gian đầu người nuôi sò lao đao bởi thiếu kinh nghiệm, thu hoạch xong lỗ vốn. Lúc trúng đậm thì rộ lên nạn cào sò, mà thực chất như đi ăn cướp, nay thì hết rồi, người nuôi đã yên tâm nhiều" - ông Còi tâm sự.
Ông Đỗ Thanh Bình, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhận định đẩy mạnh nuôi biển, giảm khai thác từ biển là hướng đi đúng, rất phù hợp với bối cảnh nguồn tài nguyên biển đang cạn kiệt dần do đánh bắt quá mức trong nhiều năm qua.
"Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản của Kiên Giang tăng liên tục: năm 2017 là 240.630ha, năm 2018 là 245.000ha, năm 2019 là 246.000ha, năm 2020 khoảng 247.000ha.
Nuôi trồng thủy sản đã góp phần tăng giá trị sản xuất, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Kiên Giang, giúp nông dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu, cải thiện cuộc sống" - ông Bình cho hay.
Kinh tế biển chiếm 80% GRDP cả tỉnh
Theo Tỉnh ủy Kiên Giang, hơn 10 năm thực hiện nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", kinh tế biển Kiên Giang phát triển khá toàn diện, đến nay chiếm gần 80% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Ở lĩnh vực du lịch biển có bước phát triển rất mạnh, tổng lượng khách du lịch từ năm 2016 đến nay đạt trên 28,2 triệu lượt khách.
Lượng khách tăng qua từng năm: 2016 là 5,4 triệu lượt; năm 2017 là 6 triệu lượt; năm 2018 là 7,6 triệu lượt và năm 2019 là 8,7 triệu lượt khách. Năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh nhưng lượng du khách đến Kiên Giang dự kiến sẽ đạt khoảng 5 triệu.
* Ông Đỗ Thanh Bình (chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang):
4 khâu đột phá của kinh tế biển
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI (giai đoạn 2020-2025) tiếp tục xác định mục tiêu hướng mạnh ra biển, phát triển kinh tế biển bền vững, đưa kinh tế biển thực sự là thế mạnh của tỉnh phù hợp với "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045".
Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển, tập trung vào 4 lĩnh vực: phát triển nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển, chế biến và đánh bắt hải sản; phát triển du lịch và dịch vụ biển; phát triển công nghiệp năng lượng và phát triển kinh tế hàng hải.
Mục tiêu chung là vừa phát triển kinh tế biển bền vững, góp phần củng cố và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, nâng cao đời sống người dân vùng ven biển và hải đảo.
Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI
Sáng 16-10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) chính thức khai mạc. Có 343 đại biểu được bầu từ 19 Đảng bộ trực thuộc, đại diện cho 59.592 đảng viên trong toàn Đảng bộ tham dự.
Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã phát huy thành quả các nhiệm kỳ trước, nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế tăng trưởng nhanh và khá toàn diện (bình quân 7,2%/năm).
Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, đạt 71.755 tỉ đồng, gấp 1,5 lần năm 2015. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt 49.807 tỉ đồng, riêng năm 2020 ước đạt 11.540 tỉ đồng, gấp 2,1 lần năm 2015 (đứng thứ hai khu vực ĐBSCL). Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.458 USD năm 2020, gấp 1,6 lần so với năm 2015.
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, lượng khách tăng rất nhanh với 9,3 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt hơn 22.918 tỉ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 225.681 tỉ đồng và tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, giảm còn 2,6%.
Với phương châm đại hội là "Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát triển", Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI xác định 3 khâu đột phá là: Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.
TTO - Ông Nguyễn Thanh Nhàn (43 tuổi), nguyên bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND thành phố Hà Tiên, vừa được bầu bổ sung giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.
Xem thêm: mth.18260232251010202-neib-ut-uaig-mal-neib-ar-hnam-gnouh-gnaig-neik/nv.ertiout