Tháng 4 vừa qua, nhiều nhân viên tại một trung tâm cuộc gọi của Amazon ở Philippines cho biết họ đã phải làm việc trong những điều kiện "không giống con người", với điều kiện vệ sinh hạn chế và gần như không có biện pháp giãn cách nào để phòng dịch.
Hình ảnh các nhân viên ngủ trên sàn nhà ở khoảng cách rất gần đã được lan truyền mạnh trên mạng trong thời gian đó. Không ít người chia sẻ rằng họ cảm thấy áp lực khi phải ở gần văn phòng để kịp giờ đi làm. Sau đó, Teleperformance, nhà thầu sử dụng những nhân viên này nói rằng sẽ giải quyết các khiếu nại trên.
Tuy nhiên, theo những nhân viên nói chuyện với NBC News, điều kiện làm việc còn trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên toàn cầu. Theo một nguồn tin, Teleperformance đã không cho phép nhân viên ngủ trên sàn nhưng lại không đưa ra giải pháp thay thế để cải thiện.
Chính vì vậy, nhiều nhân viên do nhà thầu bên ngoài thuê để làm việc cho bộ phận Ring của Amazon cho biết họ rất lo lắng khi phải đi làm trong điều kiện phòng dịch không được đảm bảo.
Dù vậy, trong một tuyên bố gửi qua email, người phát ngôn của Amazon cho biết: "Không có gì quan trọng hơn sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, bao gồm những người do nhà thầu thuê. Ring yêu cầu các nhà cung cấp tuân thủ chặt chẽ quy định của chính phủ và các khuyến nghị liên quan đến Covid-19, bao gồm nguyên tắc nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, sử dụng thiết bị bảo hộ và khử trùng. Nếu phát hiện bất kỳ sai phạm nào, chúng tôi sẽ giải quyết và khắc phục ngay lập tức".
Ring cho biết họ không cho phép nhân viên làm việc tại nhà vì lý do "bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của khách hàng". Đây cũng là lý do phổ biến mà các công ty công nghệ khác như Facebook đưa ra để nhân viên (đặc biệt là nhân viên hợp đồng) trở lại văn phòng trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây truyền ở mức cao cũng như nhiều khu vực vẫn áp dụng hình thức làm việc tại nhà. Về phần mình, các nhà thầu của Ring nói rằng họ không thể truy cập thông tin cá nhân mà không có sự đồng ý của khách hàng.
Nhân viên Amazon tại kho hàng.
Theo một báo cáo, hàng chục nhân viên của tổng đài ở Philippines đã xuất hiện một số triệu chứng giống đặc trưng của việc nhiễm Covid-19. Nhiều người cho biết các trạm làm việc không được vệ sinh đúng cách và các ca làm việc được xếp chồng lên nhau nên việc giãn cách xã hội rất khó thực hiện. Người dọn vệ sinh chỉ đơn giản là mang theo một xô nước và một chiếc khăn để lau chùi.
Một nhân viên chia sẻ với NBC: "Mọi người đều sợ hãi vì không biết ai đã mắc bệnh và ai không. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Một là mắc bệnh, hai là chết vì đói".
Người phát ngôn của Teleperformance nói với NBC: "Sự an toàn và sức khỏe của nhân viên của chúng tôi sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi cung cấp bảo hiểm y tế cho những người bị ốm".
Báo cáo của NBC cho thấy xu hướng thuê ngoài ngày càng tăng của các gã khổng lồ công nghệ. Điều này dẫn tới chỉ trích rằng những nhân viên được thuê đang bị bóc lột vì mục đích cắt giảm chi phí cho những "ông lớn" trị giá nhiều tỷ USD. Trên thực tế, đây là hoạt động đã được áp dụng từ khá lâu trước khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng sức khỏe này đã khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày càng có nhiều khiếu nại về điều kiện làm việc không được đảm bảo.
Nhân viên của Amazon tại Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc đối phó với đại dịch của công ty. Đầu tháng này, gã khổng lồ thương mại điện tử cho biết gần 20.000 nhân viên tại Mỹ đã dương tính với SARS-CoV-2 chỉ trong hơn 6 tháng. Thông báo được đưa ra sau nhiều lời chỉ trích từ một số nhà lập pháp và nhân viên rằng Amazon lảng tránh về sự bùng phát dịch trong đội ngũ của họ.
Mộc Tiên
Theo Tổ Quốc/BI