vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh tế thế giới và những chính sách thời Covid: Câu chuyện từ nước Anh

2020-10-16 17:16

Trong bài viết này, chúng tôi tóm lược những phản ứng chính sách cơ bản mà chính phủ Anh đã thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành kể từ cuối quý 1/2020. Bạn đọc nên nhìn nhận bài viết của chúng tôi như là những quan sát rời rạc để tham khảo, cũng như không có bất kỳ hàm ý chính sách gì với Việt Nam.

Các nền kinh tế lớn trên thế giới đã bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Sự phong tỏa và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn tới sự thiếu hụt cả cung và cầu được cho là những lý do chính yếu dẫn tới sự sụt giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia.

ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA?

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có sự giảm GDP ở mức kỷ lục lên tới 31,4% trong quý 2/2020. Còn tại Anh, nơi chúng tôi đang sinh sống, GDP sụt giảm 19,8% trong quý 2/2020 sau khi đã sụt giảm 2,5% trong quý 1. Mức sụt giảm này cao hơn rất nhiều so với thời kỳ khủng hoảng tài chính hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng con số nêu trên được tính dựa trên tăng trưởng theo quý và quy đổi theo năm, khác với cách hiểu thông thường tại Việt nam dựa trên số liệu quý so với cùng kỳ năm trước.

Mức độ nghiêm trọng của sụt giảm kinh tế đã lý giải tại sao các quốc gia này đã tìm mọi cách có thể để hỗ trợ phát triển kinh tế thay vì đóng cửa hoàn toàn để kiểm soát dịch bệnh. Nói cách khác, tình hình kinh tế có thể đã còn nghiêm trọng hơn rất nhiều nếu việc kiểm soát dịch bệnh được thực hiện bằng mọi giá.

Trong nỗ lực cứu nền kinh tế, các quốc gia này đã sử dụng sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ giống như những gì đã diễn ra tại Việt Nam, nhưng sự khác biệt có lẽ là sự chi tiết của các chương trình hỗ trợ khác nhau đến từng đối tượng người lao động, doanh nghiệp và ngành nghề khác nhau bị ảnh hưởng.

Tại Anh quốc, các chương trình hỗ trợ kinh tế dựa trên chính sách tài khóa được thực hiện thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp trang trải dòng tiền hoạt động và hỗ trợ người lao động có thu nhập để đảm bảo cuộc sống.

Nhóm chính sách thứ nhất liên quan tới việc giãn, giảm thuế khoảng 29 tỷ bảng cho các doanh nghiệp, và hơn thế, cung cấp thêm các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nhóm ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất như dịch vụ lưu trú, nhà hàng được giảm thuế giá trị gia tăng và thậm chí chính phủ trả một nửa tiền hóa đơn ăn uống cho khách hàng trong tháng 8 để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nhóm ngành này.

Nhóm chính sách thứ hai liên quan tới chi tiêu khoảng 48,5 tỷ bảng tập trung vào nâng cao năng lực của hệ thống y tế công cộng, gia tăng các dịch vụ công ích và hỗ trợ các tổ chức từ thiện giúp đỡ những người gặp khó khăn. Nhóm chính sách này cũng chi tiêu nhiều hơn, khoảng 8 tỷ bảng, cho việc trợ giúp những người dễ bị tổn thương thông qua tăng thu nhập tối thiểu và các phúc lợi khác.

Đáng chú ý trong nhóm chính sách này là việc chính phủ sẵn sàng chi trả tới 80% lương cho những lao động không có việc làm vì Covid và chủ doanh nghiệp cam kết giữ họ lại. Mức hỗ trợ này sau đó giảm dần còn 70% và 60%, với chủ doanh nghiệp đóng góp phần còn lại để đủ 80%. Đặc biệt, chính phủ hỗ trợ trả lương tối thiểu cho 25 giờ làm mỗi tuần trong 6 tháng cho những lao động trẻ có khả năng bị thất nghiệp lâu dài, đồng thời hỗ trợ nguồn lực để trang bị thêm kỹ năng giúp họ sẵn sàng trở lại làm việc.

Nhóm chính sách thứ ba bổ trợ cho chính sách tiền tệ bằng việc thực hiện bảo lãnh các khoản vay doanh nghiệp. Chính phủ đã đưa ra 3 chương trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Các chương trình này được thiết kế khác nhau theo quy mô doanh nghiệp, với sự bảo lãnh của chính phủ tới 80% giá trị khoản vay tối đa 5 triệu bảng cho doanh nghiệp nhỏ và 300 triệu bảng cho doanh nghiệp lớn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được tiếp cận các khoản vay được bảo lãnh 100% có giá trị đến 50.000 bảng.

Như vậy, có thể thấy rằng nhóm chính sách tài khóa được thiết kế và thực hiện tương đối chi tiết cho từng đối tượng. Điểm nhấn của chính sách tài khóa tại Anh quốc chính là việc chi tiêu ngân sách được thực hiện chủ yếu nhằm hỗ trợ dòng tiền hoạt động cho doanh nghiệp và đảm bảo thu nhập cho người lao động bên cạnh việc đầu tư cho hệ thống y tế và phúc lợi xã hội. Những chính sách này khác với chi tiêu đầu tư công trong điều kiện bình thường. Sự khác biệt này rất có thể là mấu chốt để nhìn ra tính hiệu quả của chính sách tài khóa trong việc hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch.

Về chính sách tiền tệ, Anh quốc cũng giống như bất kỳ các quốc gia nào khác đều có cách tiếp cận để tạo ra tiền rẻ thông qua việc giảm và duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp, thực thi nới lỏng định lượng, đồng thời đưa ra các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Cụ thể, lãi suất cơ bản được Ngân hàng Anh giảm 0,65%, về mức 0,1%. Ngân hàng Anh cũng nâng mức nắm giữ trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính thêm 300 tỷ bảng, tức là bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Thêm vào đó, Ngân hàng Anh đưa ra chương trình cho vay dài hạn với lãi suất thấp khoảng 330 tỷ bảng cho các tổ chức tín dụng với điều kiện họ cho vay ra nền kinh tế thực, đặc biệt là tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự hỗ trợ của Ngân hàng Anh đóng vai trò như một cú huých nhằm đảm bảo rằng chính sách lãi suất thấp được chuyển hóa thành hành động cho vay, thay vì để hệ thống thị trường tự điều tiết.

TÁC ĐỘNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG TÀI SẢN

Cho đến tháng 9, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế vẫn tiếp tục được thực hiện và các chính sách mới đang được cân nhắc đưa ra khi các chính sách cũ hết hiệu lực. Tại Mỹ, với việc gần 30 triệu người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp và tình hình có thể còn kéo dài, Cục Dự trữ liên bang cam kết tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm tới, giữ mức lãi suất gần bằng 0 trong ít nhất 3 năm và họ cũng thay đổi cách hiểu về mục tiêu lạm phát. Chính sách này của Mỹ chắc chắn sẽ kéo theo hành động tương tự của các ngân hàng trung ương trên thế giới do vai trò của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu.

Với việc Chính phủ Mỹ dự kiến thâm hụt ngân sách kỷ lục tới 3,7 nghìn tỷ đô la trong năm tài khóa 2020, Kho bạc Mỹ dự kiến phát hành thêm các khoản nợ dài hạn lãi suất thấp, dẫn tới đường cong lợi suất thay đổi bất thường, ảnh tới thị trường tài sản trong đó có chứng khoán và thị trường nhà.

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Anh của Miles và Monro (2019) cho thấy, sự sụt giảm lãi suất phi rủi ro trong giai đoạn 1985-2018 có thể là nguyên nhân dẫn tới giá nhà tăng gấp đôi so với mức thu nhập ở Anh. Nếu lạm phát tiếp tục bị kiềm chế do tiền lương không tăng và thu nhập giảm, kết hợp với chính sách nới lỏng định lượng, giá tài sản sẽ tiếp tục cao.

Điều này cũng có thể đúng với bất kỳ nền kinh tế nào và bởi vậy, nó là gợi ý để giải thích tại sao các thị trường chứng khoán đã tăng và còn ở mức cao trong điều kiện kinh tế khó khăn. Nói cách khác, chính sách tiền rẻ được kích thích bởi lạm phát thấp (do thu nhập thấp, cầu thấp) đã tạo ra sự tăng trưởng thị trường tài sản tại các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

NHỮNG KHÓ KHĂN MỚI

Tính theo số liệu dồn 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8/2020 so với 3 tháng trước đó, mặc dù nền kinh tế Anh thể hiện sự tăng trưởng khoảng 8%, khả năng phục hồi kinh tế vẫn còn khá yếu ớt. Điều này được thể hiện qua số liệu bi quan tại thị trường việc làm.

Viện Nghiên cứu Tuyển dụng (IES) cho biết, có khoảng 380.000 trường hợp bị buộc thôi việc (là những trường hợp phải thông báo nên nằm trong kế hoạch) trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7. Con số này gấp hai lần so với cùng kỳ của thời kỳ 2009. Tuy nhiên, con số bị buộc thôi việc thực tế cao hơn 80% so với con số được thông báo, nghĩa là số người bị buộc thôi việc trên thực tế lên tới 735.000 người.

Thêm vào đó, bắt đầu từ tháng 9, số tiền chính phủ trợ cấp sẽ giảm từ 80% xuống còn 70% cho những người mất việc và chủ doanh nghiệp phải đóng góp 10%, dẫn tới tình trạng mất việc có thể còn tồi hơn. Một điều tra (về tác động của việc chủ doanh nghiệp phải góp 10%) cho thấy, cơ chế hỗ trợ mới chỉ có thể giúp cho khoảng 10% lực lượng lao động trong tháng 9.

Trong lĩnh vực bán lẻ, không có khách hàng, các cửa hiệu trên phố tiếp tục gặp khó khăn. Một điều tra 1.000 người sử dụng lao động thực hiện bởi Viện Nhân sự và Phát triển (CIPD) cho biết, số người không đến văn phòng làm việc tăng gấp đôi (từ 18% lên 37%) và điều này ảnh hưởng tới lượng khách hàng tại các cửa hiệu trên phố. Nhiều cửa hiệu trên phố thông báo cắt giảm việc làm, chẳng hạn như các thương hiệu lớn như M&S, Pret A Manger hay Debenhams.

Trong khi các hoạt động kinh tế vẫn ở mức yếu, sự bùng phát dịch bệnh ở làn sóng thứ 2 đang tạo ra sự lo lắng về việc phong tỏa trở lại khi mà các trường hợp nhiễm virus tiếp tục tăng. Các con số hiện tại cho thấy có khoảng 15.000 trường hợp nhiễm trong thời gian gần đây. Những hạn chế đã và đang được áp dụng và phong tỏa toàn quốc thậm chí đang được xem xét. Mọi người đều phải làm việc ở nhà nếu có thể và số người được gặp nhau bị hạn chế. Điều này dẫn tới việc Bộ Tài chính phải đưa ra gói cứu trợ mới đối với người lao động.

Gói cứu trợ này ít hỗ trợ hơn chỉ dành cho những người sử dụng lao động của họ ít nhất 1/3 số giờ thông thường. Nếu người sử dụng lao động đồng ý trả 1/3 số giờ không làm việc thì chính phủ sẽ trả 1/3 còn lại. Tuy nhiên, người sử dụng lao động ưa thích một người làm toàn thời gian hơn là 2 người làm bán thời gian và do vậy chương trình hỗ trợ này có thể không có ích. Nhìn chung, một sự phong tỏa toàn quốc lần thứ hai chỉ làm cho nền kinh tế khó hồi phục và khó khăn hơn nhiều.

Những quan sát trên đây của chúng tôi mang tính rời rạc, nhưng xâu chuỗi lại có thể thấy rằng chính phủ Anh đã không đánh đổi lợi ích kinh tế với dịch bệnh. Họ đã cố gắng duy trì một nền kinh tế hoạt động trong bối cảnh chấp nhận dịch bệnh không bị kiểm soát hoàn toàn. Các chính sách tài khóa được thiết kế khác nhau cho các nhóm đối tượng được hỗ trợ và có sự kết nối với chính sách tiền tệ.

Hệ quả của một chính sách tiền tệ nới lỏng là một thị trường tài sản ở mức cao không phản ánh bản chất của nền kinh tế thực. Mặc dù các nỗ lực hỗ trợ kinh tế đã mang lại những dấu hiệu khả quan trong tăng trưởng kinh tế, nhưng làn sóng dịch bệnh thứ 2 bùng phát đang tạo ra những lo ngại về khả năng phong tỏa toàn quốc trở lại. Đó chắc chắn không phải là điều tốt với nền kinh tế.

Mức độ nghiêm trọng của sụt giảm kinh tế tại Mỹ, Anh đã lý giải tại sao các quốc gia này đã tìm mọi cách có thể để hỗ trợ phát triển kinh tế thay vì đóng cửa hoàn toàn để kiểm soát dịch bệnh. Nói cách khác, tình hình kinh tế có thể đã còn nghiêm trọng hơn rất nhiều nếu việc kiểm soát dịch bệnh được thực hiện bằng mọi giá.

Trong nỗ lực cứu nền kinh tế, các quốc gia này đã sử dụng sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ giống như những gì đã diễn ra tại Việt Nam, nhưng sự khác biệt có lẽ là sự chi tiết của các chương trình hỗ trợ khác nhau đến từng đối tượng người lao động, doanh nghiệp và ngành nghề khác nhau bị ảnh hưởng.

Xem thêm: nhc.35090226161010202-hna-coun-ut-neyuhc-uac-divoc-ioht-hcas-hnihc-gnuhn-av-ioig-eht-et-hnik/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kinh tế thế giới và những chính sách thời Covid: Câu chuyện từ nước Anh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools