Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố cho thấy: Việt Nam là quốc gia duy nhất duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong nhóm ASEAN5. Việt Nam cũng được dự báo sẽ vươn lên vị trí thứ 4 trong khu vực về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), vượt qua Singapore và Malaysia. Điều đó khẳng định sức chống chịu, khả năng bật tăng trở lại của nền kinh tế Việt Nam trong và sau đại dịch COVID-19.
Vượt qua Singapore và Malaysia
Bản cập nhật mới nhất của Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố cho thấy, Việt Nam tiếp tục là quốc gia hiếm hoi duy trì tốc độ tăng trưởng dương cao trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời là quốc gia duy nhất duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong nhóm ASEAN5.
Cụ thể, IMF dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương năm nay, đạt mức 1,6% và con số này sẽ đạt 6,7% trong năm 2021. Ở chiều ngược lại, IMF điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Philippines từ mức -3,6% vào tháng 6 xuống -8,3%, sau đó là Thái Lan với mức tăng trưởng âm -7,1%, Malaysia với -6% và Indonesia với -1,5%.
Về chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP), IMF cũng dự báo trong năm 2020, kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, lần lượt vượt qua chỉ số GDP của Singapore và Malaysia. Theo đó, GDP Việt Nam năm 2020 theo ước tính của IMF sẽ đạt 340,6 tỉ USD, lần lượt xếp sau vị trí của Việt Nam là Singapore dự báo đạt 337,5 tỉ USD, Malaysia dự báo đạt 336,3 tỉ USD, Myanmar dự báo đạt 70,89 tỉ USD, Campuchia dự báo đạt 26,3 tỉ USD, Lào dự báo đạt 18,65 tỉ USD và Brunei xếp cuối với 10,64 tỉ USD. Trong khi đó ở nhóm dẫn đầu, theo dự báo của IMF, Indonesia tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về chỉ số GDP trong năm nay với 1.088,8 tỉ USD, Thái Lan giữ vị trí thứ 2 với 509,2 tỉ USD và Philippines dự báo đạt 367,4 tỉ USD.
Với dự báo mới của IMF, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Singapore và Malaysia về quy mô GDP để vươn lên vị trí thứ 4. Bên cạnh đó, dù mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong dự báo mới của IMF thấp hơn nhiều các dự báo được các tổ chức quốc tế đưa ra vào thời điểm tháng 6.2020, Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay vẫn là quốc gia duy nhất trong khu vực được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng dương trong năm nay.
Trước đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lạc quan rằng tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 4,0-4,1% trong năm nay. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và World Bank cũng lần lượt dự đoán Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 2,7% và 2,8%.
Theo IMF, các dữ liệu dự báo trên được đưa ra dựa trên giả định rằng các quốc gia sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đến năm 2021 và cuối năm 2022, các ca nhiễm trong cộng đồng trên toàn cầu sẽ giảm. Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, bà Gita Gopinath nhìn nhận, dù dự báo mức suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 lần này không nghiêm trọng như báo cáo hồi tháng 6 nhưng sẽ còn một thời gian dài đến khi đại dịch kết thúc và theo đó các nền kinh tế trên thế giới sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức để có thể phục hồi hoạt động như giai đoạn trước đại dịch.
Vẫn không được chủ quan
Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng, hiện nay Việt Nam đang đạt được những thành tựu rất quan trọng trong kiểm soát dịch COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có sự nghiên cứu tác động về sự thay đổi của nền kinh tế sau COVID-19, bởi nền kinh tế sau COVID-19 thay đổi rất cơ bản.
Ông Doanh cho rằng, sau COVID-19 nền kinh tế đã chuyển sang kinh tế số hóa, các cá nhân, lãnh đạo trực tiếp làm việc với nhau giảm… Chúng ta không nên chủ quan nếu hết COVID-19 thì nền kinh tế lại trở lại bình thường. Thứ hai, các doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu, phải thay đổi, phải chuyển sang kinh tế số, tìm ra các đối tác để tham gia vào chuỗi giá trị của họ. Cần phải nhìn nhận có điểm yếu gì, thế mạnh gì để khắc phục và thay đổi, ông Doanh nói.
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công để kích thích, kéo theo nền kinh tế phát triển, ông Doanh cho rằng, việc đầu tư công rất cần thiết và điều đó chúng ta không thể từ chối. Tuy nhiên, đầu tư công không giải quyết hết được mọi vấn đề.
“Đầu tư công chỉ giải quyết kết cấu hạ tầng còn những việc khác thì các doanh nghiệp phải làm. Chính vì vậy, để kinh tế tăng trưởng một cách bền vững, chúng ta phải phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, chúng ta phải đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường chứ không phải phụ thuộc vào giải ngân đầu tư công để tăng trưởng GDP” - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế lại cho rằng, hiện nay giải ngân đầu tư công đang cứu cánh cho nền kinh tế các nước trong đó không chỉ ở Việt Nam mà cả nhiều quốc gia trên thế giới. Rất nhiều quốc gia khác như: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Đức và cả Trung Quốc… đều có những gói kích cầu về đầu tư công để từ đó tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế phát triển.
Theo ông Thịnh, đầu tư công mà giải ngân được thì rõ ràng định hướng phát triển lâu dài của nền kinh tế sẽ được thực hiện một cách rốt ráo, triệt để nhất. Điều thứ hai, việc đầu tư công mà tăng trưởng, phát triển thì rõ ràng nhân tố kích thích một loạt doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân ở nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau tăng trưởng và phát triển theo.
“Khi đầu tư công phát triển thì yêu cầu nguyên vật liệu, yêu cầu máy móc thiết bị, phụ kiện, nguồn nhân lực. Như vậy, giúp cho các lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển theo để đáp ứng được đầu tư công”, vị chuyên gia này cho biết và nói thêm đầu tư công nó đi vào đầu tư lâu dài, gắn với đời sống xã hội, có độ lan tỏa lớn hơn nhiều khi phát triển hay kích thích cho một doanh nghiệp nào đó hoặc lĩnh vực nào đó. Tất nhiên, để đạt được việc này ông Thịnh nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công phải hiệu quả, nhanh, và dứt điểm từng dự án, từng công trình. Để từ đó làm cho hiệu quả đầu tư công phát huy hiệu quả cao nhất, nhanh nhất. Cũng qua đó nhu cầu thực mới phát triển được, nếu cứ chậm không giải ngân được sẽ kéo theo các lĩnh vực khác không hiệu quả.
“Giải ngân vốn đầu tư công cũng như vốn mồi cho nền kinh tế trong tương lai, nhưng đồng thời nó sẽ tạo ra nhu cầu khác. Chứ không phải yếu tố quyết định, nó chỉ là động lực…” - ông Thịnh nói thêm. Ngoài ra, theo ông Thịnh việc giải ngân đầu tư công của chúng ta thời gian qua còn chậm, chưa phát huy hiệu quả. Nguồn tiền khổng lồ đang nằm trong việc giải ngân đầu tư công là có nhưng chưa giải quyết được, nếu giải quyết được thì sẽ tạo ra một bước đột phá.
Xem thêm: odl.878548-man-teiv-et-hnik-auc-ial-ort-gnat-tab-gnan-ahk-hnid-gnahk/et-hnik/nv.gnodoal