Tranh thời Ai Cập cổ đại - Ca sĩ David Bowie - James Charles, gương mặt nam đại diện cho Hãng mỹ phẩm CoverGirl - Ảnh: mic.com
Đàn ông vẽ mắt, tô son, đánh phấn… thực ra là chuyện hiển nhiên có từ hàng ngàn năm nay. Vẽ mày vẽ mặt không chỉ là một sự phô bày nam tính và quyền lực, đó còn là phong cách và nghệ thuật mà thời nay cả một thị trường khổng lồ hàng chục tỉ đôla đang ra sức cung kính chiều chuộng.
Vài ngàn năm trước Công nguyên, người Ai Cập cổ đại đã dùng các loại màu để vẽ lên mặt. Đầu tiên là một loại mực được cả hai giới nam, nữ dùng để viền mi và vẽ đuôi mắt thật dài - một hình ảnh đôi mắt biểu trưng mà ngày nay dễ tìm thấy trong nhiều tượng và tranh Ai Cập cổ đại, đặc biệt là những bức mô tả nghi thức tế lễ.
Vài thiên niên kỷ sau, người Ai Cập có thêm những món trang điểm khác như phấn kohl đen đánh mi mắt, phấn khoáng malachite màu xanh lá phủ quanh mí mắt, phấn đất son để làm đỏ môi và má. Người đàn ông Ai Cập cổ đại nổi tiếng có đôi mắt được viền đen và xanh hay môi tô đỏ chính là vua Tutankhamun (trị vì 1334-1325 trước Công nguyên).
Mặt nạ dát vàng phủ trên xác ướp của pharaohs Tutankhamun cho thấy sinh thời vị vua Ai Cập cổ đại này thường viền những đường xanh đen quanh mắt - Ảnh: KENNETH GARRETT, NATIONAL GEOGRAPHIC
Từ vẽ mắt, sơn móng tay
Người Ai Cập cổ đại trang điểm không phải để làm đẹp, mà để thể hiện rằng vị pharaoh đang được các vị thần như Horus và Ra bảo vệ khỏi bệnh tật. Công dụng này đã được xem xét dưới góc độ khoa học và được công bố vào năm 2010 trên tạp chí khoa học Analytical Chemistry của Hiệp hội Hóa học Mỹ.
Việc phân tích thành phần hóa học của các chất đựng trong 52 hũ mỹ phẩm Ai Cập cổ đại bảo quản ở Bảo tàng Louvre cho thấy tất cả đều là hợp chất chứa chì như galena, cerussite, laurionite và phosgenite.
Thành viên công trình nghiên cứu, nhà hóa học Christian Amatore của Đại học École normale supérieure (Paris, Pháp), cho biết: "Họ tin rằng những mỹ phẩm này có thể chữa lành bệnh tật. Họ đọc bùa chú khi pha trộn nó, những thứ mà ngày nay chúng ta gọi là độc hại".
Theo các nhà khoa học, chính chất chì trong mực vẽ mi đã giúp người Ai Cập cổ đại không bị viêm mắt - một chứng bệnh thường xuất hiện theo các đợt lũ sông Nile - vì nó tạo ra một lớp viền ngăn vi khuẩn lan từ da vào mắt.
Tương tự, việc trang điểm mặt, từ khoảng 3.200 năm trước Công Nguyên, con người - cả hai giới - đã sơn móng tay nhiều màu để thể hiện tầng lớp của mình. Móng tay sơn màu được phát hiện trên các xác ướp khai quật ở khu mộ cổ hoàng gia ở thành Ur nước Chaldees cổ đại, nay thuộc Iraq, hay các xác ướp quý tộc khai quật ở Trung Quốc.
Ban đầu, thế giới cổ đại trang điểm khuôn mặt để hóa thân thành các vị thần trong những nghi lễ tôn giáo, như cách mà những chiếc mặt nạ đầu tiên đã được sử dụng vào thời tiền sử (Xem TTCT số 19, ngày 24-5-2020).
Trong sự phát triển đầy tình cờ, màu vẽ mặt được phát hiện ra là có thể ngăn chặn viêm nhiễm và được người xưa tôn là chất thần diệu bảo vệ bệnh tật. Từ đó, những đường viền mi, những màu phấn xanh quanh mắt hay màu son trên môi lại có thêm một ý nghĩa khác, thể hiện chủ thể là một người có sức mạnh, được thần linh bảo vệ.
Màu sắc trang trí trên mặt và cơ thể trở thành biểu tượng quyền lực rồi được phân cấp: chỉ quý tộc mới được bôi vẽ xanh xanh đỏ đỏ, còn tầng lớp càng thấp càng nhạt màu ít sắc hơn.
Chân dung vẽ năm 1661/62 của Vua Louis XIV (1638-1715) của nước Pháp. Ông nổi tiếng là người ưa thích mỹ phẩm, thường dùng cả phấn hồng và son đỏ
Đến bôi kem
Việc trang trí khuôn mặt và cơ thể với mục đích tôn giáo và thể hiện quyền lực ngày nay vẫn còn được đàn ông và phụ nữ sử dụng trong các cộng đồng bản địa khắp thế giới như châu Phi, Nam Mỹ, Nam Á...
Nhưng hàng trăm năm trước khi bước vào giai đoạn Công nguyên, nhân loại đã bắt đầu trang điểm với mục đích làm cho mình đẹp lên mà nổi tiếng đến tận ngày nay với các bí quyết chăm sóc nhan sắc chính là Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra (69 - 30 trước CN).
Các đế chế chinh phạt Ai Cập như Ba Tư, Hi Lạp, La Mã đã học tập cách trang điểm cho đẹp của người dân đất nước sông Nile. Những thứ làm đẹp dung nhan được nhà thơ La Mã nổi tiếng Publius Ovidius Naso (43 trước CN - 17/18 CN) đề cập đến trong bộ sách Ars amatoria (Nghệ thuật của tình yêu) là "thuốc dưỡng nhan" và mô tả rằng "thuốc" này dùng cho cả nữ và nam, trong đó có cả những loại kem trị mụn và kem che vết sẹo dùng cho các chiến binh.
Ở La Mã, đàn ông cũng sơn móng tay bằng một chất chiết xuất từ máu và mỡ heo. Họ còn phủ màu lên da đầu để che những chỗ bị hói, dùng phẩm đỏ bôi má cho ửng và dùng bột bôi da cho sáng.
Nhưng nếu đánh mặt quá trắng thì bị cho vô đạo đức, vì phải rám nắng mới là người có lao động, có làm việc. Dùng nước hoa và cạo tẩy lông là điều phổ biến đối với đàn ông La Mã, nhưng cạo tẩy quá kỹ thì bị xem là ẻo lả, nếu quá sơ sài thì lại bị xem là thiếu lịch lãm.
Hoàng đế Otho (32-69, trị vì chỉ trong ba tháng đầu năm 69) của La Mã không chiếm được cảm tình của muôn dân một phần là cơ thể bẩm sinh nhẵn nhụi.
Rồi La Mã khóc ròng với Hoàng đế Elagabalus (204-222, trị vì 218-222), người tẩy sạch lông trên cơ thể và thường xuyên kẻ mắt, đội tóc giả. Nhưng Elagabalus là một người đồng tính đã công khai thành hôn với một vận động viên tên là Zoticus.
Bộ mỹ phẩm trang điểm dành cho nam Boy De Chanel và gương mặt đại diện là nam diễn viên điện ảnh Hàn Quốc Lee Dong-wook - Ảnh: Chanel
Và đánh phấn
Châu Âu là miền đất mà các xu hướng trang điểm phát triển đa dạng nhất trong 2.000 năm trở lại. Xuyên suốt từ thời Trung cổ đến Phục hưng tồn tại ở châu Âu quan niệm rằng tầng lớp thấp phải làm việc ngoài trời nên có màu da sẫm, còn tầng lớp giàu có quý tộc luôn ở trong nhà nên có sắc da trắng tươi.
Điều này khiến cho các loại phấn phủ trắng da thịnh hành trong cả hai giới, và được biết đến nhiều nhất là vào thời Nữ hoàng Elizabeth I của Anh (1533-1603), khi kiểu đánh mặt trắng bệch không chỉ được nữ hoàng và các nữ quý tộc yêu thích mà cũng được các vương tôn công tử ưa dùng.
Để có một khuôn mặt thật trắng, người ta dùng bột phủ Venetian ceruse - một hỗn hợp giấm trộn với một thành phần quen thuộc trong các chất làm đẹp của nhân loại ngàn năm trước là chì để tạo ra lớp da tựa như sứ mỏng; đến năm 1634, phấn này bị xếp là độc chất nhưng vẫn được dùng để làm đẹp đến tận 300 năm sau, thậm chí trở thành mốt phổ biến trong cả nam nữ giới quý tộc Pháp vào thế kỷ 18. Đàn ông Pháp thời đó cũng dùng cả phấn hồng.
Nếu như phụ nữ dùng phấn phủ trắng cho một quy trình làm đẹp phức tạp để gây thu hút theo chuẩn mực đương thời, đàn ông trang điểm chủ yếu là để che nếp nhăn, mụn nhọt, các vết thâm và chống nắng. Nhưng vào thế kỷ 19, trang điểm ở Anh đã bị Nữ hoàng Victoria (1819-1901) xem là không đứng đắn, thô tục, và chỉ được dùng cho các diễn viên.
Sau cuộc Cách mạng Pháp (1789-1799), các loại kem phấn cũng không còn được các quý ông nước này dùng đến. Ở Mỹ, một khảo cứu về lịch sử mỹ phẩm Mỹ của Bảo tàng lịch sử Smithsonian đã viết về việc trang điểm như sau:
"Vào thế kỷ 18, người Mỹ, cả nam và nữ, của tầng lớp trên đều trang điểm. Nhưng không lâu sau cuộc Cách mạng Mỹ (1775-1783), việc dùng mỹ phẩm "tô vẽ’ (mỹ phẩm có màu cho môi, da, mắt và móng tay) ở cả hai giới dần dần không được xã hội chấp nhận nữa".
Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng người Mỹ, Marc Jacobs, xem trang điểm là việc làm đẹp không phân biệt giới tính - Ảnh: Marc Jacobs Beauty
Chưng diện trở lại
Theo nhà thiết kế thời trang người Mỹ, Marc Jacobs, phấn son chỉ biến mất trên khuôn mặt đàn ông Mỹ sau các cuộc chiến: "Đó là vì trong Cách mạng Mỹ, kiểu chưng diện bắt mắt của đàn ông - hay làm đỏm kiểu con công, một điển hình lâu đời của chế độ quân chủ - đã được thay thế bằng hình tượng nam tính giản dị hơn tôn vinh kiểu binh sĩ trận mạc khỏe khoắn".
Nhưng cùng với sự phát triển của điện ảnh, truyền hình và công nghiệp biểu diễn, 100 năm qua, mỹ phẩm đã dần dần trở lại trên khuôn mặt đàn ông. Danh hài Charlie Chaplin viền đen quanh mắt để có một khuôn mặt gây cười trên màn ảnh những thập niên đầu thế kỷ 20.
Ngôi sao Michael Jackson tô son, đánh phấn đậm đà trong các show diễn và cả ngoài đời thường từ những năm 1980 đến cuối đời. Các nghệ sĩ Âu - Mỹ trong hai thập niên qua đã không che dấu việc mình dùng mỹ phẩm, và gần đây các "mỹ nam Hàn Quốc" môi son má phấn đầy nữ tính cũng góp mặt vào trào lưu này.
Có cầu thì phải có cung. Năm 2017, Hãng mỹ phẩm Tom Ford (TF) giới thiệu hai sản phẩm dành cho đàn ông là gel chải lông mày và kem che khuyết điểm được giới thiệu là dùng để làm mờ đốm mụn đỏ, quầng thâm mắt.
Năm 2018, Chanel tung ra dòng mỹ phẩm dành cho nam có tên là Boy De Chanel với kem nền pha màu, sáp bôi môi dạng mờ (matte), chì lông mày bốn màu. Chiến dịch quảng bá sản phẩm được Chanel khởi động vào tháng 9-2018 từ Hàn Quốc với sự tham gia của gương mặt đại diện là diễn viên điện ảnh Lee Dong-wook, trước khi bán ra toàn thế giới.
"Sắc đẹp không phải là vấn đề về giới tính mà là vấn đề về phong cách", Chanel viết trong một thông cáo báo chí giới thiệu dòng mỹ phẩm Boy De Chanel.
Một thập niên trước, nhà bán lẻ mỹ phẩm Superdrug ở Anh từng tung ra sản phẩm bút kẻ mắt và cọ lông mi dành cho nam với tên gọi là "guyliner" và "manscara" vào năm 2008 và thất bại. Nhưng giờ đây, tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor dự đoán thị trường mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp dành cho nam toàn cầu sẽ đạt khoảng 61 tỉ USD trong năm 2020, tăng gấp 4 lần so với năm 2015.
Những món đồ trang điểm dành cho nam của TF, Chanel, Clinique đang ngày càng đa dạng hơn với sáp môi dưỡng ẩm, mascara định hình lông mày, mặt nạ đất sét, kem nền có màu, bên cạnh những sản phẩm chăm sóc đã trở thành truyền thống như sữa dưỡng thể, kem dưỡng da, dưỡng mắt. Thế kỷ 21, đàn ông đang được làm đẹp đàng hoàng trở lại.
Và họ có khối điều mà các chị em có thể học hỏi quanh chuyện làm đẹp.
TTO - Sống với nghề may gần 40 năm, ông Đỗ Minh Tám (Trạch Xá, Hà Nội) luôn đau đáu làm sao giữ được văn hóa dân tộc trong tà áo dài truyền thống. Nơi làng nghề chỉ đàn ông may áo dài, ông Tám là người giữ lại bí quyết may áo dài đang dần mai một.