Vượn Hải Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao khi môi trường sống thu hẹp - Ảnh: Trại thí nghiệm và vườn thực vật Kadoorie
Vượn Hải Nam (Nomascus hainanus) hay còn gọi là vượn mào đen là một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới hiện nay. Con trưởng thành cao chưa tới 60cm, thân hình nhỏ thon với các chi rất dài. Vượn đực có bộ lông đen, còn vượn cái có màu lông vàng.
Loài vượn này đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao khi môi trường sống thu hẹp, các cánh rừng bị khai thác làm đường sá và xây dựng các công trình nhà ở khác.
Đặc biệt, vượn Hải Nam là loài không bao giờ xuống dưới đất. Mọi sinh hoạt như ăn, ngủ, sinh con, giao phối và di chuyển đều diễn ra hoàn toàn trên cây.
Để giúp chúng vượt qua những khoảng trống trong môi trường sống trong rừng, các chuyên gia đã chăng những sợi dây thừng từ cây này sang cây khác qua các khoảng rừng đã bị khai thác.
Vượn Hải Nam di chuyển qua các sợi dây thừng
Sau một thời gian áp dụng, những "cây cầu" dây này đã phát huy tác dụng khi những con vượn di chuyển qua chúng.
Nhóm nghiên cứu cho biết phương pháp này có thể được sử dụng để liên kết các khu rừng biệt lập ở những nơi khác trên thế giới và mở rộng môi trường sống của các loài vượn đang bị đe dọa khác.
Nhà sinh vật học Bosco Chan thuộc Trại thí nghiệm và vườn thực vật Kadoorie (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết: "Kết quả của nghiên cứu này đã cho thấy hiệu quả của việc sử dụng cầu dây để nối các khoảng trống trong tán rừng với nhau".
Loài vượn mào đen không bao giờ xuống đất - Ảnh: Trại thí nghiệm và vườn thực vật Kadoorie
Phương pháp này được các nhà bảo tồn áp dụng từ năm 2015 đến nay. Những sợi dây thừng giống như dây mà các nhà leo núi sử dụng được chăng từ cây này sang cây khác, qua các hẻm núi, khu resort, các con đường hay bất kỳ khoảng trống nào giữa các cánh rừng trên đảo.
Mất tới 6 tháng đầu tiên, những con vượn trên đảo mới làm quen và đi qua cầu dây.
Tuy nhiên, nhà sinh vật học Bosco Chan cũng nhấn mạnh phương pháp này chỉ là một trong những cách có thể áp dụng để giúp những con vượn di chuyển mà không phải là biện pháp tối ưu để bảo vệ loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Đây chỉ là giải pháp trước mắt, việc khôi phục rừng tự nhiên là biện pháp ưu tiên hàng đầu và lâu dài để bảo tồn các loài linh trưởng.
Theo các nghiên cứu, loài vượn này phân bố trên một nửa lãnh thổ Trung Quốc vào thế kỷ 17. Vào những năm 1950, có khoảng 2.000 con trên đảo nhưng cho đến nay chỉ còn 30 cá thể vượn mào đen sống ở trên đảo Hải Nam, bất chấp những kế hoạch bảo tồn, nhân giống.
Cặp vượn cáo lông đỏ cổ khoang song sinh đã chào đời gần đây tại Khu Bảo tồn Động vật hoang dã Singapore và là ca sinh đôi vô cùng hiếm.
Xem thêm: mth.49484859071010202-gnuhc-teyut-iohk-meih-cuc-nouv-iaol-uuc-ed-uac-mal-yad-gnahc/nv.ertiout