Anh Hướng vào vùng tâm lũ trong đợt mưa lũ vừa qua - Ảnh: T.B.
Tất cả đều mong phép mầu, kỳ tích sẽ đến với 13 người trong đoàn tiền trạm cứu hộ vụ sạt lở núi ở thủy điện Rào Trăng 3. Nhưng rồi đau xót khi chẳng có kỳ tích nào xuất hiện. Tất cả đã hi sinh tại trạm quản lý, bảo vệ rừng 67 (trạm 67).
Và chẳng ai ngờ, người phóng viên, trưởng phòng thông tin tuyên truyền - Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế cả đời xông pha những nơi lũ sâu, núi lở kịp thời đưa thông tin cảnh báo đến người dân lại ra đi mãi mãi bởi một vụ sạt lở núi.
Chuyến công tác cuối cùng
Tối 15-10, khi chiếc xe cuối cùng về đến Bệnh viện Quân y 268, bầu trời cố đô Huế nổi mưa, những người lính đứng dọc đường nghiêm trang chào những người trở về nơi tuyến đầu. Nơi lối rẽ vào bệnh viện có một người lặng lẽ đứng nhìn.
Người đàn ông ấy may mắn khi toàn vẹn trở về. Nhìn những người mấy ngày trước còn xuyên núi cùng mình nay về thiên cổ, ông lặng lẽ với những niềm riêng khó giãi bày.
"Buổi trưa hôm ấy, khi đoàn xuất phát, anh Hướng nhanh chóng lên xe. Đến chiều, khi đoàn đến khu vực Khe Cát, mưa lớn, nước tràn qua mặt đường, một số người quay lại, còn anh Hướng vẫn bám theo. Anh mong có những hình ảnh, clip từ hiện trường vụ sạt lở núi ở thủy điện Rào Trăng 3", ông kể và nói rất thương anh Hướng bởi lòng nhiệt thành và tinh thần trách nhiệm rất cao.
Anh Phạm Văn Hướng (đội mũ đứng giữa) tham gia thông tin trong một cuộc họp chuẩn bị đi ứng phó thiên tại của bộ đội và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Đêm mưa lạnh lẽo, ông mở điện thoại nói thêm: "Hôm ni là sinh nhật Hướng, đời tôi chưa đón sinh nhật của ai buồn đến vậy".
Cảm xúc, đủ để ông bình tĩnh kể lại cuộc hành trình đến trạm 67. Lúc đó nhiều người mệt lả bởi leo núi và mưa lớn. Còn anh Phạm Văn Hướng vẫn dựng bếp nhóm lửa nấu cơm phục vụ đoàn công tác, dù đó chẳng phải nhiệm vụ của anh.
Bữa cơm giữa rừng lạnh lẽo kết thúc, cả đoàn tranh thủ nghỉ ngơi chuẩn bị cho hành trình dự kiến sẽ khó khăn vào sáng ngày mai. Nào ngờ giữa khuya đất đá đổ xuống.
"Chúng tôi ở phòng bên này may mắn thoát ra ngoài. Đêm đó, 8 người chúng tôi họp bàn kế hoạch cứu những người đang mắc kẹt thì núi đổ sập một lần nữa, vùi lấp tất cả", ông nghẹn giọng rồi đưa tay ấn vào nút chúc mừng sinh nhật trên Zalo.
Một chiếc bánh được gửi đi trên thế giới ảo. Ông biết sẽ chẳng có câu trả lời nào để chờ đợi ngoài nỗi đau...
Một con người hiền lành
Đồng nghiệp, bạn bè tìm đến nhà anh Hướng, căn phòng nhỏ nằm trên tầng 5 một chung cư ở TP Huế, cửa khóa, mọi thứ lặng lẽ.
Anh Thắng, phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng, người thân thiết với anh Hướng, nói anh Hướng mới chuyển về đây ít năm, căn phòng này anh mua trả góp và vẫn đang mang nợ. Giờ anh mất chẳng biết mọi thứ sẽ thế nào.
Chia sẻ của anh Thắng cũng là nỗi lo của nhiều đồng nghiệp khác. Nhiều năm qua, anh Hướng "gà trống nuôi con". Cô con gái đầu Phạm Thiên Hà đang học năm cuối Trường đại học Khoa học xã hội nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, con gái nhỏ là nữ sinh Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế), cả hai đều học rất giỏi.
Chị Tường Vy, phóng viên TTXVN, mấy ngày qua lập nhóm trao đổi cùng nhiều đồng nghiệp bàn cách giúp hai con anh Hướng và tổ chức tang lễ cho anh.
"Thiên Hà mới về Huế, cùng em gái vào bệnh viện chịu tang cha, giờ đang như người mất hồn. Tôi lo nhất là em nói tạm nghỉ học nuôi em. Chúng tôi sẽ tìm mọi cách để em không ngừng việc học", chị Tường Vy cho biết.
Đang căng thẳng đưa tin lũ lụt và theo dõi diễn biến vụ tìm kiếm những công nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3, công việc nhiều nhưng những phóng viên ở Huế đều tranh thủ thời gian ghé Bệnh viện Quân y 268, dù chỉ đứng ngoài cổng chứ không được phép vào trong.
Anh Phạm Văn Hướng - Ảnh: Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Chị Lê Thị Thêm, công tác tại Đài phát thanh truyền hình huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế), nơi anh Hướng gắn bó hơn 20 năm, kể về những năm tháng làm phóng viên đầy khó khăn ở vùng cao, chàng trai trẻ từ Thái Bình vào hăng say với công việc.
"Trên núi thường có lũ và lở núi, nhưng cứ nghe là anh lên đường, lúc nào cũng mang thêm ít mì tôm để cho tụi nhỏ và đồng bào. Nắm được tin là anh chia sẻ cho các đồng nghiệp dưới xuôi biết tình hình. Hôm kia hay tin tôi bàng hoàng, gọi cho anh mãi mà không được...", chị Thêm tâm sự.
Tròn 20 năm công tác cùng nhau, đến năm 2013, anh Hướng mới chuyển về làm ở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây, anh tiếp tục đời phóng viên, rồi lên trưởng phòng thông tin tuyên truyền. Ở vị trí nào anh cũng máu lửa, bão lũ luôn xung phong về vùng khó.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương - giám đốc Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế - tâm sự: "Mấy năm qua Huế đón nhiều đợt bão lũ, không bao giờ ngồi ở phòng, anh thích đi ghi nhận những khó khăn của người dân. Tôi có cảm giác anh sống trong khó khăn nên thấu cảm và luôn muốn đến với người dân lúc thiên tai hoạn nạn".
Chuyến công tác cuối cùng, anh chỉ kịp mua thức ăn lội lũ vào chung cư đưa cho con và dặn dò phải ở trong nhà rồi lên đường. Để rồi ra đi mãi mãi...
Bố anh Hướng đã mất, người mẹ già yếu không thể từ Thái Bình vào Huế tiễn con, bạn bè, đồng nghiệp đang chung tay lo tang lễ cho anh.
Theo nguyện vọng của gia đình sẽ hỏa táng để hai con anh có đi đâu cũng mang cha theo cùng. Những ngổn ngang phía trước của hai con anh, mọi người đang chung tay...
TTO CẬP NHẬT - Đến 19h30 hôm nay, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 đã tìm thấy thi thể 13 thành viên trong đoàn công tác gặp nạn tại Trạm bảo vệ rừng 67.
Xem thêm: mth.25795000171010202-76-mart-ut-ev-hna-aud-iod-gnod-tahn-hnis-moh-gnud/nv.ertiout