“Kể từ khi COVID-19 bùng phát, nguồn cung đã tăng mạnh. Nguyên nhân là hầu hết mọi người dành nhiều thời gian ở nhà hơn. Họ nhìn chằm chằm vào tủ quần áo đầy ắp và có ý định kiếm thêm ít tiền mặt”, Anthony Marino - giám đốc ThredUp - cho biết.
Một báo cáo gần đây của trang web này cho thấy 50% lượng người tham gia khảo sát đang dọn dẹp tủ quần áo thường xuyên hơn so với trước đại dịch. Cụ thể, người mua sắm đã dành 2,2 triệu giờ duyệt ThredUp, tăng 31% so với thời kỳ trước COVID-19.
Thay đổi phong cách sống
Hiện chưa rõ liệu việc cần tiền mặt có phải là yếu tố dẫn đến sự tăng trưởng của thị trường bán đồ cũ hay không, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp. Rất nhiều người muốn bán nhưng ai sẽ là người mua trong bối cảnh chẳng ai tiệc tùng, đi làm và trang phục thể thao được ưa chuộng hơn?
“Nguồn cung nhiều hơn có thể là do COVID-19 nhưng trào lưu này đã tăng trưởng từ lâu vì mọi người không còn tin rằng họ phải nắm giữ tài sản trong suốt cuộc đời. Trong đại dịch, mọi người bất chợt nhìn vào tủ quần áo và nghĩ: “Tiền mặt đang treo ở đó”, Mark Cohen - giám đốc nghiên cứu mảng bán lẻ của Đại học Columbia - nói. Thế nhưng, COVID-19 đã mang đến một tình huống chưa từng có tiền lệ, khiến mọi dự đoán đều trở nên kém chính xác.
Cohen cho rằng, ngay cả các công ty được kỳ vọng như ThredUp hay The RealReal sẽ khó tìm được khách hàng trong tương lai gần khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. “Phong cách được chuộng nhất bây giờ là thoải mái, như trang phục đường phố. The RealReal sẽ gặp khó khăn nếu như cứ tiếp tục thu mua mà không tìm được người mua”, ông nói. "Tôi đã không sử dụng chiếc túi xách đắt tiền của mình trong một năm và hiện tôi đang gần như phá sản. Sẽ rất tuyệt nếu The RealReal muốn mua. Nó có giá 6.000 USD nhưng sẽ đến tay bạn với giá 1.000 USD. Mặc dù vậy, sẽ chẳng có bữa tiệc nào để bạn diện nó cả”.
Milton Pedraza - người sáng lập công ty Luxury Institute - cho biết ngày càng có nhiều người sử dụng các trang web để bán tài sản của họ khi cần thiết, bao gồm cả những người có thu nhập cao bị mất việc làm. Họ thường được gọi bằng từ lóng là “HENRYs” (những người có thu nhập cao nhưng chưa giàu). Mất việc làm khiến họ bất an nên đành rao bán những món đồ đắt tiền của mình.
“Nhu cầu đối với các sản phẩm này thấp hơn rất nhiều so với nguồn cung. Đối tượng trung lưu và thượng lưu bị tác động mạnh dù họ không thừa nhận. Trừ khi sở hữu hàng chục triệu USD trở lên, nếu không bạn đã và đang gánh chịu hậu quả từ COVID-19”, ông nói. “Thị trường hàng xa xỉ ở Mỹ có thể giảm nhiều hơn trong vòng 18 đến 36 tháng tới. Hiện tại, rất nhiều thương hiệu phụ thuộc vào Trung Quốc hơn là Mỹ và châu Âu”.
Ngành công nghiệp thời trang đã buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh ngắn hạn, thậm chí dài hạn, để thích nghi với giai đoạn “bình thường mới” khi các tín đồ thời trang rời khỏi cuộc chơi, phương thức bán hàng trực tiếp với khách hàng bị vô hiệu hóa (vốn cực kỳ quan trọng trong phân khúc cao cấp), nhiều người Mỹ eo hẹp tài chính chỉ tập trung vào việc mua sắm những thứ thiết yếu. Việc thiếu các sự kiện xã hội đã không thúc đẩy được nhu cầu mua hàng may mặc và phụ kiện cao cấp.
The RealReal đã lỗ 43 triệu USD trong quý II/2020. Thế nhưng, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Julie Wainwright khá lạc quan khi COVID-19 đang dần được kiểm soát tại nhiều thành phố lớn như New York và Los Angeles. Bên cạnh đó, bà còn nhấn mạnh rằng túi xách và đồ trang sức, cùng với đồ nội thất gia đình đang bán chạy hơn dự đoán của công ty.
Khi các cửa hàng bán lẻ tham gia cuộc chơi
Không có gì ngạc nhiên khi thị trường thời trang đã qua sử dụng đang nhận được sự chú ý từ một số người chơi lâu đời nhất trong ngành bán lẻ. Các hệ thống cửa hàng bao gồm Macy’s, Nordstrom và Gap tham gia thị trường này không chỉ nhằm thu hút khách hàng trẻ tuổi, mà còn để phục hồi doanh số bán hàng đang trì trệ trên diện rộng.
Macy’s đã công bố chương trình thử nghiệm 40 cửa hàng với ThredUp để bán quần áo cũ. Nordstrom bắt đầu bán quần áo, giày dép và phụ kiện đã qua sử dụng tại cửa hàng sang trọng của mình ở New York đầu năm 2020.
Bằng cách cung cấp hàng cũ cùng với hàng hóa mới, các nhà bán lẻ cho thấy họ đang lắng nghe khách hàng và phục vụ đúng nhu cầu của người mua. Họ cũng đang cố gắng thu hút những khách hàng trẻ tuổi hơn.
ThredUp hiện đứng sau hỗ trợ hơn chục thương hiệu bao gồm Gap, Reebok, Abercrombie & Fitch... “Các nhà bán lẻ có tư duy tiến bộ dường như nhận ra rằng việc bán lại mang đến giá trị và tính bền vững mà khách hàng của họ yêu cầu”, Marino nói.
Mặc dù vậy, Mark Cohen cho rằng những cửa hàng bán lẻ không mấy nghiêm túc đối với việc bán đồ cũ. Họ chỉ áp dụng nó như một phương thức hỗ trợ cho chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ trong khi chẳng mấy ai đến cửa hàng.
Vai trò ngày càng tăng của công nghệ trong ngành bán lẻ
Nếu có một thứ giúp phân biệt các cửa hàng đồ cũ mốc meo của ngày xưa với những sàn giao dịch trực tuyến hiện nay thì đó chính là công nghệ.
Anthony Marino cho biết, ThredUp đã đánh giá hơn 100 triệu mặt hàng và có thể xử lý hơn một mặt hàng mỗi giây. Công ty này sử dụng các kỹ sư từng làm việc tại SpaceX và Netflix để thiết kế cơ sở hạ tầng cho chuỗi cung ứng và hậu cần khổng lồ của mình. “Các thuật toán định giá của chúng tôi có thể phát hiện giá trị của bất kỳ loại quần áo nào trong 1/10 giây”, ông nói.
Trong khi đó, The RealReal sử dụng con người để kiểm tra và định giá hàng hóa xa xỉ sẽ đưa lên trang web của mình.
Milton Pedraza của Luxury Institute cho rằng, trình độ công nghệ hiện nay vẫn chưa phát triển đầy đủ để nâng cao trải nghiệm mua hàng của người tiêu dùng. Khi ngành công nghiệp này có thể kết hợp thành công giữa dữ liệu cá nhân và AI, đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Tuy nhiên, ngay cả Amazon cũng chưa làm được và mối quan tâm về quyền riêng tư dữ liệu vẫn còn gây tranh cãi.
Thị trường đồ cũ sẽ sống sót sau COVID-19
Sự kỳ thị đối với thị trường quần áo cũ này đã giảm dần, nhất là trong thời điểm hiện tại. Jill Standish, giám đốc điều hành cấp cao của Công ty Accenture và là người đứng đầu bộ phận bán lẻ toàn cầu của hãng - cho rằng thời trang bây giờ không chỉ phản ánh sự sành điệu mà còn phải có trách nhiệm với môi trường.
Những người mua sắm trẻ tuổi không chỉ quan tâm đến cách quần áo của họ được tạo ra, mà còn quan tâm đến tác động của chúng đối với môi trường sau khi bị loại bỏ. Trong khi, phương thức bán lại kéo dài tuổi thọ của một mặt hàng.
Theo một nghiên cứu của ThredUp với GreenStory, chỉ cần đưa một mặt hàng quần áo trở lại nền kinh tế tuần hoàn sẽ kéo dài tuổi thọ trung bình của nó lên 2,2 năm; giảm lượng khí thải carbon, rác thải và nước xuống 82%.
“Người tiêu dùng đang mua sắm với đúng giá trị của mình. Họ quan tâm đến biến đổi khí hậu và tác động của quần áo đến môi trường. Đó là lý do tại sao họ bị thu hút bởi quần áo cũ”, Standish nói.
Mai Thảo
Xem thêm: lmth.5799141a-air-ar-ib-pac-oac-oa-nauq-ut-gnuhn-av-91-divoc/nv.moc.enilnounuhp.www