vĐồng tin tức tài chính 365

Không đánh đổi bằng mọi giá

2020-10-17 14:50

Đảm bảo an ninh năng lượng là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, phát triển không có nghĩa là chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá. Sự phát triển “nóng” của các dự án thủy điện vừa và nhỏ thời gian qua đã làm dấy lên không ít quan ngại bởi thực trạng quy hoạch thủy điện thiếu kiểm soát.

Kiên quyết không bổ sung dự án thủy điện có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên

Trước đây, một loạt thủy điện nhỏ bị sự cố nghiêm trọng như Đăk Man 3 tỉnh Kon Tum, Đăk Rông 3 tỉnh Quảng Trị, Đạm Bol tỉnh Lâm Đồng, Hố Hô ở hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình. Điều này cho thấy, cơ chế phân cấp giám sát quản lý an toàn công trình thuỷ điện, nhất là thuỷ điện vừa và nhỏ bộc lộ nhiều bất cập.

Nói về quy hoạch phát triển thuỷ điện, đặc biệt thuỷ điện vừa và nhỏ ở Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương - cho biết, ngày 27.12.2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 43 quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện (Thông tư 43).

Theo Thông tư 43, việc nghiên cứu lập quy hoạch bậc thang thủy điện trên các lưu vực sông chính và việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch thủy điện trên địa bàn cả nước thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, việc nghiên cứu, lập quy hoạch thủy điện trên các lưu vực sông nhánh thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh.

Các thành phần kinh tế trong xã hội cũng được chính quyền tạo điều kiện và cho phép nghiên cứu lập quy hoạch các dự án thủy điện để đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ theo đúng các quy định của pháp luật.

Theo đó, về tiêu chí môi trường - xã hội yêu cầu dự án không chiếm dụng quá 10ha/MW và không ảnh hưởng di dân quá 1 hộ/MW; phải tuân thủ quy định tại Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Điện lực...

“Thời gian qua, chúng tôi đã kiên quyết loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Đây là các dự án có chiếm nhiều diện tích đất hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội” - ông Quân nói. Đồng thời, ông Quân khẳng định: “Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên”.

Loại khỏi quy hoạch dự án thuỷ điện ảnh hưởng đến môi trường, dân sinh

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh vùng hạ du… hầu hết đã được rà soát, loại bỏ khỏi quy hoạch theo các nội dung yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ về phát triển thủy điện một cách bền vững, không gây tác động tiêu cực đến môi trường-xã hội, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

“Quan điểm của chúng tôi là đối với các dự án thủy điện còn lại trong quy hoạch, kể cả các dự án đang nghiên cứu đầu tư, hoặc đang thi công xây dựng đều được bộ chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá các ảnh hưởng tiêu cực (nếu phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng) sẽ được điều chỉnh quy mô, thông số để đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội. Trường hợp không có phương án điều chỉnh sẽ kiên quyết loại khỏi quy hoạch và đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi dự án.

Ông Quân nói rằng, để tiếp tục thực hiện các nội dung yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ về phát triển thủy điện một cách bền vững, không gây tác động tiêu cực đến môi trường-xã hội, đảm bảo hiệu quả đầu tư, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa các nội dung bằng chương trình hành động với các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và phương pháp tổ chức thực hiện một cách cụ thể, thống nhất và đồng bộ từ các bộ, ngành Trung ương đến các địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, “hiện nay mật độ thuỷ điện được đánh giá dày đặc, có một thời kỳ, phát triển thuỷ điện rất ồ ạt, điều này ảnh hưởng ra sao tới cảnh quan, môi trường, du lịch và nhiều thứ khác?”, ông Quân cho rằng: Trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hiện nay, thủy điện chiếm tỉ trọng khá lớn, các nhà máy thủy điện đang vận hành chiếm tỉ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 37% về điện năng toàn hệ thống, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng.

Việc xây dựng thủy điện tập trung vào một số khu vực cũng không tránh khỏi một số ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, du lịch... trong khu vực dự án do tiếng ồn, bụi, khói, ô nhiễm nguồn nước... trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Để khắc phục các nhược điểm, ngoài trách nhiệm chỉ đạo giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý chuyên ngành Công Thương, cũng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan liên quan trong việc cấp phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, nông nghiệp, lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương và ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các chủ đầu tư dự án thủy điện” - ông Quân nói.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và sửa đổi, bổ sung và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ nêu trên. Các quy trình vận hành liên hồ quy định đầy đủ, chặt chẽ sự phối hợp giữa các chủ hồ với nhau, giữa các chủ hồ với các cơ quan có liên quan trong việc vận hành hồ chứa bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả tài nguyên nước trên 11 lưu vực sông.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch điện VIII (Quy hoạch ngành quốc gia theo Luật Quy hoạch), theo đó, 13 quy hoạch bậc thang thủy điện trên các sông lớn và quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc sẽ được tích hợp vào quy hoạch này. Vì vậy, quy hoạch thủy điện cũng sẽ được đánh giá, xem xét đảm bảo hài hòa, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung.

Xem thêm: odl.768548-aig-iom-gnab-iod-hnad-gnohk/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Không đánh đổi bằng mọi giá”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools