Những ngày này, người dân Thừa Thiên - Huế và cả nước bàng hoàng trước sự ra đi của những cán bộ, chiễn sĩ gặp nạn tại trạm nghỉ chân tiểu khu 67, khi trên đường tiến vào thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) xác minh và tìm kiếm nhóm công nhân bị mất tích.
Gia đình chuẩn bị lo hậu sự cho thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc. Ảnh: N.DO
Người dân hồi hộp theo dõi cuộc tìm kiếm, cầu mong một phép màu xuất hiện, nhưng thật xót xa, tối 15-6 tất cả mọi người đã được tìm thấy ở khu vực sạt lở. Nhiều người thân sụp đổ, trời Thừa Thiên vẫn mưa xối xã không nguôi.
Sáng ngày 17-10, trong con hẻm 187 của đường Hùng Vương, phường An Cự, TP Huế, trước căn nhà của bố mẹ và thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc (34 tuổi, trưởng Ban Công binh, phòng Tham mưu, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang ở được người dân gấp rút dựng rạp và chuẩn bị đón anh về.
Người thân của liệt sĩ Phúc được lực lược chức năng đón lên Bệnh viện Quân y 268, nơi đặt thi thể của anh đợi ngày truy điệu tập thể vào ngày mai. Trong con kiệt nhỏ, cái buồn bã, đau xót hiện lên trên khuôn mặt mọi người.
Ông Lê Công Hùng (54 tuổi, phường An Cựu), cậu ruột và sống cạnh nhà của thiếu tá Phúc cho biết, anh Phúc có vợ và hai người con, đứa con lớn vào lớp 1, đứa nhỏ mới 2 tuổi.
Những ngày trước, Huế đổ cơn mưa cộng với nước lũ từ vùng cao đổ về khiến căn nhà nhỏ bị nước lụt đến gần ngực. Là Trưởng Ban Công binh, thiếu tá Phúc luôn lao về phía người dân cầu cứu nên mọi việc trong nhà đều giao lại cho cha mẹ già cùng vợ xoay sở.
"Ngày 11-10, Phúc có gặp tôi rồi đi làm, hôm đó con Phúc đau nên Phúc hẹn bác sĩ sau giờ làm sẽ đưa đứa nhỏ 2 tuổi đến khám. Tuy nhiên sau đó, Phúc điện lại báo là không về được vì phải đi công tác" - ông Hùng kể lại.
Ông Hùng, cậu ruột của thiếu tá Phúc kể lại sự việc. Ảnh: N.DO
Ông Hùng cho biết, cuộc gọi báo đi công tác là cuộc cuối cùng gia đình nhận được, từ đó mọi người không còn liên lạc được nữa.
"Sáng hôm sau mọi người gọi vẫn không được, nhưng nghĩ đi vào vùng mất sóng hoặc điện thoại hết pin, nhưng mãi đến chiều tối gọi lại vẫn không được, nên nghĩ có chuyện chẳng lành" – ông Hùng nói.
"Trong thời gian đó, mọi người trong gia đình đều ngóng tin, đặc biệt khi báo đài đăng tin về vụ đoàn công tác mất tích khi tiếp cận thủy điện Rào Trăng thì người nhà đã gọi lên cơ quan của Phúc và hình dung được sự việc. Còn Trang (vợ anh Phúc-PV) ôm con bị sốt cứ ngồi khóc đợi tin chồng" – ông Hùng nói.
"Vào tối 14-10, chính quyền địa phương đến nhà báo tin là Phúc mất tích trong vụ 13 người thì cả nhà như sụp đổ, vợ và mẹ của Phúc ngất lên ngất xuống, nhìn rất đau lòng" – ông Hùng đưa tay gạt nước mắt, nói.
Ông Tôn Thất Lập rớt nước mắt kể về người cháu không may gặp nạn. Ảnh: N.DO
Nhớ lại những ngày qua, ông Tôn Thất Lập (bác ruột thiếu tá Phúc) vẫn còn thấy lòng đau như cắt. Ông Lập cho hay cả gia đình chỉ mỗi anh Phúc theo binh nghiệp. Thiếu tá Phúc nghiễm nhiên trở thành niềm tự hào của cả gia đình.
"Cháu hy sinh vì nghĩa vụ với tổ quốc. Gia đình tôi không có mong cầu gì, giờ trong lòng mọi người chỉ còn nỗi xót xa, đau buồn vô tận" – ông Lập bần thần.
Hôm nay 17-10, trời lại đổ mưa không ngớt, người dân Thừa Thiên lại khẩn trương chạy lũ, lực lượng bộ đội tiếp tục lao về phía người dân cứu nạn, cứu hộ.
Nơi nào khó khăn cần cứu hộ, người ta biết nơi đó có những người lính.
Chương trình tang lễ 13 liệt sĩ hy sinh khi tiếp cận cứu nạn, cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng được tổ chức tại Nhà tang lễ, Bệnh viện 268 ở đường Mang Cá, TP Huế. Thời gian tổ chức: Lễ viếng từ 7 giờ - 11 giờ ngày 18-10; lễ truy điệu từ 11 giờ -12 giờ cùng ngày; từ 12 giờ là lễ di quan về các địa phương. Chương trình tang lễ từng liệt sĩ do mỗi địa phương tự chủ động. |