Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Thái Lan
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Các quỹ đầu tư nước ngoài có thể giảm nắm giữ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thái Lan hơn nữa sau khi Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha ban bố tình trạng khẩn cấp trong một nỗ lực dập tắt các cuộc biểu tình kêu gọi ông từ chức và cải cách chế độ quân chủ.
Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán Thái Lan (SET Index) đã giảm từ 21,91%. Ảnh: Reuters |
Biểu tình bước sang ngày thứ ba
Đúng ngay lúc một số đầu tư bắt đầu lạc quan rằng kế hoạch tái mở cửa biên giới của Thái Lan sẽ ngăn chặn dòng vốn nước ngoài rời bỏ Thái Lan và giúp chặn đựng cơn suy giảm của thị trường chứng khoán trong nước thì các bất ổn chính trị bùng lên trở lại.
Bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người, tối 16-10, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ tiếp tục xuống đường ở Bangkok trong ngày thứ ba liên tiếp. Cảnh sát đã dùng vòi ròng xịt nước màu xanh gây cay mắt vào người biểu tình. Sau đó, các lãnh đạo biểu tình tuyên bố chấm dứt biểu tình nhưng cho biết sẽ xuống đường tiếp vào hôm nay (17-10).
Hôm 15-10, Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng ở Bangkok sau khi hàng chục người biểu tình xuống đường ở Bangkok vào đêm 14-10, đẩy lùi hàng rào cảnh sát và diễu hành đến tòa nhà chính phủ, một động thái leo thang của các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu nổ ra hồi tháng 7.
Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp cấm các cuộc tụ tập 5 người trở lên ở nơi công cộng và cấm báo chí và mạng xã hội đưa tin gây nguy hại an ninh quốc gia. Người biểu tình yêu cầu ông Prayuth Chan-Ocha từ chức, cải cách chế độ quân chủ để giảm quyền lực của Quốc vương Maha Vajiralongkorn và viết lại hiến pháp.
Năm 2014, ông Prayuth Chan-Ocha, khi đó là Tổng lệnh lục quân Thái Lan, lên nắm quyền thủ tướng lâm thời sau một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền đương nhiệm của nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra. Tháng 8-2014, ông được chính thức được bầu làm thủ tướng bởi một quốc hội tạm thời do quân đội kiểm soát.
Sau đó, một hội đồng, do quân đội Thái Lan chỉ định, đã soạn thảo và thông qua hiến pháp mới, cho phép quân đội bổ nhiệm tất cả 250 ghế tại Thượng viện Thái Lan. Các thượng nghị sĩ và các hạ nghị sĩ Thái Lan đều tham gia bầu thủ tướng.
Ông Prayuth Chan-Ocha tái đắc cử thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử gây tranh cãi vào năm 2019 nhờ nhận được 500 phiếu bầu từ quốc hội (có tổng cộng 750 thành viên, gồm 250 thành viên ở thượng viện và 500 thành viên ở Hạ viện). Dĩ nhiên, 250 thượng nghị sĩ đều bỏ phiếu cho ông.
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp nội các khẩn cấp vào tối 16-10, Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha nói cứng rắn: “Tôi sẽ không từ chức”. Ông cảnh báo người biểu tình không được vi phạm các lệnh cấm của tình trạng khẩn cấp. Ông nói: “Nếu các bạn làm điều sai trái, chúng tôi sẽ sử dụng pháp luật”.
Cảnh sát và người biểu tình xô xát ở Bangkok vào tối 16-10. Ảnh: Getty |
Bán ròng hơn 9 tỉ đô la chứng khoán Thái Lan
Kể từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,12 tỉ đô la Mỹ trên thị trường chứng khoán Thái Lan và con số bán ròng của họ trong năm nay có thể vượt mức kỷ lục bán ròng trong năm 2018.
“Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn không chuộng chứng khoán Thái Lan. Diễn biến biểu tình mới nhất có thể sẽ xác nhận mối lo ngại của họ về rủi ro chính trị của Thái Lan”, Prapas Tonpibulsak, Giám đốc đầu tư ở Công ty quản lý tài sản Talis Asset Management, nói.
Bất ổn chính trị ở xứ chùa Vàng trỗi dậy khi đại dịch Covid-19 tàn phá ngành du lịch và thương mại, hai động lực tăng trưởng chính của Thái Lan, khiến nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á hướng đến mức suy giảm kỷ lục trong năm nay.
Chỉ số chứng khoán Thái Lan (SET) chốt phiên giao dịch hôm 16-10 với mức giảm 0,75%, nâng mức giảm từ đầu năm đến nay lên 21,91%. Đây là mức giảm lớn thứ hai ở châu Á, chỉ sau mức giảm của thị trường chứng khoán Philippines trong năm nay.
Đồng baht của Thái Lan đã tăng hơn 6% so với đô la Mỹ từ điểm giá thấp nhất trong năm nay hồi tháng 4, khiến Ngân hàng trung ương Thái Lan cảnh báo nếu đồng baht mạnh lên thêm nữa, đà hồi phục kinh tế của đất nước có thể bị tổn thương. Đồng baht mạnh khiến hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan kém cạnh tranh hơn ở thị trường nước ngoài.
Hồi tháng 7, Hội đồng các nhà xuất khẩu quốc gia Thái Lan dự báo kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan sẽ sụt giảm 10% trong năm nay do khủng hoảng Covid-19 và đồng baht mạnh lên. Gần đây, Thái Lan công bố kế hoạch tái mở cửa biên giới để đón các nhóm du khách nước ngoài ở một số nước có rủi ro lây nhiễm Covid-19 thấp đến lưu trú dài hạn.
Thiếu vắng du khách nước ngoài đang làm suy giảm tăng trưởng của Thái Lan, bào mòn sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu trong nước. Năm ngoái, ngành du lịch đóng góp 20% GDP của Thái Lan.
“Các công ty Thái Lan đối mặt với triển vọng lợi nhuận rất ảm đạm và điều này khiến cổ phiếu của họ không thu hút giới đầu tư nước ngoài không. Môi trường chính trị bất ổn sẽ càng làm gia tăng rủi ro suy giảm của thị trường chứng khoán Thái Lan”, Komsorn Prakobphol, nhà chiến lược đầu tư cấp cao ở Công ty Tisco Financial Group ở Bangkok, nhận định.
Tuy nhiên, Nirgunan Tiruchelvam, Giám đốc bộ phận nghiên cổ phiếu thuộc ngành tiêu dùng ở Công ty Tellimer, cho rằng cổ phiếu giảm giá sau khi Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp có thể tạo ra cơ hội để mua vào. Tiruchelvam dự báo thị trường chứng khoán Thái Lan có thể tăng mạnh trong trung hạn khi ngành du lịch phục hồi.
Theo Bloomberg, Bangkok Post