vĐồng tin tức tài chính 365

Siêu thị, cửa hàng tiện lợi vô tư “tái chế” trái cây quá ngày

2020-10-17 19:47

Nếu như trước đây, việc tận dụng các loại trái cây quá chín hoặc những trái hư thối một phần chỉ được các điểm bán trái cây các tuyến đường áp dụng bán lại cho các cửa hàng nước ép, trái cây dĩa, chè Thái… thì hiện không ít các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vô tư bán những sản phẩm này với giá thấp hơn hay dưới dạng hàng đóng gói.

Tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp, kệ hàng trái cây được dời ra trước cửa để khách tiện mua, còn trái cây cắt sẵn, đóng vỉ được sắp trên kệ mát bên trong. Ngày 14/10, chúng tôi thấy trên kệ có nhiều khay mít Thái bóc vỏ sẵn, sơ ri, ổi, xoài cắt sẵn... đã quá hạn sử dụng từ 1 - 2 ngày, bị khô, nhũn, giá bán bằng trái cây nguyên trái.

Theo một nhân viên ở đây, trái cây cắt sẵn có hạn sử dụng trong ngày và thường được cắt từ những trái có vỏ xấu, không đóng vỉ nguyên trái được do khó bán.

Về số trái cây cắt sẵn hết hạn, bị hư trên kệ, nữ nhân viên này giải thích “chắc mấy bạn ca sáng quên dọn xuống” rồi lấy giỏ đưa hàng xuống. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi “trái cây này bỏ hay sao” thì nhân viên này trả lời sẽ lựa lại, bỏ mấy cái hư.

Siêu thị, cửa hàng tiện lợi vô tư “tái chế” trái cây quá ngày - Ảnh 1.

Trái cây cắt sẵn, đóng gói bán ở cửa hàng tiện lợi thường có hạn sử dụng trong ngày. Nếu không để ý, người tiêu dùng dễ mua nhầm trái cây cũ, quá hạn dùng

Một số cửa hàng Satra, Vinmart thường đóng vỉ 2 - 6 trái táo, cam, quýt, xoài... có vỏ không tươi mới, bán giá giảm 25 - 50%. Nhân viên bán hàng cho biết, trái cây sau mấy ngày không còn tươi sẽ bán giảm giá để đẩy hết hàng cũ.

Tại siêu thị Big C, một số loại trái cây như mít, sầu riêng cũng được bóc sẵn, đựng trong khay xốp có màng bọc thực phẩm. Một số siêu thị khác cũng áp dụng cách làm này.

Mới đây, trái cây đóng gói được bán tại Walmart (Mỹ) bị thu hồi do có khả năng nhiễm vi khuẩn listeria monocytogenes.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phát hiện vi khuẩn listeria monocytogenes trên thiết bị đóng gói trái cây của Công ty Country Fresh. Công ty này đã tự nguyện thu hồi và dừng phân phối sản phẩm táo, nho, xoài, dứa, dưa đỏ cắt sẵn tại các nhà bán lẻ như Walmart.

Bác sĩ Dương Thị Kim Loan - Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) - cảnh báo, có nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng tiêu chảy kéo dài, nôn ói, khó thở... do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), salmonella (thương hàn), E.coli, listeria monocytogenes...

Không phải cứ đóng vỉ, đóng gói trái cây cắt sẵn, bọc lớp màng nhựa là an toàn vì nguy cơ nhiễm khuẩn có thể đến từ dụng cụ, màng bọc, bàn tay người gọt, cắt trái cây; nguồn trái cây có thể đã bị nhiễm khuẩn sẵn hoặc nhiễm khuẩn từ môi trường, không khí.

“Vi khuẩn tụ cầu vàng thường có trên dụng cụ, tay người cắt, gọt trái cây nếu không đảm bảo vệ sinh, nên dù trái cây mới cũng có thể không an toàn. Trái cây cũ, quá hạn dùng thì khả năng nhiễm khuẩn còn cao hơn.

Nếu ăn phải trái cây bị nhiễm khuẩn, trong vòng 24 - 48 giờ, người ăn sẽ bị các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nặng hơn là bị co giật, hôn mê nếu trái cây nhiễm loại vi khuẩn có độc tố thần kinh” - bác sĩ Loan lưu ý.

Với các loại trái cây, lớp vỏ bên ngoài là lớp bảo vệ nhưng khi đã gọt vỏ thì coi như bị mất lớp bảo vệ, dễ nhiễm khuẩn. Trái cây nếu bị nhiễm khuẩn sẵn, khi để ngoài môi trường không khí lâu, vi khuẩn sẽ phát tán nhiều hơn.

Để tránh bị nhiễm khuẩn, theo bác sĩ Loan, không nên mua trái cây gọt vỏ, cắt sẵn bị úng, có mùi ôi và quá hạn sử dụng. Tuy nhiên, cách tốt nhất là nên mua trái cây về tự gọt và lưu ý là trước đó, cần rửa sạch tay, dụng cụ gọt, cắt và ăn ngay sau khi gọt, nếu để thì nên bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, ăn trong ngày.

Xem thêm: mth.30351121171010202-yagn-auq-yac-iart-ehc-iat-ut-ov-iol-neit-gnah-auc-iht-ueis/nv.ahos

Comments:0 | Tags:No Tag

“Siêu thị, cửa hàng tiện lợi vô tư “tái chế” trái cây quá ngày”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools